Giá chung cư ở Hà Nội tăng phi mã
Dữ liệu của batdongsan.com cho thấy, giá rao bán trung bình của chung cư ở Hà Nội trong 2 tháng đầu năm 2024 đang leo thang, mức tăng lên đến 17% so với cùng kỳ năm 2024, không ít dự án tăng trên 20% chỉ sau 1 năm.
Đơn vị này cũng đưa ra con số cụ thể, giá bán căn hộ chung cư bình dân có mức giá 30-35 triệu đồng/m2; giá bán căn hộ chung cư trung cấp, có mức giá khoảng 35-50 triệu đồng/m2; giá bán căn hộ chung cư cao cấp có mức giá trên 50 triệu đồng/m2, phổ biến ở mức giá 60-70 triệu đồng/m2. Như ở khu vực phía Tây Hà Nội, có dự án đã công bố mức giá rẻ nhất là 66 triệu đồng/m2, chưa gồm VAT.
Ghi nhận thực tế của chúng tôi tại nhiều quận, huyện ở Hà Nội cho thấy, giá chung cư đang tăng mạnh, thậm chí cùng một căn hộ trong vòng nửa tháng đã được đẩy cao hơn đến cả trăm triệu đồng. Đơn cử như một căn hộ chung cư bình dân thuộc phường Dương Nội (Hà Đông) có diện tích khoảng 65 m2 hiện được chào bán với giá khoảng 2,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, phân khúc trung và cao cấp cũng ghi nhận tăng mạnh trong quý I/2024.
Hay như một chung cư khác cạnh Thiên đường Bảo Sơn (huyện Hoài Đức) căn hộ 60 m2 cũng đang được chào với giá 2,5 tỷ đồng. Thậm chí, những căn hộ không có giấy tờ pháp lý (sổ hồng) như tại Khu đô thị HH Linh Đàm (quận Hoàng Mai) hay tại Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 cũng ghi nhận tăng giá mạnh.
Nếu trước đây, những căn hộ giá bình dân thường xa trung tâm và xuất hiện nhiều ở các quận, huyện như: Long Biên, Hà Đông, Hoàng Mai, Hoài Đức, Thanh Trì… thường có diện tích khiêm tốn (từ 50-70 m2) và giá dao động khoảng 1,5 tỷ đồng thì nay giá căn hộ chung cư này đã vượt qua 2 tỷ đồng. Chưa kể, hầu hết các dự án chung cư này đã được người dân sử dụng suốt nhiều năm trời.
“Săn” căn hộ dưới 2 tỷ đồng khó như mò kim
Giá căn hộ chung cư tăng mạnh thời gian qua đã khiến tính thanh khoản loại hình bất động sản này thuận lợi nhưng cũng để lại nhiều băn khoăn, lo lắng cho những người trẻ, đặc biệt vợ chồng trẻ đang có nhu cầu để “an cư lạc nghiệp” tại Thủ đô.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Thanh Huyền (29 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy) ngậm ngùi: “Vợ chồng tôi cưới nhau nên nhu cầu về nhà ở thật sự cần thiết. Tuy nhiên, đứng trước việc chung cư, nhà đất tại Hà Nội tăng giá như hiện nay thì giấc mơ sở hữu còn rất xa vời”.
Còn chị Nguyễn Thị Hồng (31 tuổi, trú tại quận Đống Đa) ngậm ngùi:“2 vợ chồng đều ở tỉnh lẻ về Hà Nội sinh sống, làm việc và suốt 6 năm qua cố gắng tiết kiệm với mong muốn sẽ mua được một căn hộ chung cư để ổn định cuộc sống. Hồi tháng 8/2023, gia đình tôi có khoảng 900 triệu đồng dự định mua căn hộ 2 phòng ngủ ở quận Hà Đông với giá 1,6 tỷ đồng, số tiền dự định sẽ vay ngân hàng. Tuy nhiên, do bản thân không quyết đoán và chưa tìm được căn hộ ưng ý nên vẫn chưa mua được. Đến nay, căn hộ trước định mua đã tăng lên tới 2,4 tỷ đồng”.
Không chỉ chị Thanh Huyền, chị Hồng mà rất nhiều vợ chồng trẻ cuối năm 2023 đã từng bỏ lỡ cơ hội mua căn hộ chung cư từ năm 2023 thì tới nay chỉ biết ngậm ngùi nuối tiếc. Nhiều người cho rằng, ở thời điểm này dù có trong tay số tiền tới 2 tỷ đồng để tìm mua căn hộ cũng tựa như việc “mò kim đáy biển”. Nhưng, không ít người cũng kỳ vọng, sau chu kỳ “ngáo giá” thì thời gian tới giá loại hình nhà ở này sẽ hạ nhiệt và đó là lúc để “xuống tiền”.
Chi sẻ về thực trạng này, bà Dương Thùy Dung - Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho biết, thị trường Việt Nam nói chung và thị trường Hà Nội nói riêng bị thiếu nguồn cung, đặc biệt nguồn cung dành cho nhu cầu ở thực (bình dân, trung cấp, tiệm cận giữa trung cấp và cao cấp).
