Lĩnh vực đầu tư xây dựng được chú trọng

Theo báo của UBND tỉnh Lạng Sơn, lĩnh vực đầu tư xây dựng được tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ ngay từ đầu năm. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh là 3.340,71 tỷ đồng (trong đó giao từ đầu năm chưa bao gồm vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) là 2.498,38 tỷ đồng; giao vốn đầu tư công thực hiện chương trình MTQG 842,33 tỷ đồng). Trên địa bàn đã khởi công 16/22 dự án khởi công mới năm 2022, các dự án chuyển tiếp triển khai thực hiện theo tiến độ; hoàn thành đưa vào sử dụng một số công trình, dự án thành phần.

Trong đó, dự án thành phần 2 (đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng) tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã hoàn thiện hồ sơ và đang được Hội đồng liên ngành tổ chức thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư. Giá trị khối lượng thực hiện các dự án 1.035,8 tỷ đồng, đạt 41,5% kế hoạch. Ước kết quả giải ngân đến hết ngày 30/6/2022 là 814,5 tỷ đồng, đạt 32,6% kế hoạch, tương đương cùng kỳ (đạt 32,5%)...

Mailand-hoang-dong-lang-son-thanh-pho-ky-hoa.jpg
Nhiều khu đô thị được quy hoạch bài bản và triển khai thi công tạo điểm nhấn phát triển đô thị của tỉnh Lạng Sơn.

Công tác lập quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện theo kế hoạch, định kỳ hằng tuần báo cáo tiến độ với Thường trực Tỉnh uỷ. Tỉnh đã tiếp nhận tài trợ từ nguồn vốn xã hội hóa và ký hợp đồng thực hiện với đơn vị tư vấn nước ngoài để nâng cao chất lượng quy hoạch tỉnh. Đồng thời, hoàn thành dự thảo Báo cáo định hướng Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (dự thảo bước 1), trình xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đang tổng hợp, xây dựng báo cáo thuyết minh Quy hoạch tỉnh theo kế hoạch. Tiếp tục công tác lập Quy hoạch phân khu phía Nam TP. Lạng Sơn, Quy hoạch phân khu trung tâm Logistics quốc tế Lạng Sơn và lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng TP. Lạng Sơn đến năm 2025...

Thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất kinh doanh tại khu vực cửa khẩu; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công; đôn đốc, hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng các khu chức năng (Khu trung chuyển hàng hóa, Khu chế xuất 1, Khu phi thuế quan và một số dự án khác). Tỉnh cũng tổ chức triển khai lập các quy hoạch điều chỉnh, mở rộng Quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỷ lệ 1/500; điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình, tỷ lệ 1/500.

Điểm nhấn tăng trưởng về du lịch, chuyển đổi số

Cũng theo báo cáo, về sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch cũng đạt được những con số ấn tượng. Sản xuất công nghiệp cơ bản ổn định và có bước tăng trưởng, tính chung 6 tháng đầu năm chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 7,86% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp khai khoáng tăng 4,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,75%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 4,64%; cung cấp nước, xử lý rác thải tăng 3,53%.

Bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành và triển khai Kế hoạch mở cửa an toàn, hiệu quả đón khách du lịch quốc tế trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thành công Lễ hội Kỳ Hoa tỉnh Lạng Sơn năm 2022. Từ quý II/2022, dịch Covid-19 được kiểm soát tốt đã tạo đà phục hồi phát triển du lịch; ước 6 tháng đầu năm thu hút 2,22 triệu lượt khách du lịch, đạt 65,5% kế hoạch, tăng 101,5% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch 881 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch, tăng 43%. Đã tổ chức khởi công, triển khai dự án Quần thể khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn. Triển khai thực hiện các nội dung hoạt động của Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn; tiếp tục chuẩn bị các nội dung liên quan đến xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu.

Về nội dung phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư, tỉnh Lạng Sơn triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tổ chức rà soát lại Đề án hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025 và Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025 nhằm phát huy những kết quả đạt được, xác định các giải pháp thực hiện hiệu quả, phù hợp với tình hình, đặc thù của doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Tổ chức hội nghị về giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư; hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hợp tác xã; hội nghị phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, giải pháp nâng cao chỉ số PCI tỉnh 20 gồm: Hoà Sơn 1, Hồ Sơn 1, Minh Sơn, Đông Nam Đồng Mỏ, Văn Lãng 2...

Le-hoi-ky-hoa(1).jpg
Chương trình nghệ thuật hoành tráng tại lễ khai mạc Lễ hội Kỳ hoa Lạng Sơn 2022.

Một trong những nội dung được chính quyền tỉnh Lạng Sơn đặc biệt quan tâm là công tác chuyển đổi số, đã được triển khai toàn diện và đạt nhiều kết quả trên tất cả các lĩnh vực. Tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Lễ phát động triển khai nền tảng “Công dân số Xứ Lạng” và phát triển tài khoản thanh toán điện tử. Tổ chức tập huấn cho Tổ công nghệ số cộng đồng triển khai các nền tảng số liên quan với mục đích đưa nền tảng số phổ biến đến mọi người dân để nền tảng số là một trong những giải pháp trọng tâm thúc đẩy chuyển đổi số bắt đầu từ người dân. Đến 30/6/2022 triển khai cài đặt được trên 115.000 tài khoản.

Ngoài ra, tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp chủ quản sử dụng nguồn quỹ Viễn thông công ích để tập trung phát triển hạ tầng số. Theo kế hoạch đến ngày 30/6/2022, các doanh nghiệp sẽ thực hiện đầu tư 182 trạm phát sóng điện thoại, trong đó có 97 thôn bản trắng sóng và sóng kém trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do tình hình mưa lũ thời gian vừa qua, nên việc triển khai sẽ kéo dài đến ngày 30/7/2022. Hiện nay, tỉnh đã chấp thuận 104 vị trí xây dựng trạm phát sóng điện thoại, các doanh nghiệp đang tiến hành xây dựng các trạm.

Bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn cũng triển khai thí điểm sử dụng nền tảng cửa khẩu số tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị từ ngày 19/1/2022 và cửa khẩu Tân Thanh từ ngày 21/2/2022. Đến nay, 100% các phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu đã khai báo trực tuyến trên nền tảng cửa khẩu số. Đến 30/6/2022 có trên 57.000 phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu khai báo trên nền tảng cửa khẩu số.

Những con số ấn tượng trong phát triển kinh tế Lạng Sơn trong 6 tháng đầu năm 2022 ở trên, thể hiện sự nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền tỉnh Lạng Sơn. Đây cũng là động lực để kinh tế Lạng Sơn phát triển, hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra trong năm 2022./.