Đặc biệt, yêu cầu sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP được nhấn mạnh với tinh thần cải cách mạnh mẽ, rút ngắn thủ tục, tăng hiệu lực quản lý, cần thiết để tạo khung pháp lý đầy đủ cho Sở Giao dịch Vàng Quốc gia, từ đó điều tiết thị trường theo hướng minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả.

Trong bối cảnh giá vàng thế giới liên tục biến động, mức chênh lệch giữa giá trong nước và quốc tế không còn ở ngưỡng có thể bỏ qua. Đây là yếu tố gây rối loạn tâm lý thị trường, thúc đẩy đầu cơ, tạo ra dòng vốn không ổn định, ảnh hưởng đến tỷ giá, lãi suất và mục tiêu kiểm soát lạm phát. Thành lập Sở Giao dịch Vàng Quốc gia cho phép định giá theo chuẩn quốc tế, bám sát biến động toàn cầu, hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ, ổn định vĩ mô và bảo đảm an ninh tài chính, giúp quản lý, kiểm soát thị trường vàng và nâng cao vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị vàng khu vực và quốc tế.

1. Vận dụng kinh nghiệm thế giới trong quản lý thị trường vàng ở Việt Nam

Thị trường vàng Việt Nam tồn tại tình trạng phân mảnh, thiếu công khai, giá vàng trong nước thường xuyên chênh lệch lớn so với giá thế giới, ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định vĩ mô, làm méo mó tín hiệu thị trường và gia tăng tâm lý đầu cơ. Chuyển đổi từ quản lý hành chính sang điều tiết bằng cơ chế thị trường đòi hỏi nhà nước phải xây dựng khung pháp lý toàn diện cho hoạt động giao dịch vàng. Các quy định về cấp phép, công bố thông tin, kiểm định chất lượng, lưu trữ và truy xuất nguồn gốc vàng cần được thiết kế đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thành lập Trung tâm kiểm định quốc gia, cấp mã vạch cho vàng thương phẩm, phát triển hệ thống thanh toán điện tử chuyên biệt là các điều kiện tiên quyết cho hoạt động của sở giao dịch vàng, đảm bảo tính minh bạch và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và người tiêu dùng. Sở giao dịch vàng với cơ chế định giá minh bạch, kết nối với các trung tâm tài chính quốc tế sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới. Chuẩn hóa quy trình giao dịch và tăng cường quản lý dữ liệu giúp kiểm soát tốt hơn các dòng tiền, hạn chế rủi ro rửa tiền và đầu cơ trái phép.

Các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Thụy Sĩ đã triển khai những chiến lược kiểm soát thị trường vàng có mục tiêu cụ thể. Trung Quốc tập trung nội địa hóa chuỗi cung ứng vàng, từ khai thác, tinh luyện đến lưu trữ và giao dịch, nhằm đảm bảo chủ quyền tài chính và nâng cao ảnh hưởng quốc tế.

Ấn Độ kiểm soát nhu cầu nhập khẩu vàng thông qua chính sách thuế và giám sát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu, đồng thời phát triển các công cụ tài chính như cho vay cầm cố vàng và sàn giao dịch hàng hóa MCX để thúc đẩy đầu tư nội địa.

Thụy Sĩ duy trì vai trò trung tâm toàn cầu về tinh luyện và lưu trữ vàng, nhờ vào hệ thống pháp lý chặt chẽ, minh bạch và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế trong kiểm nghiệm, đóng dấu và truy xuất nguồn gốc. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm để xây dựng lộ trình phát triển sở giao dịch vàng mang tính tổng thể và bền vững.

Thành lập Sở Giao dịch Vàng Quốc gia mở ra cơ hội nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam trong chuỗi giá trị vàng toàn cầu. Xây dựng một trung tâm giao dịch đạt chuẩn quốc tế, có khả năng liên kết với các sàn vàng lớn như London, COMEX hay Thượng Hải sẽ giúp Việt Nam trở thành điểm trung chuyển và định giá vàng khu vực, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài và mở rộng thị trường tiêu thụ cho ngành công nghiệp chế tác vàng, tăng cường xuất khẩu và tạo thêm việc làm chất lượng cao trong lĩnh vực tài chính và kim hoàn.

