Thứ 4 ngày 26 tháng 6 năm 2024 / 6:6

Sắp thay dàn lãnh đạo Hội đồng quản trị, ngân hàng MB đang kinh doanh ra sao?

Chỉ có 4/10 thành viên Hội đồng quản trị MB hiện nay tiếp tục gắn bó với ngân hàng trong nhiệm kỳ 2024-2029 sắp tới. MBBank đang kinh doanh ra sao?
MBBank | ngân hàng | MB | trái phiếu | doanh nghiệp | nợ xấu | đại hổi cổ đông | Sắp thay dàn lãnh đạo Hội đồng quản trị, ngân hàng MB đang kinh doanh ra sao? | thị trường | doanh nghiệp | tiêu điểm | quy hoạch | hạ tầng | dự án | tài chính |

Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) mới đây đã công bố tờ trình Đại hội đồng cổ đông về việc bầu Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2024-2029.

Cụ thể, số lượng thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ tới là 11 người, trong đó có 1 thành viên độc lập. Danh sách các ứng cử viên, gồm: ông Phạm Như Ánh; ông Phạm Doãn Cương; ông Lê Viết Hải (hiện là thành viên HĐQT); bà Hoàng Thị Thu Hiền; bà Vũ Thái Huyền (hiện là thành viên HĐQT); bà Nguyễn Thị Hải Lý; ông Vũ Xuân Nam; bà Vũ Thị Hải Phượng (hiện là Phó Chủ tịch HĐQT); ông Lưu Trung Thái (hiện là Chủ tịch HĐQT); ông Vũ Thành Trung; ông Hoàng Văn Sâm (ứng cử viên Thành viên độc lập).

Như vậy, Hội đồng quản trị mới của MB chỉ có 4 gương mặt cũ và thêm 7 gương mặt mới. Những người sẽ rời Hội đồng quản trị MB là ông Đỗ Minh Phương, bà Nguyễn Thị Thủy, bà Nguyễn Thị Ngọc, ông Kiều Đặng Hùng, ông Ngô Minh Thuấn và ông Trần Trung Tín.

Về phía Ban kiểm soát, danh sách 5 ứng cử viên, gồm: bà Nguyễn Thị An Bình (hiện là Phó trưởng BKS), bà Nguyễn Thị Nguyệt Hà, bà Lê Thị Lợi (hiện là Trưởng BKS), bà Đỗ Thị Tuyết Mai (hiện là thành viên BKS) và ông Đỗ Văn Tiến.

Như vậy, Ban kiểm soát MB sẽ có thêm 2 người. Người rời Ban kiểm soát là ông Đỗ Văn Hưng.

Dự kiến, Đại hội đồng cổ đông MB sẽ được tổ chức vào ngày 15/6 tại Hà Nội.

Trong thông cáo phát đi trước đó, MB cho biết, nhân sự dự kiến bầu là những người có trình độ chuyên môn cao, uy tín và có nhiều kinh nghiệm trong quản trị - điều hành doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản trị MB theo tiêu chuẩn cao và các quy định của cơ quan quản lý Nhà nước, phát triển bền vững, tối đa lợi ích cho cổ đông MB.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

MB lên kế hoạch “thay máu” loạt nhân sự Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát trong bối cảnh kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng, đặc biệt tại MBBank không mấy sáng sủa trong 3 tháng đầu năm.

Theo BCTC hợp nhất quý I/2024 được công bố cách đây không lâu, tại ngày 31/3, tổng tài sản của MB đạt 900,6 nghìn tỷ đồng, giảm 4,7% so với đầu năm. Sự sụt giảm chủ yếu diễn ra ở số dư tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (giảm 82%), chứng khoán kinh doanh (giảm 30,9%) và chứng khoán đầu tư (giảm 5,7%). 

Cho vay khách hàng tăng nhẹ 0,7%, lên 615.317 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng giảm 1,5% còn 558.826 tỷ đồng. Tỷ lệ cho vay/tiền gửi của ngân hàng theo đó hiện ở mức khá cao, tới gần 108%.

Về chất lượng cho vay, thuyết minh BCTC cho thấy, đến cuối tháng 3/2024, tổng số dư nợ xấu nội bảng của MB ở mức 15.294 tỷ đồng, tăng mạnh tới 56% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 25,8%, lên 4.039 tỷ đồng, nợ nghi ngờ là 5.207 tỷ đồng, tăng 40,6% trong khi nợ có khả năng mất vốn tăng gấp đôi lên 6.048 tỷ đồng. 

Tỷ lệ nợ xấu/cho vay của ngân hàng theo đó tăng mạnh lên 2,49%, từ mức 1,6% hồi đầu năm. 

Về hoạt động kinh doanh, mảng tín dụng vẫn đóng vai trò cốt lõi nhưng ghi nhận lợi nhuận giảm 11,4% so với cùng kỳ, đạt 9.062 tỷ đồng. Một số mảng khác cũng kém khả quan bao gồm thu nhập hoạt động kinh doanh khác và góp vốn, mua cổ phần lần lượt giảm 22% và 52,4% so với cùng kỳ, đạt 364 tỷ đồng và 2 tỷ đồng. 

Bù lại, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng 37,1% so với cùng kỳ, đạt 945 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 24,5%, đạt 461 tỷ đồng, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư tăng gần 61%, lên 217 tỷ đồng, chứng khoán kinh doanh ghi nhận lợi nhuận gấp tới 26 lần cùng kỳ, đạt gần 965 tỷ đồng.

