Thứ 4 ngày 16 tháng 10 năm 2024 / 17:32

Chuỗi cửa hàng tiện lợi nước ngoài ở Việt Nam báo lỗ trăm tỷ nhưng vẫn "đốt tiền" mở cửa hàng

Dù liên tục báo doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng/năm và tăng trưởng dương, nhưng GS 25, Family Mart, 7-Eleven… vẫn ngập trong thua lỗ.

doanh nghiệp | kinh doanh | cửa hàng tiện lợi | kinh doanh thua lỗ |

Chuỗi cửa hàng tiện lợi nước ngoài ở Việt Nam báo lỗ trăm tỷ nhưng vẫn "đốt tiền" mở cửa hàng

|

thị trường

|

doanh nghiệp

|

tiêu điểm

|

quy hoạch

|

hạ tầng

|

dự án

|

tài chính

|

Liên tục gia tăng điểm bán, ghi nhận doanh thu hàng nghìn tỷ đồng

Dẫn đầu là Circle K, theo dữ liệu từ Vietdata, năm 2022 doanh thu chuỗi này bỏ xa mọi đối thủ với gần 4.000 tỷ đồng. Tính đến hiện tại, Circle K cũng là thương hiệu có độ phủ rộng nhất Việt Nam với tổng hơn 400 cửa hàng trên toàn quốc, tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hạ Long, TP.HCM...

Tiếp đến là cuộc so kè của GS 25 và Family Mart với doanh thu ở vùng 1.500 tỷ đồng trong 2 năm 2022 và 2023.

Trong đó, Family Mart là chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn thứ 3 Nhật Bản, đang từng bước khẳng định vị thế tại thị trường Việt Nam. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu tham vọng sở hữu 1.500-2.500 cửa hàng trong năm 2023, tuy nhiên tính đến tháng 7/2024, số lượng cửa hàng Family Mart tại Việt Nam chỉ mới đạt con số 160 cửa hàng.

Còn GS25, có thể xem là một trong số "em út" của thị trường khi chỉ mới xuất hiện từ năm 2018. Chuỗi thuộc sở hữu của Công ty TNHH GS 25 Việt Nam (GS25 Việt Nam) là liên doanh giữa GS Retail Hàn Quốc (nắm 30% cổ phần) và CTCP Sơn Kim Retail (Sơn Kim Retail). 6 năm gia nhập thị trường, chuỗi này đang có hơn 200 điểm bán.

B’s Mart, Co-op Smile, K-Market… cũng thu về hàng tỷ đồng doanh thu từ thị trường.

Doanh thu nghìn tỷ của nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi. (Nguồn: Vietdata)
Doanh thu nghìn tỷ của nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi. (Nguồn: Vietdata)

Các chuỗi cửa hàng tiện lợi vẫn đang trong cuộc đua thua lỗ

Bên cạnh cuộc đua mở rộng thị phần, các chuỗi cửa hàng tiện lợi đang chịu áp lực cạnh tranh lớn từ sự bùng nổ thương mại điện tử (TMĐT). Theo báo cáo TMĐT năm 2023 được Bộ Công Thương công bố, có đến 74% dân số Việt Nam thường xuyên tham gia mua sắm online (thông qua các website, mạng xã hội facebook, zalo hay các sàn TMĐT).

Doanh thu TMĐT B2C năm 2023 ước đạt 20,5 tỷ USD, tăng trưởng trên 25% (tăng khoảng 4 tỷ USD so với năm 2022), chiếm tỷ trọng 7,8-8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Nhìn chung, kênh mua sắm trực tuyến đã và đang dần lấn át các kênh bán lẻ trực tiếp, bao gồm cửa hàng tiện lợi.

Và trong cuộc chiến "đốt tiền" đó, hầu hết các bên đều đang thua lỗ.