6832c64befad1.png
Giao dịch vàng tại các Sở giao dịch vàng toàn cầu (tỷ đô la Mỹ). (Nguồn: World Gold Council)

Hình thành Sở Giao dịch Vàng Quốc gia giảm thiểu biến động thị trường và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ sinh thái tài chính quốc gia. Khi vàng không chỉ là hàng hóa thương mại mà trở thành công cụ tiết kiệm và đầu tư, vai trò của nhà nước trong điều tiết thị trường cần được chuyển từ quản lý hành chính sang kiểm soát thông minh dựa trên cơ chế thị trường.

Tích hợp sở giao dịch vàng vào hệ thống tài chính mở rộng không gian cho các sản phẩm tài chính phái sinh, trái phiếu vàng, quỹ ETF vàng và các kênh đầu tư mới, qua đó hỗ trợ tăng trưởng thị trường vốn và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Sở Giao dịch vàng Quốc gia góp phần tạo ra nguồn dự trữ vàng chiến lược, nâng cao năng lực can thiệp thị trường trong những thời điểm biến động lớn. Nhà nước có thể thông qua Sở giao dịch vàng để điều phối cung cầu, giảm thiểu tâm lý đầu cơ, duy trì ổn định tài chính và hỗ trợ các chính sách tiền tệ. Việc nắm giữ vàng thông qua hệ thống giao dịch điện tử giúp tăng hiệu quả quản lý, giảm thiểu chi phí lưu trữ, đồng thời tạo điều kiện phát hành các sản phẩm tài chính gắn với vàng như chứng chỉ vàng điện tử hoặc trái phiếu vàng chính phủ. Tích hợp sở giao dịch vàng với các sàn hàng hóa, sàn giao dịch chứng khoán, ngân hàng thương mại và hệ thống dữ liệu tài chính quốc gia là một hướng đi cần thiết để bảo đảm kết nối, chia sẻ, liên thông giữa các hệ thống giao dịch.

Thị trường vàng đóng vai trò quan trọng trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, tăng trưởng, thất nghiệp, sử dụng công cụ thuế, lãi suất để kiểm soát lạm phát, tỷ giá, cán cân thanh toán. Thiết lập nền tảng giao dịch thống nhất sẽ cung cấp dữ liệu thời gian thực sẽ giúp các cơ quan chức năng dự báo xu hướng, can thiệp kịp thời và đảm bảo tính ổn định của toàn hệ thống.

Cơ hội hình thành thị trường vàng tập trung, vận hành theo chuẩn quốc tế, kết nối sâu với thị trường tài chính, tiền tệ là bước tiến quan trọng trong công cuộc cải cách thể chế và chuyển đổi số nền kinh tế. Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành điểm trung chuyển và định giá vàng của khu vực Đông Nam Á, khi hệ thống Sở Giao dịch Vàng Quốc gia vận hành và tích hợp hoàn chỉnh với các trung tâm tài chính toàn cầu, mang lại lợi ích cho thị trường vàng, và tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đến toàn bộ nền kinh tế.

2. Hình thành Sở Giao dịch vàng Quốc gia để quản lý thị trường vàng ở Việt Nam

Thành lập Sở Giao dịch Vàng Quốc gia là bước đi chiến lược để quản lý và kiểm soát thị trường vàng theo cơ chế thị trường. Việt Nam cần thiết lập một mô hình sở giao dịch vàng hiện đại, được vận hành trên nền tảng công nghệ số và có hệ thống pháp lý đồng bộ, minh bạch. Hệ thống truy xuất nguồn gốc vàng, kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và tích hợp dữ liệu giao dịch thời gian thực sẽ tạo nền tảng cho sự vận hành hiệu quả của sở giao dịch.

Áp dụng cơ chế giao dịch qua tài khoản ngân hàng, miễn giảm hợp lý các loại thuế, đồng thời thúc đẩy việc huy động nguồn vàng trong dân cư là những bước đột phá cần thiết để chuyển đổi thị trường vàng từ mô hình giao dịch truyền thống sang hạ tầng tài chính hiện đại.

Thành lập Sở Giao dịch Vàng Quốc gia là quyết tâm xây dựng một thị trường vàng hiện đại, minh bạch, phù hợp với các nguyên tắc vận hành tài chính quốc tế. Trên nền tảng công nghệ số, mọi giao dịch sẽ được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, kiểm định chất lượng theo chuẩn quốc tế, đảm bảo tính minh bạch và độ tin cậy cao.

