“Vàng lên, không lý gì USD không lên”
Ngày 30/3/2024, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam (VND) với USD giữ nguyên, hiện ở mức 24.003 đồng. Trong khi đó, trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt giảm 0,06%, xuống mốc 104,49.
Như vậy, tính từ đầu năm đến cuối tháng 3, tỷ giá USD tại các ngân hàng đã tăng 1,82%, trong khi đó, tỷ giá trên thị trường tự do tăng 3,22%. Sau 14 phiên Ngân hàng Nhà nước cũng đã “hút ròng” tới 168,9 nghìn tỷ đồng, giá USD chợ đen đã giảm 0,83 điểm %; tỷ giá tại các ngân hàng tăng nhẹ 0,08 điểm %.
Lý giải về tình trạng tỷ giá tăng những ngày qua, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân do kinh tế Mỹ phục hồi tốt hơn kỳ vọng khiến đồng USD mạnh lên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì lãi suất cao, cũng như đà tăng mạnh của giá vàng và nhu cầu về ngoại tệ tăng lên…
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, nhiều người suy nghĩ “không có lý gì vàng lên mà USD lại không lên, dẫn đến họ đổ tiền vào mua USD, khiến giá USD tăng. Chứ thực tế cung - cầu trên thị trường Việt Nam không có áp lực về đồng USD lắm”.
“Ngân hàng Nhà nước hút tiền là biện pháp để VND mạnh lên, giảm áp lực tỷ giá. Nếu không có động thái hút tiền đó thì có thể đồng USD còn cao hơn bây giờ nhiều thì sao?”, ông Thịnh lý giải và nêu thêm, vàng tăng thì kéo theo nhu cầu mua USD, dẫn đến cầu về USD tăng trên thị trường chợ đen, qua đó khiến Ngân hàng Nhà nước phải nới tỷ giá. Nếu không, độ chênh lệch giữ USD chợ đen với các ngân hàng thương mại tăng cao, việc đầu cơ sẽ tăng mạnh.
TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV cũng cho hay, kinh tế Mỹ không suy thoái mà lại phục hồi ấn tượng khiến đồng USD mạnh lên khoảng 2%; FED dự kiến hạ lãi suất chậm hơn kỳ vọng ban đầu nên chênh lệch lãi suất giữa USD so với các đồng tiền khác vẫn ở mức cao.
Thêm nữa, đầu năm cũng là thời điểm các doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận về nước làm tăng nhu cầu về ngoại tệ, chưa kể việc tỷ giá biến động cũng khiến gia tăng đầu cơ.
“Tuy nhiên, diễn biến tỷ giá tăng không quá đáng lo, USD sẽ chững lại đà tăng, thậm chí giảm khi FED giảm lãi suất”, ông Lực nêu.
Theo ông Nguyễn Đình Duy, Giám đốc Phân tích cao cấp Khối Xếp hạng và Nghiên cứu (VIS Rating), yếu tố tác động lớn nhất tới tỷ giá của Việt Nam trong thời gian qua là chênh lệch lãi suất VND trong hệ thống ngân hàng, đặc biệt là lãi suất huy động, so với các thị trường phát triển.
“Tình trạng này sẽ khó sớm được cải thiện mà phải quan sát thêm các động thái của FED. Trong cuộc họp của cơ quan hoạch định chính sách của FED ngày 20/3 vừa qua vẫn chưa có thông tin về thời điểm sẽ giảm lãi suất lần đầu tiên năm 2024”, ông Duy nêu.
Các chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt cũng nhận định, trong quý I, nhiều yếu tố hỗ trợ cho sức mạnh của đồng USD. Trong đó, quan trọng nhất là sự kỳ vọng của thị trường đối với triển vọng cắt giảm lãi suất của FED, cũng như sự dịch chuyển chính sách của các ngân hàng trung ương khác.
Áp lực tỷ giá 2024 thế nào?
Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn, áp lực tỷ giá vẫn tồn tại, nhưng dài hạn hơn thì áp lực tỷ giá không quá đáng ngại, không ảnh hưởng tới cân đối vĩ mô cũng như triển vọng tín nhiệm của thị trường Việt Nam. Áp lực tỷ giá sẽ giảm bớt trong nửa cuối 2024.
Đánh giá về áp lực tỷ giá năm 2024, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng không quá lớn. “Mặc dù khoảng thời gian gần đây tỷ giá VND với USD biến động rất mạnh, nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn điều hành một cách tích cực, chủ động. Tinh thần là vẫn giữ ổn định giá trị VND với USD. Năm 2024 giữ cho tỷ giá biến động chỉ khoảng 2-3% so với USD thôi”, ông Thịnh nói.