Thu ngàn tỷ, nhưng hẫu hết chuỗi cửa hàng tiện lợi đều báo lỗ. (Nguồn: Vietdata)
Thu ngàn tỷ, nhưng hẫu hết chuỗi cửa hàng tiện lợi đều báo lỗ. (Nguồn: Vietdata)

Dẫn đầu là chuỗi GS 25 với mức lỗ vẫn hơn 100 tỷ trong năm 2023. Năm trước đó, GS 25 lỗ hơn 150 tỷ đồng. Thua lỗ hàng trăm tỷ còn có 7-Eleven, tổng thua lỗ 2 năm liên tiếp 2022-2023 hơn 200 tỷ đồng. 

Vẫn có những chuỗi cửa hàng tiếp tục "đốt tiền" mở rộng quy mô

Thời điểm mới ra mắt tại Việt Nam, GS25 từng công bố kế hoạch mở hơn 2.500 cửa hàng trong vòng 10 năm và lan toả văn hóa, trào lưu Hàn Quốc đến người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ Việt Nam thông qua các mặt hàng tiêu dùng và thực phẩm chế biến sẵn.

Nhưng đến nay, sau 6 năm số điểm bán chưa đạt 10%. Số lượng mặt hàng xuất xứ Hàn Quốc tại các điểm bán cũng lưa thưa do khách cũng không có nhu cầu sử dụng các sản phẩm đến từ xứ sở kim chi.

Tuy nhiên, từ tháng 7/2023, thông qua gói tài trợ lên tới 1,6 tỷ đồng/cửa hàng mở mới từ HDBank, chuỗi GS25 muốn tăng tốc mở rộng hơn 2.000 cửa hàng trên toàn quốc vào năm 2028.

Theo đó, HDBank sẽ tài trợ lên tới 1,6 tỷ đồng/cửa hàng mới, bao gồm tài trợ 100% phí đặt cọc hàng hóa; tài trợ lên tới 95% giá trị tài sản đảm bảo với thời gian lên đến 5 năm.

Đặc biệt, ngoài cấp tín dụng để nhận nhượng quyền đầu tư cửa hàng mới, HDBank còn tái tài trợ cho những cửa hàng cũ mà nhà đầu tư đã tự bỏ vốn trước đó.

Dự kiến, sẽ có thêm khoảng 500 cửa hàng tiện lợi GS25 trên toàn quốc vào năm 2025.

Circle K bỏ xa các đối thủ 

Trong khi các đối thủ liên tục thua lỗ chồng chất, Circle K được ghi nhận tăng trưởng bứt phá trong giai đoạn 2021-2022, khẳng định vị thế top đầu ngành bán lẻ tiện lợi với dịch vụ giao hàng tận nhà. Điểm đặc biệt của chuỗi này là khách hàng có thể ngồi ăn “xuyên đêm” vì đây là cửa hàng tiện lợi 24/7. Chính vì vậy, Circle K thu hút lượng lớn khách hàng trẻ ở độ tuổi học sinh, sinh viên, dân văn phòng.

Đáng chú ý, doanh thu của chuỗi tăng mạnh nhất trong năm 2022, đạt gần 4.000 tỷ đồng và thoát lỗ lũy kế 2 năm liền trước, là chuỗi ngoại duy nhất báo lãi hơn 100 tỷ đồng, theo báo cáo thị trường của Vietdata.

Ngoài ra, thị trường bán lẻ những ngày cuối năm 2024 đang dồn sự chú ý vào thông tin chủ chuỗi cửa hàng tiện lợi Circle K thương thảo mua lại chuỗi 7-Eleven, với mức định giá nhà bán lẻ này khoảng 47,2 tỷ USD. Nếu thương vụ này ngã ngũ, sẽ có một nhà bán lẻ khổng lồ với hàng chục ngàn cửa hàng tiện lợi khắp toàn cầu./.

Theo: kinhdoanhvaphattrien.vn copy https://kinhdoanhvaphattrien.vn/chuoi-cua-hang-tien-loi-nuoc-ngoai-o-viet-nam-bao-lo-tram-ty-nhung-van-dot-tien-mo-cua-hang-39619.html

Tin liên quan