Thứ 3 ngày 5 tháng 11 năm 2024 / 19:39

Gói hỗ trợ lãi suất 2%: Vì sao cả ngân hàng và khách hàng đều...“ngại”?

Ngân hàng và khách hàng – đối tượng đi hỗ trợ và đối tượng được nhận hỗ trợ đều đang gặp những khó khăn riêng. Điều này khiến cho gói hỗ trợ lãi suất 2% đến nay vẫn chưa thực sự phát huy được hiệu quả.

Gói hỗ trợ lãi suất 2%: Vì sao cả ngân hàng và khách hàng đều...“ngại”? |

Gói hỗ trợ lãi suất 2%: Vì sao cả ngân hàng và khách hàng đều...“ngại”?

|

thị trường

|

doanh nghiệp

|

tiêu điểm

|

quy hoạch

|

hạ tầng

|

dự án

|

tài chính

|

 

Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.

Mới hỗ trợ hơn 13 tỷ đồng

Theo báo cáo nhanh từ các NHTM, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất cho tới nay mới chỉ đạt gần 4.407 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 4.300 tỷ đồng; dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đến cuối tháng 8/2022 mới chỉ khoảng 13,5 tỷ.

Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank, cho biết, qua rà soát, dư nợ của các hợp đồng tín dụng mà Agribank ký kết từ ngày 1/1 đến ngày 22/8 của khách hàng thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất là khoảng 40 nghìn tỷ đồng với 2.400 khách hàng.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, dư nợ được hỗ trợ lãi suất theo nghị định 31 mới được 1.700 tỷ đồng với số tiền hỗ trợ lãi suất là 1,5 tỷ đồng cho 361 khách hàng.

Còn ông Phan Đức Tú, Chủ tịch BIDV thì cho biết, sau 3 tháng triển khai, BIDV mới hỗ trợ được 20 khách hàng doanh nghiệp, tại TPBank, con số này mới chỉ là 3 khách hàng.

Ngân hàng thận trọng, khách hàng cũng e ngại

Nêu lý do số tiền hỗ trợ lãi suất còn quá khiêm tốn, các lãnh đạo ngân hàng cho biết, một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay là tiêu chí vay vốn doanh nghiệp phải “có khả năng phục hồi”.

Ông Nguyễn Trần Mạnh Trung, Phó Tổng giám đốc VietinBank, cho biết điều kiện "có khả năng phục hồi" không có hướng dẫn cụ thể dẫn đến mỗi ngân hàng áp dụng một điều kiện khác nhau, khó khăn cho cả ngân hàng và phía khách hàng vay.

"VietinBank có đưa ra một số bộ tiêu chí quy định về khả năng phục hồi nhưng qua trao đổi thực tế thì có thể thấy việc đưa ra các tiêu chí giữa các ngân hàng không thống nhất. Điều này có thể dẫn tới việc khó thanh toán khoản hỗ trợ lãi suất hoặc quá trình thanh tra, kiểm tra phát sinh sau này", đại diện VietinBank cho hay.

Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng giám đốc ngân hàng MB cho rằng, nên lấy quy định tiêu chí “có khả năng phục hồi” của nội bộ mỗi ngân hàng khi thanh tra, kiểm tra sau này, thay vì áp một tiêu chí khác.

Bên cạnh đó, mặc dù các lĩnh vực, ngành nghề được hỗ trợ đã được cụ thể hóa từ Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ, song khi triển khai trong thực tiễn cho thấy các NHTM gặp khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất trong một số trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành, bên cạnh đó, nhiều khách hàng không có đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ.

Ông Phạm Toàn Vương, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, tới 96% khách hàng của Agribank là khách hàng cá nhân, trong đó, lượng khách hàng cá nhân không có giấy ĐKKD chiếm 40 - 50%, tổng dư nợ trên 100 nghìn tỷ đồng không được hỗ trợ theo quy định.

Lãnh đạo ngân hàng cho biết, có những trường hợp một số hoạt động kinh doanh có sự tương đồng nhưng vẫn có sự khác biệt với định dạng theo Nghị định 31 của Chính phủ khiến ngân hàng gặp khó trong việc phân ngành để áp dụng chương trình hỗ trợ lãi suất.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng còn tâm lý e ngại khi triển khai thực hiện do một số chương trình hỗ trợ lãi suất, gồm chương trình hỗ trợ lãi suất năm 2009 và một số chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước vẫn chưa được quyết toán số tiền đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng.

Về phía khách hàng, theo phản ảnh từ các lãnh đạo ngân hàng, một số chi nhánh ngân hàng đã chủ động liên hệ, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục, hồ sơ hỗ trợ, song bản thân khách hàng, nhất là các doanh nghiệp, cũng có tâm lý e ngại trong trường hợp sơ suất khi tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước, phải tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, ngân hàng đã tiếp cận gần 500 khách hàng thuộc đối tượng nhận hỗ trợ nhưng tỷ lệ khách hàng đề nghị hỗ trợ rất thấp, chỉ có 30 khách hàng. Trong đó, tới thời điểm hiện tại, ngân hàng mới chỉ hỗ trợ được 3 khách hàng.

“Họ lo lắng số tiền hỗ trợ lãi suất thì không được bao nhiêu mà đến khi thanh quyết toán, kiểm toán sau này lại sẽ gặp nhiều khó khăn nên không mấy mặn mà”, ông Hưng cho biết.

Châu Giang

Theo: vnmedia.vn copy https://vnmedia.vn/cafedautu/goi-ho-tro-lai-suat-2-vi-sao-ca-ngan-hang-va-khach-hang-deungai-19725/

Tin liên quan