Kết thúc quý I/2024, tổng thu nhập hoạt động của MB đạt 12.017 tỷ đồng, nhích nhẹ 0,7% so với cùng kỳ trong khi tổng chi phí hoạt động giảm 1,5%, giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt hơn 8.502 tỷ đồng, tăng 1,7%. 

Tuy nhiên, chi phí dự phòng của ngân hàng trong kỳ lại tăng mạnh tới 46,4%, lên 2.707 tỷ đồng khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng chỉ còn 5.795 tỷ đồng, giảm 11% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm trước.

Không chỉ kinh doanh kém sắc dẫn đến nợ xấu tăng mạnh giống như hầu hết các ngân hàng khác ngay từ quý đầu năm, MB còn đang nặng gánh với hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu.

Theo thống kê, tổng nợ xấu nội bảng của 27 ngân hàng trên sàn chứng khoán cuối tháng 3/2024 là hơn 224 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,18% trong tổng dư nợ cho vay khách hàng.

So với hồi đầu năm, nợ xấu của những ngân hàng này đã tăng hơn 26.700 tỷ, tương đương tăng 13,5%. Trong khi so với 1 năm trước (quý 1/2023), nợ xấu nội bảng đã tăng hơn 53.500 tỷ đồng, tương đương tăng 31,37%.

Đáng chú ý, đến cuối tháng 3 năm nay đã không còn ngân hàng nào duy trì được tỷ lệ nợ xấu dưới 1%. Hiện những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất có thể kể đến BacABank, Techcombank, Vietcombank, VietinBank, LPBank, ACB, BIDV,…đều có tỷ lệ nợ xấu trên 1%.

Tuy nhiên, tại MBBank, như trên đã đề cập, đến cuối tháng 3/2024, tổng số dư nợ xấu nội bảng của MB ở mức 15.294 tỷ đồng, tăng mạnh tới 56% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 25,8%, lên 4.039 tỷ đồng, nợ nghi ngờ là 5.207 tỷ đồng, tăng 40,6% trong khi nợ có khả năng mất vốn tăng gấp đôi lên 6.048 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/cho vay của ngân hàng theo đó tăng mạnh lên 2,49%, từ mức 1,6% hồi đầu năm. 

Cũng theo BCTC hợp nhất quý I/2024 cho thấy, hiện MB đang có gần 36,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, là một trong những ngân hàng nắm nhiều trái phiếu nhất hệ thống.

Cũng do “ôm” nhiều trái phiếu doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đang kinh doanh sa sút nên lãnh đạo MB đã nhiều lần phải lên tiếng trấn an cổ đông.

Mới đây nhất, ngày 19/4, Ngân hàng TMCP Quân đội - MB tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Tại đại hội, một trong những vấn đề “nóng” được nhiều cổ đông quan tâm là khoản tín dụng cùng trái phiếu của MB tại Novaland.

Ông Phạm Như Ánh - Tổng giám đốc MB cho biết, năm ngoái, ngân hàng đã thu hồi nợ được 2.400 tỷ đồng tại Novaland và hiện nay dư nợ không còn nhiều. 

Tổng giám đốc MB khẳng định, ngân hàng cho vay dựa trên các khoản dự án cụ thể, các khoản vay không đáng lo ngại do MB quản lý rủi ro và tài sản đảm bảo rất chặt chẽ.

Bên cạnh đó, các vấn đề pháp lý tại các dự án ở Novaland cũng đang dần được giải quyết, tháo gỡ, dự kiến trong quý II này. 

Trả lời thắc mắc của nhà đầu tư liên quan đến việc ngân hàng mua trái phiếu của Novaland, ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch ngân hàng cho rằng, trái phiếu bản chất là công cụ tài chính rất tốt, đã có lịch sử hàng trăm năm nay. Do đó, quan trọng là đầu tư vào trái phiếu nào, của nhà phát hành nào và cách quản lý ra sao.

"Chúng tôi lựa chọn nhà phát hành là khách hàng để đầu tư trái phiếu thay vì cho vay trung dài hạn và quản lý dự án không khác gì cho vay trung dài hạn, đảm bảo dài hạn. Nhưng có điểm mạnh của đầu tư trái phiếu là dễ dàng chuyển nhượng. Đối với Novaland, cách thức chúng tôi tiếp cận vừa qua tốt là giảm nửa dư nợ và Novaland cũng đang được hỗ trợ pháp lý để tiếp tục dự án. Chúng ta có hàng triệu khách hàng và trên đường đi không tránh khỏi rủi ro, quan trọng là cách chúng ta tiếp cận và xử lý rủi ro như thế nào", ông Thái nói.

Với nhóm Trung Nam, MB có cho vay 3 dự án điện mặt trời.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 diễn ra vào ngày 19/4, ông Phạm Như Ánh - Tổng giám đốc MB cho biết “3 tháng vừa rồi đúng là dòng tiền có bị chậm nhưng không ảnh hưởng lớn tới hoạt động của khách hàng, tới thời điểm này chưa có nhiều quan ngại”./.

Theo: kinhdoanhvaphattrien.vn copy https://kinhdoanhvaphattrien.vn/sap-thay-dan-lanh-dao-hoi-dong-quan-tri-ngan-hang-mb-dang-kinh-doanh-ra-sao-36697.html

Tin liên quan