Theo vị chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước có rất nhiều công cụ để giữ ổn định tỷ giá hối đoái, trong đó có công cụ lãi suất, thị trường mở, phát hành tín phiếu, bán ngoại tệ… Việt Nam hiện nay cũng chưa cần phải dùng nhiều biện pháp can thiệp.
“Dòng tiền vào - ra, cung cầu có biến động nhưng không lớn; xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ thặng dư, tiền vào nhiều hơn tiền ra; kiều hối trong năm qua cũng khá cao, tiền vào nhiều; việc giải ngân vốn FDI cũng tốt hơn năm ngoái, lượng tiền vào nhiều hơn… Do đó không có gì phải quá lo ngại về vấn đề tỷ giá”, ông Thịnh nêu.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh dự báo, VND sẽ chỉ mất giá tối đa 3% trong năm 2024, bởi xu hướng giảm lãi suất từ các ngân hàng trung ương lớn.
Trước đó, một số định chế tài chính cũng dự báo về mức mất giá của tiền đồng trong năm 2024. Cụ thể, UOB dự báo tỷ giá USD/VND sẽ đạt 24.400 trong quý II/2024, 24.200 trong quý III, 24.000 trong quý IV năm 2024 và 23.800 trong quý I/2025.
KB Securities dự báo tỷ giá USD/VND dự báo sẽ tăng 1,5% trong cả năm 2024, đạt 24.600 đồng/USD. Đơn vị này đánh giá áp lực tỷ giá vẫn có nhưng chưa phải mối lo lớn. Nguồn ngoại tệ dồi dào từ vốn FDI và kiều hối sẽ có tác động tích cực tới tỷ giá. Chưa kể, Ngân hàng Nhà nước cũng chưa can thiệp khi tỷ giá chỉ tăng dưới 2%.
“Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, chấp nhận tỷ giá tăng ở mức vừa phải do lạm phát vẫn trong kiểm soát, trong khi nền kinh tế vẫn cần sự hỗ trợ để phục hồi”, KB Securities cho hay.
Chứng khoán Shinhan Việt Nam cũng dự báo, áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt trong nửa sau của 2024, giúp VND không mất giá quá 3% trong năm nay. Lý do đến từ triển vọng cắt giảm lãi suất từ FED và các ngân hàng trung ương lớn; FDI và xuất khẩu của Việt Nam đang phục hồi mạnh, nguồn cung ngoại tệ tăng…/.
Không ít ngân hàng gây bất ngờ khi công bố báo cáo kiểm toán ghi nhận lợi nhuận sụt giảm mạnh so với báo cáo tự lập trước đó.
Dự báo trong thời gian tới, tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trở lại. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng dần nắm bắt được tín hiệu thị trường, từ đó chủ động trong việc đẩy mạnh cho vay, đảm bảo được kế hoạch tăng trưởng tín dụng.
Dù thị trường bất động sản vẫn chưa khởi sắc nhưng nhiều doanh nghiệp đã công bố mua lại trái phiếu bất động sản trước hạn nhằm thoát khỏi tình trạng khủng hoảng.
Hầu hết các chuyên gia đều tỏ ra lạc quan về giá vàng trong thời gian tới khi cho rằng, kim lại quý được hỗ trợ mạnh bởi kỳ vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Theo các chuyên gia, việc Fed hạ lãi suất dự báo sẽ tạo dư địa cho điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam. NHNN có thể linh hoạt hơn trong điều hành khi không phải chịu sức ép từ áp lực tỷ giá lên đồng USD bởi việc cắt giảm lãi suất của Fed khiến đồng USD suy yếu.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Chứng khoán SSI, thị trường tài sản số đang thiếu khung pháp lý. Khi thị trường không phân biệt được đâu là vàng, đâu là thau thì người càng ít hiểu biết càng khó quyết định được tài sản của mình.
Công an TP Hà Nội đã bắt tạm giam Giám đốc Ngân hàng MSB chi nhánh Thanh Xuân đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 8 bị hại với số tiền 338 tỷ đồng.
Trên hành trình 30 năm phát triển, kết nối giá trị cuộc sống của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã chứng khoán SSB) không thể thiếu những con người tận tâm gắn bó, nhiệt huyết đam mê, dành cả thanh xuân để cống hiến.
Tính đến ngày 20/3/2024, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với hơn 1,58 tỷ USD, chiếm 25,6% tổng vốn đăng ký, gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP quý I/2024 của Việt Nam duy trì ở mức vừa phải, đạt 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái (mức 6,7% hồi quý IV/2022).