Như chúng tôi đã đưa tin, mới đây, UBND TP. Hà Nội đã có báo cáo gửi HĐND thành phố về kết quả thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn.
Tại báo cáo trên, UBND Hà Nội cho biết, lũy kế đến ngày 15/6/2024 (dự kiến kết quả thực hiện đến hết tháng 6/2024) là 705 dự án (chiếm 99% tổng số 712 dự án) với tổng diện tích 11.345 ha đất đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và chỉ đạo xử lý, giao các đơn vị tiếp tục giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa đất vào sử dụng.
Còn lại 7 dự án (chiếm 1% tổng số 712 dự án) với tổng diện tích 88,5 ha đất, đã có quyết định chủ trương nhưng chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục rà soát để đề xuất phương án xử lý.
Cụ thể, trong tổng số 712 dự án đã có 410 dự án với tổng diện tích 9089,5 ha đất được đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai, tiếp tục giám sát theo quy định của pháp luật, tăng 80 dự án so với cuối năm 2023 (330 dự án).
Trong đó: 12 dự án được đề nghị loại bỏ khỏi danh sách do trùng lặp, nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu khi chưa có ý kiến của UBND Thành phố. 155 dự án sau thanh tra, kiểm tra, chủ đầu tư đã chủ động khắc phục các tồn tại, đề nghị đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai.
153 dự án đã thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động dự án, dừng triển khai hoặc chấm dứt việc giao chủ đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch theo quy định.
295 dự án còn lại với tổng diện tích 2255 ha đất đã có chỉ đạo thực hiện, tiếp tục giám sát, đôn đốc và tổ chức hậu kiểm sau thời gian gia hạn 24 tháng, thời gian kéo dài gia hạn 24 tháng do nguyên nhân bất khả kháng dịch bệnh Covid-19 theo quy định của pháp luật. Kết quả 6 tháng đầu năm 2024 đã giảm 55 dự án so với cuối năm 2023 (350 dự án)…
Đáng chú ý, trong 295 dự án được gia hạn có dự án xây dựng trụ sở chính Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tại khu đất 5.054,8m2 lô A thuộc ô quy hoạch ký hiệu D23 Khu đô thị mới Cầu Giấy.
Theo UBND Hà Nội, lô đất xây dựng công trình thương mại dịch vụ và văn phòng làm việc của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) rộng hơn 5.000 m2, nằm tại lô A D23 Khu đô thị mới Cầu Giấy.
Đối với dự án này, ngày 13/7/2020, Sở Tài nguyên Môi trường đã có Kết luận số 1107/KLTT-STNMT-TTr và KLKT 6796/KLKT ngày 5/9/2023 về việc chưa đưa đất vào sử dụng theo Quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng của UBND TP.
Tuy nhiên, sau đó, ngày 5/10/2023, UBND TP. Hà Nội đã có Quyết định số 5037/QĐ-UBND kéo dài thời gian gia hạn sử dụng đất. Thời gian kéo dài là 11 tháng.
“UBND TP. Hà Nội đang tiếp tục đôn đốc, giám sát”, báo cáo nêu.
Theo tìm hiểu, khu "đất vàng" rộng hơn 5.000 m2 tại nút giao Trần Thái Tông - Tôn Thất Thuyết - Phạm Văn Bạch (đối diện Cung trí thức Hà Nội) có 3 mặt tiền, thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) được TP. Hà Nội giao từ năm 2008 để xây dựng trụ sở.
Tại thời điểm tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất vào cuối năm 2008, lô đất nêu trên có mật độ xây dựng 54%, tầng cao trung bình cho phép là 15, chức năng sử dụng "thương mại dịch vụ và văn phòng làm việc".
Vietcombank là đơn vị trúng giá quyền sử dụng đất với mục đích xây dựng trụ sở làm việc. Đơn vị này đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với 265 tỷ đồng, đã được bàn giao đất và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, sau đó dự án bị bỏ hoang kéo dài.
Đáng chú ý, sau nhiều năm bỏ hoang dự án, vào năm 2012, UBND TP Hà Nội từng khẳng định, lô đất của Vietcombank tại Khu đô thị mới Cầu Giấy để hoang hóa từ năm 2008 là vi phạm khoản 12, Điều 38 của Luật Đất đai.
Hà Nội cũng yêu cầu UBND quận Cầu Giấy rà soát quy chế đấu giá và biên bản bàn giao đất tại thực địa đối với đơn vị trúng đấu giá để lập hồ sơ thu hồi theo quy định. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn tiếp tục bị bỏ hoang./.