CTCP Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 với thông tin cả doanh thu và lợi nhuận đều giảm sút so với cùng kỳ.
Không còn mảng thức ăn chăn nuôi, doanh thu và lợi nhuận giảm sút
Số liệu ghi nhận doanh thu thuần quý 3 đạt 19.252 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trừ chi phí vốn, lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 5.424 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ.
Những yếu tố tác động đến lợi nhuận cả quý còn có chi phí tài chính 1.666 tỷ đồng, tăng 300 tỷ đồng so với cùng kỳ, trong đó chi phí lãi vay 1.145 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng 200 tỷ đồng lên 3.284 tỷ đồng, bù lại chi phí quản lý doanh nghiệp giảm xấp xỉ 200 tỷ đồng so với cùng kỳ, về mức 985 tỷ đồng. Thu nhập khác ghi âm 54 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái ghi dương 126 tỷ đồng. Các công ty liên doanh liên kết mang về khoản lãi 1.144 tỷ đồng, tăng hơn 210 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế còn 841 tỷ đồng, giảm đến 47% so với số lãi 1.586 tỷ đồng đạt được trong quý 3/2021, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 543 tỷ đồng.
Masan cho biết, nguyên nhân dẫn tới lợi nhuận giảm sút trong quý 3 vừa qua đến từ nhiều yếu tố:
- Masan MEATLife ngừng hợp nhất mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi từ tháng 11/2021 và mảng bán lẻ tiêu dùng
- WinCommerce (WCM) ghi nhận lỗ thuần 185 tỷ đồng trong quý 3/2022 so với mức lãi sau thuế 137 tỷ đồng cùng kỳ. Mà nguyên nhân được lý giải là do xu hướng mua hàng dự trữ cao và chợ truyền thống tạm ngừng hoạt động một thời gian dài trong năm 2021 do dịch bệnh Covid-19.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2022 doanh thu Masan đạt 55.546 tỷ đồng, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tài chính hơn 1.921 tỷ đồng (tăng 1.133 tỷ đồng so với cùng kỳ). Trong đó doanh thu tài chính tăng mạnh một phần nhờ ghi nhận 642 tỷ đồng lãi từ “đánh giá lại giá trị khoản đầu tư trước đây” và “doanh thu tài chính khác” (402 tỷ đồng).
>>> Đọc thêm: Masan muốn phát hành riêng lẻ 1.700 tỷ đồng trái phiếu để đảo nợ
Chi phí tài chính tăng hơn 400 tỷ đồng lên mức 4.539 tỷ đồng. Trong tổng chi phí tài chính, có đến 3.361 tỷ đồng để chi trả lãi vay, trái phiếu phát hành và các hoạt động đầu tư cùng khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 686 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng tăng mạnh lên 9.260 tỷ đồng, tương ứng tăng 780 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tuy vậy lãi từ các công ty liên doanh liên kết đạt 3.590 tỷ đồng (tăng 690 tỷ đồng so với cùng kỳ). Trong tổng chi phí. Những yếu tố trên khiến lợi nhuận sau thuế tăng 32,4% so với cùng kỳ, lên mức 3.950 tỷ đồng.
Về cơ cấu doanh thu, doanh thu từ mảng MEATLife đạt hơn 2.100 tỷ đồng, giảm sâu so với doanh thu 13.814 tỷ đồng đạt được cùng kỳ mà nguyên nhân chính là không còn mảng thức ăn chăn nuôi. Cuối năm 2021 Masan đã hoàn tất việc bán 100% mảng thức ăn chăn nuôi cho De Heus. “Con gà đẻ trứng vàng” Proconco và Anco không còn, khiến cho Masan bị “hụt” đi khoản doanh thu và lợi nhuận đáng kể. Lợi nhuận gộp của mảng này trong kỳ còn 236 tỷ đồng – giảm sâu so với số lãi gộp gần 1.900 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm ngoái là minh chứng.
Các mảng kinh doanh khác như bán lẻ, tiêu dùng cũng giảm mạnh về doanh thu. Doanh thu mảng này 9 tháng đầu năm 2022 đạt 21.843 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ. Lý giải cho việc doanh thu mảng này giảm Masan cho rằng do tâm lý mua đồ tích trữ của người dân năm ngoái khi tình hình dịch bệnh bùng phát.
Về tình hình tài chính: Tổng vay nợ tài chính và nợ trái phiếu 60.800 tỷ đồng
Về có, Báo cáo tài chính ghi nhận đến cuối quý 3/2022 tiền và tương đương tiền của Masan còn hơn 6.045 tỷ đồng, giảm đến 16.260 tỷ đồng so với thời điểm đầu ăn, trong đó tiền đạt gần 1.800 tỷ đồng và tương đương tiền đạt gần 4.300 tỷ đồng (giảm 11.100 tỷ đồng so với đầu năm).
