Sáng ngày 18/3, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 31, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đối với 4 nhóm vấn đề.

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc là người đầu tiên trả lời chất vấn trong phiên họp sáng nay về các nhóm vấn đề: Công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; Việc thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính và việc thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng; Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; Công tác quản lý giá và việc quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) về việc chèo kéo trong bán hợp đồng bảo hiểm, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, các hành vi chèo kéo trong bán bảo hiểm là hành vi của các nhân viên bảo hiểm, công ty bảo hiểm. Về mặt quản lý, Luật nghiêm cấm việc các cán bộ bảo hiểm tư vấn sai, tranh giành, lôi kéo, dùng các thủ đoạn lợi dụng những người chưa có nhận thức cao để bán bảo hiểm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời tại phiên chất vấn
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời tại phiên chất vấn

Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm tra, thanh tra khi có khiếu nại, xử phạt nghiêm minh, chuyển cho cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu sai phạm để cơ quan có thẩm quyền xử lý. Về hợp đồng kéo dài, trước đây, có những hợp đồng kéo dài hàng chục trang, gây sơ hở trong nắm bắt thông tin, gây thiệt hại cho người tham gia bảo hiểm.

Tuy nhiên, khi sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, cơ quan soạn thảo đã dành một chương cho hợp đồng bảo hiểm để đảm bảo hợp đồng bảo hiểm gọn hơn, rõ hơn, chặt chẽ hơn. Đồng thời cũng có quy định, trong vòng 21 ngày, nếu phát hiện hợp đồng bảo hiểm có sai sót thì người tham gia bảo hiểm có quyền đòi nhận lại tiền, công ty bảo hiểm phải trả lại cho người tham gia bảo hiểm.

Trả lời đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng), Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại đã được quy định rõ trong Luật Bảo hiểm năm 2023. Đối với việc thực hiện bồi thường thiệt hại chậm hoặc cố tình có kéo, gây ra tranh chấp hiện có hai kênh giải quyết. Đó là gọi đến Cục QLGS bảo hiểm (Bộ Tài chính) sẽ có trách nhiệm giải quyết trong phạm vi phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; Nếu có dấu hiệu lừa đảo hình sự sẽ được xử lý qua bộ phận điều tra hình sự.

Về phía Bộ Tài chính đã chỉ đạo các công ty bảo hiểm thực hiện vấn đề này một cách nghiêm túc; công ty bảo hiểm nào dây dưa, không trả bảo hiểm thì Cục Quản lý bảo hiểm của Bộ Tài chính sẽ tổ chức thanh tra kiểm tra và giải quyết khiếu nại theo quy định.

Về bảo hiểm nhân thọ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho biết, hiện nay trên thị trường có 19 công ty bảo hiểm và chỉ có 2 công ty bảo hiểm trong nước và 17 công ty bảo hiểm liên doanh và nước ngoài. Việc hoạt động chủ yếu do đại lý và nhân viên ở trong nước thực hiện. Việc liên kết bán bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng có thể là hành vi của nhân viên ngân hàng chứ chưa chắc đã phải của các chủ tịch, giám đốc các ngân hàng thương mại chỉ đạo. 

Ngoài ra, có thể là liên kết giữa ngân hàng hợp đồng với các công ty bảo hiểm để hưởng chi phí dịch vụ, nhưng trong quá trình thực hiện có sự lệch lạc, thiếu thanh tra, kiểm tra, định hướng, quản lý dẫn đến nhân viên tư vấn sai, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Vì vậy, Bộ Tài chính đã xây dựng quy trình, phối hợp thanh tra, kiểm tra để để đảm bảo sự đúng đắn trong hoạt động bảo hiểm.