Dữ liệu thị trường được số hóa và theo dõi theo thời gian thực, cho phép cơ quan quản lý nắm bắt chính xác và kịp thời diễn biến thị trường. Khi triển khai đồng bộ, hệ thống này có thể hạn chế tối đa tình trạng đầu cơ, buôn lậu vàng, thao túng giá, tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh cho các tổ chức và cá nhân tham gia.

Liên kết thị trường vàng với hệ thống tài chính, ngân hàng, chứng khoán, sàn hàng hóa, là bước tiến giúp tích hợp thị trường vàng vào dòng chảy tài chính quốc gia. Dòng vốn nhàn rỗi dưới dạng vàng tích trữ trong dân cư sẽ được kích hoạt, đưa vào vận hành qua các sản phẩm tài chính như quỹ ETF vàng, trái phiếu vàng, hợp đồng tương lai. Thị trường vàng không còn bị bó hẹp trong khuôn khổ vật chất mà trở thành công cụ đầu tư, phòng vệ rủi ro và điều tiết kinh tế vĩ mô hữu hiệu. Mỗi giao dịch đều được giám sát, mỗi sản phẩm đều có chuẩn định giá, giúp thị trường vận hành theo tín hiệu cung, cầu, giảm sự can thiệp hành chính thiếu linh hoạt. Kết nối với các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính và đối tác lưu ký vàng vật chất được thực hiện thông qua mạng lưới tích hợp tiêu chuẩn ISO 20022, đảm bảo khả năng truyền tải dữ liệu chính xác, có kiểm chứng và không gián đoạn. Toàn bộ giao dịch được ghi lại theo chuẩn kế toán tài chính quốc tế, đồng thời được lưu trữ có mã hóa để phục vụ công tác kiểm toán định kỳ và hậu kiểm pháp lý.

Hệ thống công nghệ hiện có, KRX của Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh và Core i5 của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội là tiền đề vững chắc để tích hợp và vận hành Sở Giao dịch Vàng Quốc gia. KRX đã cho phép triển khai các sản phẩm tài chính hiện đại, vận hành giao dịch T+0, bán khống có đảm bảo, hỗ trợ đồng bộ dữ liệu, từ đó minh bạch hóa thị trường chứng khoán. Core i5 là nền tảng công nghệ “Made in Vietnam”, đã chứng minh năng lực nội sinh trong xây dựng và duy trì hệ thống giao dịch ổn định, bảo mật và có tính ứng biến cao trong bối cảnh thị trường biến động mạnh, hoàn toàn có thể mở rộng, tích hợp chức năng mới để phục vụ giao dịch vàng, tối ưu chi phí và thời gian triển khai.

Sở Giao dịch Vàng Quốc gia được xây dựng trên nền tảng công nghệ hiện đại, áp dụng kiến trúc hệ thống phân tán nhằm đảm bảo hiệu suất hoạt động cao và khả năng xử lý đồng thời nhiều giao dịch. Hệ thống được tích hợp với hạ tầng trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn Tier 3, cung cấp khả năng dự phòng điện, làm mát và kết nối mạng liên tục 24/7. Các máy chủ vật lý và ảo hóa được triển khai theo mô hình lai hybrid, vừa sử dụng tài nguyên tại chỗ vừa khai thác các dịch vụ điện toán đám mây từ các nhà cung cấp uy tín để tăng cường khả năng mở rộng linh hoạt.

Bản đồ trung tâm giao dịch vàng quốc tế

6832c6704ddf9.png
Nguồn: World Gold Council.

Cấu trúc phần mềm của Sở Giao dịch Vàng Quốc gia có thể được phát triển theo mô hình microservices, mỗi chức năng vận hành như một dịch vụ độc lập nhưng vẫn đảm bảo tính liên kết thông qua hệ thống API nội bộ và cổng tích hợp API Gateway. Các chức năng cốt lõi như khớp lệnh, quản lý tài khoản, theo dõi giá vàng, lưu ký và thanh toán được tách biệt rõ ràng về mặt kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả bảo trì, cập nhật và quản trị rủi ro.