Các khoản đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn gần 1.700 tỷ đồng, trong tiền gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng tại ngân hàng còn 477 tỷ đồng (tăng 145 tỷ đồng so với đầu năm) và có thêm hơn 1.200 tỷ đồng là chứng khoán kinh doanh (đầu kỳ bằng 0) – là khoản đầu tư vào trái phiếu. Như vậy tổng tiền, tương đương tiền và đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn của Masan còn gần 7.800 tỷ đồng.
Các khoản đầu tư tài chính dài hạn có đầu tư vào công ty liên doanh liên kết hơn 27.700 tỷ đồng (tăng 3.200 tỷ đồng so với đầu năm) và hơn 2.300 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.
Về nợ, tổng nợ phải trả đến cuối quý 3/2022 gần 92.830 tỷ đồng, tăng hơn 9.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và trái phiếu hơn 40.100 tỷ đồng (tăng 21.300 tỷ đồng so với đầu năm) và dư vay nợ thuê tài chính và vay trái phiếu dài hạn gần 20.800 tỷ đồng, giảm gần 18.600 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm). Như vậy dư nợ thuê tài chính và nợ trái phiếu của Masan còn 60.800 tỷ đồng.
Trong số nợ vay trái phiếu dài hạn có hơn 15.100 tỷ đồng là vay trái phiếu không có tài sản đảm bảo và hơn 18.770 tỷ đồng là vay trái phiếu có tài sản đảm bảo. Áp lực trả nợ thuê tài chính và trả nợ trái phiếu trong ngắn hạn của Masan hơn 40.000 tỷ đồng.
Masan vừa huy động 1.500 tỷ đồng từ trái phiếu
Số liệu từ HNX cho thấy, tháng 9/2022 vừa qua Masan đã phát hành 2 đợt trái phiếu nhằm huy động 1.500 tỷ đồng. Trong số đó lô trái phiếu MSNH2227003 tổng giá trị 700 tỷ đồng, kỳ hạn 60 tháng đáo hạn vào 21/9/2027 và lô trái phiếu MSNH2227004 tổng giá trị 800 tỷ đồng cũng có kỳ hạn 60 tháng, đáo hạn vào 21/9/2027. Masan không công bố nhiều thông tin liên quan đến các lô trái phiếu này như đơn vị tư vấn phát hành, tài sản đảm bảo, trái chủ, mục đích huy động vốn…
Ngoài 2 lô trái phiếu phát hành năm 2022, thì toàn bộ các trái phiếu đang lưu hành của Masan hiện tại đều là những lô trái phiếu phát hành năm 2020.
>>> Đọc thêm: Masan Group: Công ty mẹ lỗ hơn 1.300 tỷ đồng, liên tục phát hành trái phiếu không đảm bảo để đảo nợ
Đối với lô gần 110 triệu cổ phiếu của cổ đông SK
Trong các cổ đông của Masan, có 1 cổ đông đặc biệt là SK Investment Vina I Pte.Ltd (SK). Năm 2018 Masan đã ký một thoả thuận cấp cho SK MỘT QUYỀN CHỌN BÁN, trong đó nội dung chính là trong trường hợp công ty và SK không thực hiện được việc tạo ra giá trị và sự cộng hưởng từ mối quan hệ đối tác hoặc không đồng ý với các định hướng chiến lược của công ty, thì SK có một quyền chọn không thể huỷ ngang để yêu cầu Công ty hoặc người được chỉ định bởi công ty mua lại toàn bộ 109.899.932 cổ phiếu của công ty đã phát hành vào ngày 2/10/2018 với giá mỗi cổ phiếu là 100.000 VND, giá này sẽ được trừ đi các khoản chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và các khoản phân phối bằng cổ phiếu mà công ty đã trả cũng như các sự kiện gộp hay chia tách cổ phiếu và các sự kiện tương tự.
Quyền chọn này sẽ được thực hiện sau 5 năm kể từ ngày hoàn tất và trong năm thứ 6 kể từ ngày hoàn tất đợt phát hành. Quyền chọn này chỉ có thể thực hiện 1 lần đối với toàn bộ số cổ phiếu trên và sẽ bô hiệu nếu SK bán bất kỳ cổ phiếu nào trong số đó.
Thời hạn 5 năm của QUYỀN CHỌN BÁN này sẽ đến hạn trong vòng 1 năm tới. Khối cổ phiếu này nếu SK thực hiện quyền chọn bán, Masan hoặc bên do Masan chỉ định sẽ cần khoản tiền khoảng 10.990 tỷ đồng để thực hiện quyền cho SK.
Trên thị trường cổ phiếu MSN đang giao dịch quanh mức 95.200 đồng/cổ phiếu – khá gần với giá của quyền chọn bán. Tuy vậy nếu Masan không duy trì được mức giá quanh vùng 100.000 đồng/cổ phiếu, hoặc đối tác SK thực sự quyết chọn quyền chọn bán thì Masan sẽ phải luôn sẵn khoản tiền gần 11.000 tỷ đồng để mua lại.
Thuỷ Trúc