Thông tin được Công ty Chứng khoán Vndirect đưa ra tại Báo cáo Thị trường trái phiếu quý II/2024 với tiêu đề: “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp ấm lại”.
Các ngân hàng phát hành hơn 85.000 tỷ đồng trái phiếu trong quý II
Theo báo cáo trên, trong quý II vừa qua, có tổng cộng 119 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong nước thành công với tổng giá trị phát hành (GTPH) đạt khoảng 119.270 tỷ đồng, cao gấp 4,1 lần so với quý đầu năm 2024 và cao gấp gần 3 lần so với cùng kỳ.
Cụ thể, trong quý có 117 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành đạt 116.770 tỷ đồng, chiếm 97,9% tổng GTPH và 2 đợt phát hành ra công chúng với giá trị phát hành đạt 2.500 tỷ đồng, chiếm 2,1% tổng GTPH.
“Hoạt động phát hành TPDN riêng lẻ đã có sự phục hồi mạnh trong quý II với tổng GTPH cao gấp 7,7 lần so với quý I và tăng 232,8% so với cùng kỳ. Trong khi hoạt động phát hành công chúng sụt giảm với tổng giá trị phát hành giảm 81,7% so với quý I/2024 và giảm 54,2% so với cùng kỳ”, báo cáo nhấn mạnh.
Theo báo cáo, sự phục hồi của hoạt động phát hành TPDN riêng lẻ trong quý II đến từ sự gia tăng phát hành trở lại của nhóm ngân hàng. Trong quý nhóm này đã phát hành 85.037 tỷ đồng TPDN riêng lẻ, chiếm 72,8% tổng giá trị TPDN riêng lẻ phát hành.
Việc các ngân hàng gia tăng phát hành trái phiếu trong quý được nhận định với mục đích tăng tỷ lệ vốn huy động trung và dài hạn nhằm đảm bảo đủ tỷ lệ tối đa vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo quy định của NHNN.
Ngoài ra, hoạt động phát hành của nhóm bất động sản cũng tích cực hơn trong quý II vừa qua với tổng giá trị TPDN riêng lẻ phát hành đạt 14.740 tỷ đồng, chiếm 12,5% tổng GTPH, tăng 39,6% so với quý trước và tăng 31,6% so với cùng kỳ.
Các tổ chức đã phát hành TPDN nhiều nhất trong quý II vừa qua, gồm: Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) phát hành 22.000 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) phát hành 10.745 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) phát hành 10.000 tỷ đồng, CTCP VINHOMES phát hành 8.500 tỷ đồng…
Ở chiều ngược lại, tổng giá trị TPDN được mua lại trước hạn trong quý II đạt hơn 53.115 tỷ đồng, tăng 125,9% so với quý I, tuy nhiên vẫn giảm 37% so với cùng kỳ.
Ngân hàng là nhóm thực hiện mua lại TPDN trước hạn nhiều nhất với hơn 43.715 tỷ đổng, chiếm 82,3% tổng giá trị TPDN được mua lại trước hạn trong quý.
Các tổ chức phát hành đã mua lại nhiều nhất TPDN riêng lẻ trước hạn trong quý bao gồm: Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank) đã mua lại hơn 10.900 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) đã mua lại hơn 9.600 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã mua lại 4.900 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP phát triển TP.HCM (HDBank) đã mua lại 2.600 tỷ đồng…
Doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp khó về dòng tiền thanh toán trái phiếu
Theo báo cáo, trải qua 2 quý đầu năm, thị trường bất động sản mặc dù đã thoát qua vùng đáy, tuy nhiên vẫn còn ảm đạm và cần tiếp tục có những biện pháp tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là gỡ vướng về pháp lý để có thể khơi thông thị trường.
Hoạt động sản xuất kinh doanh chung của nền kinh tế mặc dù đang dần phục hồi, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với áp lực chi phí vốn và cạnh tranh tăng cao.
Trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều tổ chức phát hành, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp bất động sản vẫn đang tiếp tục gặp khó khăn về dòng tiền dẫn đến chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu đến hạn.
Tính đến ngày 15/7/2024, có khoảng hơn 80 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc TPDN theo thông báo của HNX. Số tiền nợ gốc đến hạn trong 6 tháng năm 2024 chậm thanh toán là khoảng hơn 11.000 tỷ đồng, chiếm 11% tổng giá trị đáo hạn.
Tổng số tiền nợ gốc đến hạn trong 6 tháng năm 2024 chậm thanh toán và giá trị trái phiếu có thời gian đáo hạn đã được gia hạn kỳ hạn là khoảng 43.500 tỷ đồng, chiếm 43,5% tổng giá trị đáo hạn.
Theo ước tính, tổng dư nợ TPDN riêng lẻ của 80 doanh nghiệp này là khoảng 190.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 18,7% dư nợ TPDN riêng lẻ toàn thị trường. Phần lớn trong số các tổ chức phát hành này là các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản.
Mặc dù vậy, theo báo cáo, sau khi tăng mạnh trong quý II, áp lực đáo hạn sẽ hạ nhiệt hơn trong quý III/2024 trước khi tăng mạnh trở lại vào quý cuối năm.
Theo ước tính, trong quý III này sẽ có khoảng hơn 38.500 tỷ đồng TPDN riêng lẻ đáo hạn, giảm 27,2% so với quý II. Nhóm bất động sản là nhóm có tỷ trọng lớn nhất chiếm 49% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn, đứng thứ 2 là nhóm ngân hàng chiếm tỷ lệ 26,7% tổng giá trị đáo hạn.
“Trong quý III/2024, ước tính sẽ có khoảng gần 50.000 tỷ đồng trái phiếu của nhóm ngân hàng sẽ chuyển từ thời gian đáo hạn còn lại từ trên 1 năm xuống dưới 1 năm, do đó nhiều khả năng các ngân hàng sẽ tiếp tục gia tăng phát hành trái phiếu có kỳ hạn dài hơn để thay thế và mua lại những lô sắp đến hạn”, Vndirect nhận định./.