Đại diện CBRE cho biết, tốc độ tăng trưởng dân số, đô thị hoá cao khi lượng người về Hà Nội học và làm việc gia tăng. Trong khi đó, nguồn cung và thị trường đang rất là thấp. Riêng năm 2023, tổng nguồn cung chào bán mới tại thị trường Hà Nội khoảng 10.000 căn, bằng 1/4 so với thời điểm bình thường.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định, chung cư Hà Nội chưa “ngáo giá”. Sự tăng giá này đang phản ánh quan hệ cung cầu. Nguồn cung ở Thủ đô hiện chưa đáp ứng nhu cầu, dẫn đến hiện tượng giá vẫn đi lên.
Còn Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cũng đánh giá, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng tại các đô thị lớn đang kéo theo nhu cầu nhà ở tăng vọt, trong khi quỹ đất phát triển dự án lại dần cạn kiệt, nguồn cung nhà ở sụt giảm liên tục do tình trạng dự án chậm triển khai bởi vướng mắc pháp lý cũng như việc khó tiếp cận nguồn vốn. Thêm vào đó, giá trị đất đô thị tăng thêm khi hạ tầng giao thông, dịch vụ công cộng được nâng cấp… tất cả đã và đang đẩy giá chung cư liên tục đi lên.
Thống kê từ Bộ Xây dựng cho biết, trong năm 2023, với nhà ở thương mại, cả nước ghi nhận 67 dự án được cấp phép mới với quy mô khoảng 24.993 căn, 71 dự án hoàn thành xây dựng tương ứng với quy mô 29.612 căn cùng với 197 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai.
Tính đến nay, có 854 dự án đang được triển khai xây dựng với quy mô khoảng 402.570 căn, tập trung chủ yếu ở miền Bắc với 394 dự án, quy mô đạt khoảng 237.993 căn. Đặc biệt, trên khắp cả nước có hàng nghìn dự án bị chậm tiến độ do vướng mắc pháp lý và thiếu vốn. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở hiện tại.
Theo Knight Frank Việt Nam, hết Quý 1/2024, thị trường văn phòng TP.HCM đã ghi nhận những giao dịch 10.000 m2 đầu tiên.
Dự đoán giá bán sơ cấp tại Hà Nội và TP HCM tiếp tục tăng, do thị trường dự kiến đón nhận thêm nhiều nguồn cung mới ở phân khúc cao cấp. Đặc biệt tại Hà Nội, giá bán sẽ tiếp tục tăng 10% trong 2024 và liên tục tăng khoảng 3% mỗi năm trong các năm 2025 và 2026.
Vài năm trở lại đây, nhất là sau khi Covid xảy ra, ngày càng nhiều người siêu giàu Việt Nam chi tiền mua bất động sản nước ngoài. Các chuyên gia cho rằng, hiện nay thị trường trong nước đang “khát” dự án phục vụ giới thượng lưu.
Lọt danh sách các dự án chung cư chứng kiến giá rao bán tăng mạnh tại Hà Nội có: Royal City, The Pride, Khu đô thị Mỹ Đình Sông Đà – Sudico, Sun Grand City với giá tăng 33%, Mipec Rubik 360 và Vinhomes West Point tăng 28%, Chung cư Đại Thanh tăng 27%, Seasons Avenue tăng 26%...
Năm 2023, trên địa bàn TP.Đà Lạt chỉ có 642 giao dịch đất nền và 465 giao dịch nhà ở được đăng ký biến động chuyển nhượng (giảm 3.078 giao dịch so với cùng kỳ năm 2022).
Suốt 2 tháng đầu năm tại địa bàn các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế… phân khúc nhà phố/biệt thự chỉ có một dự án thuộc giai đoạn tiếp theo mở bán với nguồn cung mới là 7 căn, giảm 42% so với cùng kỳ; tuy nhiên, không có giao dịch nào được ghi nhận.
Việt Nam, với lợi thế từ các yếu tố vĩ mô và sức hút trên hầu hết các phân khúc, đang trở thành điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn cho dòng tiền và các nhà đầu tư. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài đã cởi mở hơn với các hình thức đầu tư so với trước kia.
Chúng ta phải có một chương trình, quy hoạch những vị trí ở gần trung tâm nhưng lợi thế thương mại thấp để xây dựng quỹ nhà ở cho thuê. Chỉ cho thuê chứ không bán, như vậy chúng ta mới đáp ứng được nhu cầu của người thu nhập thấp về chỗ ở.
Trước đây, chúng ta có gói 30 ngàn tỷ đồng nhưng sau đó đã dừng, nên nhiều khách hàng là người dân, công nhân, lực lượng vũ trang khi mua nhà không được hưởng ưu đãi. Do đó, gói 120 ngàn tỷ đồng nên dành cho cả khách hàng đã mua những dự án đã hoàn thành nhưng chưa được tiếp cận gói tín dụng ưu đãi.
Mặc dù đã có thêm các chính sách ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; đơn giản thủ tục và các điều kiện để được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội;... Tuy nhiên, đến ngày 1/1/2025 thì Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 mới có hiệu lực thi hành, do vậy đến nay việc phát triển nhà ở xã hội vẫn còn gặp một số khó khăn vướng mắc.