Cơ chế khớp lệnh thời gian thực có thể được lập trình bằng ngôn ngữ hiệu năng cao như C++ hoặc Rust, tối ưu hóa độ trễ thấp để phản hồi nhanh với biến động thị trường. Giao diện người dùng được thiết kế dựa trên nguyên tắc thân thiện, dễ thao tác, hỗ trợ cả phiên bản web và di động.

Các biểu đồ giá, thông tin lệnh, lịch sử giao dịch được trực quan hóa với công nghệ dựng hình thời gian thực bằng thư viện chuyên biệt. Giao diện tương tác được bảo vệ bởi các lớp mã hóa TLS chuẩn AES-256, kết hợp xác thực đa yếu tố để ngăn chặn truy cập trái phép. Đối với nhà đầu tư tổ chức, hệ thống cung cấp kênh kết nối giao dịch thông qua FIX protocol, đảm bảo thông lượng lớn và độ tin cậy cao trong giao tiếp giữa hệ thống nội bộ và hệ thống của khách hàng. Kiến trúc dữ liệu được tối ưu hóa cho các hoạt động truy vấn nhanh chóng, chính xác.

Dữ liệu được lưu trữ trên nền tảng cơ sở dữ liệu quan hệ kết hợp với kho dữ liệu thời gian thực nhằm phục vụ việc phân tích xu hướng, giám sát rủi ro và phát hiện bất thường. Hệ thống sao lưu và phục hồi dữ liệu hoạt động theo chu kỳ định kỳ, đồng bộ hóa với trung tâm dự phòng ở địa điểm khác biệt về mặt địa lý nhằm đảm bảo an toàn dữ liệu trong trường hợp xảy ra sự cố hệ thống nghiêm trọng.

Mô hình vận hành kỹ thuật của Sở được điều hành thông qua Trung tâm Điều phối Công nghệ với hệ thống giám sát thông minh, sử dụng AI để nhận diện sớm các dấu hiệu bất ổn như quá tải hệ thống, hành vi giao dịch bất thường, nguy cơ tấn công mạng. Đội ngũ kỹ sư và chuyên gia an ninh mạng làm việc theo cơ chế ba ca luân phiên để đảm bảo khả năng ứng trực toàn thời gian. Quy trình xử lý sự cố được tiêu chuẩn hóa theo mô hình ITIL, đảm bảo phản ứng kịp thời và hiệu quả trong mọi tình huống.

Hạ tầng an ninh mạng của Sở Giao dịch Vàng Quốc gia được xây dựng với ba lớp bảo vệ chính. Lớp ngoài là hệ thống tường lửa thế hệ mới, định danh lưu lượng đáng ngờ và chặn đứng các yêu cầu không hợp lệ. Lớp giữa là hệ thống phát hiện và ngăn chặn xâm nhập (IDS/IPS) được cập nhật theo thời gian thực dựa trên cơ sở dữ liệu toàn cầu. Lớp trong là các giải pháp bảo mật nội dung và phân quyền chặt chẽ theo vai trò người dùng nhằm giảm thiểu rủi ro nội bộ.

Chỉ khi khung pháp lý được củng cố, chế tài nghiêm minh, việc triển khai các giải pháp kỹ thuật, tài chính mới có thể phát huy hiệu quả. Công tác thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vàng là nhiệm vụ trọng tâm. Phối hợp giữa các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương với Ngân hàng Nhà nước cần diễn ra đồng bộ, kịp thời, theo hướng xử lý nghiêm, dứt điểm các hành vi đầu cơ, thao túng, kinh doanh trái phép. Minh bạch không chỉ đến từ công nghệ, mà còn từ tính công khai, trách nhiệm trong thực thi pháp luật.

Truyền thông chính thống đóng vai trò then chốt trong việc định hướng dư luận, giảm thiểu tâm lý hoảng loạn, ngăn chặn lan truyền thông tin thất thiệt, sai lệch về giá vàng và chính sách điều hành. Cung cấp thông tin minh bạch, cập nhật thường xuyên từ cơ quan quản lý giúp người dân yên tâm, doanh nghiệp chủ động kế hoạch kinh doanh, đầu tư. Hệ sinh thái thông tin minh bạch là điều kiện không thể thiếu để xây dựng một thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả và bền vững./.