3453817482927acc2383-1523.jpg

Ông Lê Tiến Trường nhận định ít nhất quý đầu năm 2023 vẫn chưa khả quan. Trạng phổ biến là số lượng đơn hàng sụt giảm, đơn giá thấp.

Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex - mã: VGT) vừa công bố kết quả sản xuất kinh doanh của Vinatex năm 2022. Theo đó, ước tính đạt mức doanh thu hợp nhất đạt 19.535 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, đạt 108% kế hoạch; lợi nhuận hợp nhất ước đạt 1.090 tỷ đồng, vượt 14,6% kế hoạch.

Trong khi đó, trong 9 tháng năm 2022, lợi nhuận trước thuế hợp nhất tập đoàn đã đạt 1.186 tỷ đồng.

Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Vinatex, từ cuối quý 3/2022, thị trường dệt may đổi chiều đi xuống, các doanh nghiệp rơi vào tình thế khó khăn khi thị trường sợi gần như không có thanh khoản, thị trường may đơn hàng giảm mạnh, tin báo lỗ từ các đơn vị liên tục báo về tập đoàn.

Dù ngay từ những tháng đầu năm, Vinatex đã đưa ra các dự báo sớm về những khó khăn sẽ tới trong nửa cuối của năm, nhưng trước những tình huống khó lường xảy ra, cùng với sự đảo chiều nhanh chóng của thị trường, tất cả các doanh nghiệp thành viên của Vinatex vẫn bị bất ngờ do thị trường lao dốc theo chiều thẳng đứng.

Vinatex cũng cho biết do ngành dệt may Việt Nam chủ yếu là xuất khẩu nên bị ảnh hưởng lớn bởi tổng cầu của thế giới. Trong khi đó, tổng cầu của thế giới lại phụ thuộc vào sự tăng trưởng kinh tế, lạm phát, việc làm, thu nhập của người dân tại các quốc gia.

Bức tranh thế giới năm 2022 với lạm phát cao nhất trong 40 năm qua là những con số chưa bao giờ xảy ra. Với mức độ lạm phát cao, người dân sẽ thắt chặt chi tiêu, giảm sức mua đối với các mặt hàng không thiết yếu trong đó có dệt may.

Chủ tịch Vinatex cho biết, chiến lược của Tập đoàn này trong bối cảnh tiêu dùng dệt may suy giảm, là tận dụng tối đa các đơn hàng, kể cả đơn hàng ngắn để đảm bảo duy trì sản xuất, giữ người lao động.

Cùng đó, "ông lớn" ngành may tối đa hoá lợi thế, điều phối giữa các đơn vị thành viên để cân đối, tận dụng sản xuất trong chuỗi cung ứng nội bộ.

Nhận định về năm 2023, ông Lê Tiến Trường nhận định ít nhất quý đầu năm vẫn chưa khả quan. Trạng phổ biến là số lượng đơn hàng sụt giảm, đơn giá thấp; doanh nghiệp đối diện sức ép gia tăng về các yêu cầu phát triển xanh, bền vững từ đối tác nhập khẩu.

Trước đó, tại buổi tổng kết ngành dệt may, ông Trường nhận định giai đoạn hiện nay không chỉ có khó khăn của riêng ngành dệt may Việt Nam mà là khó khăn của thị trường toàn cầu khi tổng lượng cầu của thế giới đột ngột giảm sút do kinh tế suy giảm.

Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS) trước đó cũng đưa ra hai kịch bản tăng trưởng xuất khẩu của ngành này, ở mức 47-48 tỷ USD nếu thị trường hồi phục vào nửa cuối năm 2023; và kịch bản kém tích cực hơn 45-46 tỷ USD nếu thị trường tiếp tục khó khăn kéo dài.

Theo VITAS, dệt may Việt Nam cũng đứng trước những khó khăn thách thức như dịch bệnh, suy thoái kinh tế toàn cầu, sức mua giảm trên cả thị trường trong nước và thị trường các nước nhập khẩu lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.... Cùng đó, đồng tiền ở một số nước nhập khẩu số lượng lớn có xu thế mất giá cũng ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của ngành dệt may Việt Nam.

Ngành dệt may sẽ đối mặt với sự sụt giảm mạnh đơn hàng từ các thị trường xuất khẩu chính, ít nhất là cho đến nửa đầu năm tài chính năm 2023, trong bối cảnh lượng hàng tồn kho ở mức cao và lạm phát cao làm giảm tiêu thụ toàn cầu.

Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS), "mùa Đông" đang đến với ngành dệt may khi chứng kiến số lượng đơn hàng tiếp tục giảm sút.

KIS đánh giá triển vọng của ngành là kém khả quan trong tháng 12 và nửa đầu năm tài chính 2023 khi số lượng đơn hàng vẫn sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do nhu cầu toàn cầu suy giảm đối với các sản phẩm may mặc.

Minh Vân