Nợ xấu tăng 54% trong năm 2022

Kết thúc năm 2022, MB Bank ghi nhận lượng cho vay khách hàng tăng 27% so với năm trước đó đạt 460.574,5 tỷ đồng. Thế nhưng, chất lượng tín dụng của ngân hàng này đáng lo ngại khi nợ xấu tăng đến 54% so với cùng kỳ và đặc biệt nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng gần 3 lần.

z4273987958589_6286bea2779982a9e31b7f0c613d1a6b_20230418140817.jpg
Năm 2022, MB bank nợ xấu tăng đến 54% so với cùng kỳ và đặc biệt nợ nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn) tăng gần 3 lần.

Cụ thể, nợ xấu của MB Bank ghi nhận tại ngày 31/12/2021 chỉ ở mức 3.268 tỷ đồng, con số này đã tăng lên đến 5.031,3 tỷ đồng tại cuối năm 2022. Việc này khiến tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay khách hàng tăng từ mức 0,9% lên 1,1% trong vòng một năm.

Tại ngày 31/12/2022, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) của MB Bank ở mức 1.517,2 tỷ đồng, tăng 84 tỷ đồng (6%) so với 2021. Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) cũng ghi nhận tăng 206 tỷ đồng lên mức 1.220,8 tỷ đồng. Trong khi đó tại kết thúc năm 2021, nhóm nợ này chỉ ở mức 1.015,1 tỷ đồng.

Đặc biệt, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tại MB Bank vào 31/12/2022 đã tăng lên đến 2.293,3 tỷ đồng, tăng 1.474 tỷ đồng chỉ trong một năm và gấp gần 3 lần so với cùng kỳ, chiếm hơn 45% tổng nợ xấu của ngân hàng này.

Ngoài chất lượng tín dụng nội bảng chuyển biến xấu, MB Bank còn đang có nghĩa vụ với 694.375 tỷ đồng là nợ tiềm ẩn bao gồm bảo lãnh vay vốn (146 tỷ đồng), cam kết giao dịch hối đoái (202.660 tỷ đồng), cam kết trong nghiệp vụ L/C (28.829 tỷ đồng),…

Thay đổi thượng tầng trước thềm ĐHCĐ

Mới đây, MB Bank đã công bố Nghị Quyết Hội đồng Quản trị (HĐQT) về thay đổi nhân sự cấp cao của ngân hàng này. Theo đó, HĐQT MB Bank đã thông qua việc thay đổi nhiều vị trí trong hệ thống thượng tầng, trong đó có chức vụ Chủ tịch HĐQT.

Cụ thể, từ ngày 12/4, ông Lê Hữu Đức từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT MB Bank trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2019 - 2024 theo nguyện vọng cá nhân và đề xuất Đại hội đồng cổ đông thông qua việc thôi tham gia HĐQT thời gian còn lại của nhiệm kỳ này.

Người kế nhiệm ông Đức trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2019-2024 được HĐQT ngân hàng bầu chọn là ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MB Bank.

z4273994676641_c5ae3febf5eb3810343e487aded150a1_20230418140852.jpg
Ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch HĐQT MB Bank, Người kế nhiệm ông Đức trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2019-2024.

Được biết, Tân Chủ tịch HĐQT MB Bank tốt nghiệp thạc sỹ Quản trị Kinh doanh, Đại học Hawaii (Mỹ). Ông Thái có hơn 26 năm gắn bó, làm việc và nắm giữ các vị trí quan trọng tại ngân hàng này. Ông Thái đã tham gia HĐQT MB Bank từ năm 2013, đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch HĐQT.

Ngoài ra, HĐQT MB Bank cũng giao nhiệm vụ cho ông Phạm Như Ánh giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành, đảm nhiệm quyền hạn và nhiệm vụ của Tổng Giám đốc.

Ông Ánh có gần 20 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành tài chính, ngân hàng. Tại MB Bank, ông Ánh đã đảm nhiệm nhiều vị trí từ Giám đốc Chi nhánh, Giám đốc Khối, phụ trách kinh doanh Khu vực phía Nam…

Đến tháng 8/2020, ông Phạm Như Ánh được bổ nhiệm là Thành viên Ban Điều hành, nhận phụ trách quản lý hoạt động kinh doanh các đơn vị tại Khu vực phía Nam và Khối CIB của MB Bank.

Theo kế hoạch, ngày 25/4, MB Bank sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Ban Lãnh đạo ngân hàng này dự kiến lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 tăng 15% so với năm 2022, đạt 26.100 tỷ đồng. Tổng tài sản ước tăng 14% lên 830.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng 20%, đạt 54.363 tỷ đồng.

Về tín dụng dự kiến đạt 583.600 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022. Huy động vốn ước đạt 591.000 tỷ đồng và mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu hợp nhất dưới 2% và riêng Ngân hàng mẹ dưới 1,5%