Tính đến thời điểm hiện tại, BVBank đang là ngân hàng đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao nhất. Theo dự kiến, BVBank năm 2024 đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 200 tỷ đồng, so với thực hiện năm 2023 tăng 179%. Ngoài ra, tổng tài sản dự kiến tăng 14% và cán mốc 100 tỷ đồng.
Năm 2024, BVBank đặt mục tiêu huy động khách hàng lên hơn 74.000 tỷ đồng, tăng khoảng 10%. Dư nợ cấp tín dụng lên gần 66.000 tỷ đồng, tương ứng mức tăng khoảng 14%. Ngân hàng này cho biết sẽ kiểm soát tỷ lệ nợ xấu trong năm nay dưới mức 3%. Đồng thời, BVBank còn có kế hoạch mở rộng số lượng đơn vị kinh doanh của mình, từ 116 lên 126 đơn vị.
Được biết, BVBank năm 2023 ghi nhận lợi nhuận trước thuế là 72 tỷ đồng, so với năm 2022 đã giảm 84%. So với mục tiêu đặt là là 502 tỷ đồng, ngân hàng vẫn còn một khoảng cách khá xa.
Tương tự, VPBank cũng là ngân hàng tiếp theo đề ra mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận theo cấp số nhân. Dự thảo tờ trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của VPBank cho biết, ngân hàng này năm 2024 đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 23.615 tỷ đồng, tăng 114% so với năm liền trước. Tính riêng ngân hàng mẹ dự kiến sẽ đóng góp 20.709 tỷ đồng và công ty chứng khoán VPBankS góp 1.902 tỷ đồng, ngoài ra công ty bảo hiểm OPES sẽ đóng góp 873 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận trong năm nay.
Đặc biệt, công ty tài chính tiêu dùng FE CREDIT năm 2024 cũng được kỳ vọng sẽ trở lại mạnh mẽ sau 2 năm liên tiếp thua lỗ. Dự kiến, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của công ty này trong năm nay là 1.200 tỷ đồng.
Eximbank và ABBank cũng là 2 ngân hàng đề ra mục tiêu khá tham vọng trong năm nay với kế hoạch lợi nhuận tăng đến gần 100%.
Cụ thể, vừa qua Eximbank đã công bố đề xuất của HĐQT đối với kế hoạch kinh doanh năm 2024 và trình ĐHĐCĐ thông qua. Trong năm nay, ngân hàng này gây chú ý khi đề ra mục tiêu khá tham vọng với lợi nhuận trước thuế là 5.180 tỷ đồng, so với kết quả thực hiện năm 2023 tăng 90,5%. Bên cạnh đó, tổng tài sản của Eximbank cũng được kỳ vọng lên mức 223.500 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 11%.
Trong khi đó, ABBank dự kiến sẽ trình lên cổ đông kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024 là 1.000 tỷ đồng, so với kết quả thực hiện của năm 2023 đã tăng 94,5%. Đối với các chỉ tiêu khác, ngân hàng này dự trình tổng tài sản đến cuối năm sẽ đạt 170.000 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 5% so với năm 2023. Huy động từ khách hàng cũng dự kiến tăng 13% lên mức 113.349 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đến cuối năm 2024 dự kiến tăng 13% lên 116.272 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng cũng được duy trì ở mức dưới 3% đúng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Đáng chú ý, những nhà băng khác như MB, Techcombank, ACB… cũng lên kế hoạch kinh doanh tích cực cho năm 2024. Theo dự kiến, MB năm 2024 sẽ ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt từ 27.884 tỷ đồng đến 28.411 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng 6-8% so với năm 2023. Thời điểm hiện tại, mục tiêu lợi nhuận của MB đang ở mức cao nhất trong tổng số 14 ngân hàng đã công bố kế hoạch kinh doanh cho năm nay. Điều đáng nói, mức tăng trưởng dự kiến 6-8% mà MB đặt ra cho năm nay vẫn khá khiêm tốn so với con số 16% thực hiện được trong năm vừa qua.
Năm 2023, Techcombank ghi nhận lợi nhuận sụt giảm; vì thế nhà băng này kỳ vọng lợi nhuận năm 2024 sẽ tăng trưởng trở lại. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 của Techcombank dự kiến tăng trưởng 18,4% so với cùng kỳ, lên 27.100 tỷ đồng. Theo đó, Techcombank lên kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong năm nay là 16,2% (vẫn trong hạn mức được Ngân hàng Nhà nước cấp phép); tăng trưởng huy động vốn ở mức phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng thực tế.
Ngày 4/4 vừa qua, ACB đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, đồng thời thông qua kế hoạch mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay là 22.000 tỷ đồng, so với thực hiện năm 2023 đã tăng 10%. Tổng tài sản của ngân hàng cũng ước tính tăng lên mức 805.050 tỷ đồng. Năm 2024, mục tiêu của ACB là đạt 593.779 tỷ đồng tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá, tương ứng mức tăng 11%. Dư nợ cho vay khách hàng dự kiến tăng 14% lên mức 555.866 tỷ đồng (theo hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao). Tỷ lệ nợ xấu của ACb năm 2024 vẫn sẽ kiểm soát dưới 2%.
Vụ Thống kê của Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các Tổ chức tín dụng quý II/2024, kết quả cho thấy, tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế trong quý đầu năm nay của hệ thống ngân hàng vẫn chưa được như nhận định cũng như kỳ vọng của các Tổ chức tín dụng trong kỳ điều tra trước.
Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng kỳ vọng, tình hình kinh doanh quý II/2024 sẽ khả quan hơn, nhưng mức kỳ vọng cho cả năm vẫn khá thận trọng, chỉ trong khoảng 70,9-72,7% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ cải thiện hơn trong quý II nói riêng và cả năm 2024 nói chung.
Năm 2024, có đến 86,2% tổ chức tín dụng kỳ vọng rằng, lợi nhuận trước thuế sẽ tăng trưởng dương so với năm liền trước, nhưng vẫn có 10,1% tổ chức tín dụng lo ngại về việc lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm nay, còn 3,7% ước tính lợi nhuận sẽ không thay đổi./.
>>> Đọc thêm: Lợi nhuận sau kiểm toán của nhiều nhà băng giảm mạnh