Thông tin trên được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội do Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuối tuần qua.
Theo đó, phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Đề án hướng xây 1 triệu căn hộ trong 10 năm tới là đề án có ý nghĩa rất lớn và là một chương trình nhân văn để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về chăm lo nhà ở cho người dân.
Vì vậy, chương trình này đòi hỏi sự chung tay của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp và nguồn lực tài chính phải huy động từ nhiều kênh. Hiện nay, nguồn lực ngân sách Nhà nước vẫn còn hạn chế và theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ là các ngành, các cấp, mỗi đơn vị, bộ, ngành cần có những chính sách góp phần triển khai chương trình này.
Chính vì vậy, ngay sau Đề án và Nghị quyết 33 của Chính phủ được ban hành, NHNN đã kêu gọi và nhận được sự đồng tình của 4 NHTM Nhà nước và đến nay có thêm một NHTM cổ phần nữa tham gia và tổng giá trị gói này là 125.000 tỷ đồng.
Theo Thống đốc, số tiền để cho vay chính là tiền huy động của người dân và đã là tiền huy động của người dân thì các ngân hàng vẫn phải trả lãi. Số lãi suất ưu đãi cho 3-5 năm chính là nguồn lực tài chính của các tổ chức tín dụng chứ không phải nguồn của ngân sách. Vì vậy, để thực hiện ưu đãi này, các ngân hàng cũng phải cân đối và hiện nay mới có 5 ngân hàng có thể cân đối được để tham gia gói này.
Về việc cho vay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo quy định, quy chế cho vay hiện hành, đến nay, trên cơ sở các dự án công bố của các địa phương, các NHTM đã cam kết trên 7.000 tỷ đồng, tuy nhiên, phần giải ngân mới được gần 700 tỷ đồng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.
Trước mắt tập trung cho các doanh nghiệp vay để xây nhà
Đề cập đến việc tại sao gói 15.000 tỷ đồng về thủy sản, chế biến gỗ triển khai nhanh, trong khi chương trình gói 120.000 tỷ giải ngân nhỏ giọt, Thống đốc Nguyễn Thi Hồng cho biết, gói 15.000 tỷ đồng này chủ yếu là gói cho vay ngắn hạn, đối tượng vay là người sản xuất kinh doanh nên đây là các dự án có nguồn trả nợ lãi ngắn hạn nên triển khai rất nhanh.
Còn với gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhu cầu về nhà ở thì ai cũng có, tuy nhiên để hiện thực hóa nhu cầu này, có người có tiền thì muốn mua luôn, có người đi vay để mua, có người đi thuê, cái này phụ thuộc vào nhu cầu của cá nhân và những người có thu nhập thấp hoặc công nhân làm việc ở các khu công nghiệp thì thường thiên về xu hướng đi thuê.
Nhà ở thì vay trung dài hạn và phần giải ngân sẽ theo từng năm. Đây là những khoản vay 10 năm, 20 năm, 30 năm thì rõ ràng giải ngân được ít là điều dễ hiểu. Còn nhu cầu vay của các doanh nghiệp để xây dựng nhà ở thu nhập thấp do đang gặp nhiều khó khăn về pháp lý, thủ tục đầu tư, giá đất, giao đất, hạ tầng xung quanh…
Với gói 30.000 tỷ đồng trước đây là thực hiện từ năm 2013 đến năm 2016, còn đây là chương trình 10 năm và chúng ta mới thực hiện được 1 năm. Nhu cầu vay của người dân còn thấp vì sau đại dịch COVID-19, người dân gặp nhiều khó khăn, nên đi vay để mua nhà còn hạn chế, cho nên trước mắt tập trung cho vay các doanh nghiệp để xây những căn nhà này.
“Từ phía NHNN chúng tôi thấy rằng, để hướng tới mục tiêu 1 triệu căn hộ trong 10 năm tới để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân, Bộ Xây dựng cũng cần chủ trì phối hợp với các địa phương để có đánh giá tổng thể về nhu cầu nhà ở theo từng phân khúc, đó là nhu cầu sở hữu hay nhu cầu thuê mua để có tham mưu về nguồn tài chính”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Đề cập sâu hơn về nguồn lực tài chính để xây dựng 1 triệu căn nhà xã hội, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, để đáp ứng nhu cầu về nhà ở thì cần có nguồn từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, nguồn xã hội hóa… Còn đối với nhu cầu vay để mua nhà ở, thì tiếp cận từ nguồn vốn tín dụng, NHNN cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng để triển khai quyết liệt gói này.
Trước ý kiến đề xuất lãi suất phải tiếp tục giảm nữa, Thống đốc cho biết, đối với các ngân hàng thương mại thì NHNN tiếp tục kêu gọi. Tuy nhiên, việc huy động của người dân và lãi suất thay đổi theo thời gian, theo biến động của thị trường, cho nên các ngân hàng cũng tính toán để đưa ra lãi suất hỗ trợ 3-5 năm, còn thời hạn vay có thể 10, 20,30 năm, tùy vào thỏa thuận của tổ chức tín dụng với người vay.
“Còn đề xuất 1 gói 30.000 tỷ đồng của Techcombank và có thể áp dụng cho các ngân hàng khác. Liên quan đến room tín dụng, đề xuất này chúng tôi sẽ giao cho các đơn vị chức năng của NHNN làm việc trực tiếp với các ngân hàng, nếu có vấn đề gì thì sẽ báo cáo, tham mưu Thủ tướng Chính phủ.
Với gói 120.000 tỷ đồng, NHNN cho rằng, đây là một giải pháp để cùng với các giải pháp khác chứ cũng không hy vọng có thể giải quyết được nhiều vấn đề trong chương trình này”, Thống đốc nhấn mạnh.