Thứ 6 ngày 19 tháng 4 năm 2024 / 13:6

VCBS: “Ôm” nhiều trái phiếu bất động sản, Techcombank đối mặt rủi ro

Với 41.015 tỷ đồng trái phiếu, chiếm 9% tổng danh mục tín dụng; trong đó có nhiều trái phiếu bất động sản, ngân hàng có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro nếu các công ty này gặp vấn đề về thanh khoản, đặc biệt là với những lô trái phiếu đáo hạn trong năm 2023, theo VCBS.
VCBS: “Ôm” nhiều trái phiếu bất động sản | Techcombank đối mặt rủi ro | VCBS: “Ôm” nhiều trái phiếu bất động sản, Techcombank đối mặt rủi ro | thị trường | doanh nghiệp | tiêu điểm | quy hoạch | hạ tầng | dự án | tài chính |

Tăng trưởng "giảm tốc"

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa phát hành báo cáo nhận định về hoạt động của Ngân hàng Techombank (mã chứng khoán: TCB) với tiêu đề: “Còn nhiều thách thức trong ngắn hạn”.

Tại báo cáo trên, VCBS cho biết, trong năm 2022, TCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 25.568 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ (yoy), đạt 95% kế hoạch cả năm. Trong đó, thu nhập lãi thuần +13,5% yoy và thu nhập ngoài lãi + 2,3% yoy, tốc độ tăng trưởng đều giảm tốc so với sự bùng nổ của năm 2021 (với tăng trưởng 42% và 25% trong năm 2021).

Tín dụng tăng trưởng hợp nhất giảm so với năm ngoái: Tổng tín dụng cả năm 2022 đạt 461.539 tỷ đồng, +12,5%, bằng với “room” tín dụng được cấp. Trong đó, cho vay tăng tưởng +21% đạt 420.524 tỷ, trái phiếu doanh nghiệp đạt 41.015 tỷ đồng, tỷ trọng giảm xuống còn 8,9% tổng tín dụng so với mức 15,3% đầu năm.

Đáng chú ý, NIM giảm mạnh về mức 5,3% (- 42 điểm cơ bản so với mức 5,71% cuối năm 2021) chủ yếu là do áp lực từ lãi suất huy động tăng nhanh trong quý 3 và quý 4/2022 tạo áp lực lên chi phí vốn trong khi lãi suất cho vay tăng tăng chậm hơn và có độ trễ.

Ngoài ra, việc tỷ lệ CASA giảm mạnh trong quý 4 cũng là một trong những nguyên nhân khiến NIM quý 4 của TCB thấp kỷ lục (4,5%), kéo hẹp biên lãi cả năm.

Một số chỉ tiêu của Techcombank trong năm 2022.

Đầu tư chứng khoán lỗ đậm

Theo báo cáo, tổng thu nhập hoạt động của TCB đạt 40.913 tỷ đồng (+16,59% yoy), bao gồm: Thu nhập lãi thuần ghi nhận 30.290 tỷ đồng (+13,46% yoy), giảm tốc so với mức tăng 42,4% năm ngoái, nguyên nhân chủ yếu là do NIM giảm mạnh.

Cụ thể, chi phí vốn năm 2022 tăng mạnh lên mức 2,83%, +67 điểm cơ bản so với đầu năm, trong khi lợi suất tài sản sinh lãi chỉ tăng 20 điểm cơ bản. Việc các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động từ cuối quý 3/2022 đã đẩy chi phí vốn tăng mạnh trong quý 4 lên mức 3,95%.

Thu nhập từ hoạt động dịch vụ tiếp tục tăng trưởng tốt, đạt 8.527 tỷ đồng (+33,6% yoy). Tăng trưởng ghi nhận chủ yếu đến từ phí từ dịch vụ thanh toán (2.484 tỷ đồng, +135%), thu nhập từ phí bảo hiểm tăng nhẹ 12%, đạt 1.751 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn thu từ phí ngân hàng đầu tư giảm do sự chậm lại của các hoạt động phát hành trái phiếu của công ty con TCBS.

>>> Đọc thêm:Lộ diện loạt ngân hàng bị tố “ép” khách mua bảo hiểm khi gửi tiết kiệm

Thu nhập từ kinh doanh ngoại hối, chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư đều giảm và ghi nhận lỗ do biến động tiêu cực của thị trường tài chính trong năm 2022, đạt lần lượt -507, -231 và -1.379 tỷ đồng. Do đó ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập từ các hoạt động ngoài lãi, chỉ đạt 10.624 tỷ đồng, +2,34% yoy, giảm mạnh so với mức tăng 25,2% năm ngoái.

Tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2022 vẫn ở mức thấp (0,91%), tuy nhiên tỷ lệ nợ tiềm ẩn ở Nhóm 2 có dấu hiệu tăng nhanh từ mức 0,71% cuối quý 3 lên 2,08% cuối quý 4/2022. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cả năm ở mức 1.936 tỷ đồng, -27% yoy làm giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu xuống mức 125%.

Tỷ lệ nợ xấu và dự phòng rủi ro của TCB trong năm 2022.

Nhiều yếu tố cản trở sự tăng trưởng của TCB trong năm 2023

Đáng chú ý, tỷ lệ CASA của ngân hàng giảm dần trong năm 2022, ngân hàng duy trì tỷ lệ này trên 40% trong 3 quý đầu năm, tuy nhiên số dư CASA cuối quý 4 giảm mạnh về mức 34,3% phản ánh xu thế chung của ngành ngân hàng khi người gửi tiền có xu hướng chuyển sang gửi tiền có kỳ hạn do lãi suất huy động tăng mạnh từ cuối quý 3.

Theo báo cáo trên, với xu hướng lãi suất huy động tăng mạnh từ cuối quý 3/2022, ảnh hưởng đến chi phí vốn sẽ thể hiện rõ ràng hơn trong hai quý đầu năm 2023. Với dự báo lãi suất sẽ tiếp tục neo ở mức cao trong năm nay, đồng thời tạo áp lực giảm lên số dư CASA, càng tạo áp lực tăng lên chi phí vốn và giảm biên lãi thuần NIM, ảnh hưởng đến tăng trưởng từ lãi của TCB.

Đề cập đến danh mục trái phiếu mà ngân hàng này đang nắm giữ, VCBS cho biết, với 41.015 tỷ đồng trái phiếu, chiếm 9% tổng danh mục tín dụng; trong đó có nhiều trái phiếu của các công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro nếu các công ty này gặp vấn đề về thanh khoản, đặc biệt là với những lô trái phiếu đáo hạn trong năm 2023, từ đó làm tăng áp lực dự phòng tài chính cho ngân hàng.

“Thị trường trái phiếu được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn trong năm 2023 và sẽ cần thêm thời gian để hồi phục trở lại. Vì vậy, việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu từ các hoạt động trái phiếu của TCB trong ngắn hạn”, VCBS nhận định.

Theo: nhipsongthoidai.com.vn copy https://nhipsongthoidai.com.vn/vcbs-om-nhieu-trai-phieu-bat-dong-san-techcombank-doi-mat-rui-ro-1921.htm

Tin liên quan