Vì sao Luật Quy hoạch chưa phát huy hiệu lực?
Từ trước khi Luật Quy hoạch được ban hành, trong hơn 19.285 bản quy hoạch rất nhiều bản quy hoạch không bao giờ được thực hiện. Luật Quy hoạch sẽ loại bỏ hơn 8.400 quy hoạch, trong đó hơn 97% là quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh. Nếu như thời kỳ 2001 - 2010, số quy hoạch được lập là 3.114 thì đến thời kỳ 2011 - 2020 số lượng quy hoạch đã tăng gấp 6 lần và nhiều bản quy hoạch ra đời vội vàng để “chiều lòng” các đại gia, những bản quy hoạch này không mang lại lợi ích cho xã hội, số đông cộng đồng.
Tuy vậy, để lập bản quy hoạch mới đồng bộ, thống nhất thì cũng chưa có gì đảm bảo sẽ mang lại chất lượng tốt hơn vì cho đến nay Việt Nam chưa có công cụ nào để sử dụng trong việc đánh giá chất lượng quy hoạch. Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến Luật Quy hoạch đã có hiệu lực hơn 2 năm nhưng còn nhiều vướng mắc trong việc thực thi.
Trong khi đó, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải triển khai thực hiện nghiêm Luật Quy hoạch, đồng thời kiến nghị sớm giải thích, tháo gỡ những vướng mắc hiện nay. Nhưng vẫn chưa có thông tin cho biết bản quy hoạch nào sẽ tiếp tục phát huy giá trị, bản quy hoạch nào bị loại bỏ?...
Trong khi những tranh luận về quy hoạch các dự án giao thông lớn lại bắt đầu được khởi động và còn rất nhiều bản quy hoạch đô thị khác đã hụt hơi, giao thông ngày càng bế tắc, nước thải rác thải tràn lan, bất cập trong quản lý đất đai, ô nhiễm nước, không khí... chưa có lời giải thỏa đáng. Từ đó lại có rất nhiều nghi vấn về việc những bản quy hoạch kém chất lượng vẫn tồn tại và nhân bản, chỉnh sửa kém chất lượng hơn mà không có công cụ nào chỉ ra những yếu kém một cách thuyết phục.
Cần có công cụ giám sát đánh giá quy hoạch
Trong tài liệu soạn thảo Luật Quy hoạch đã đề cập tới công cụ đánh giá tác động của Quy định – Chính sách (RIA-Regulatory Impact Assessment), chỉ ra những mặt bất ổn các bản quy hoạch hiện hữu cần loại bỏ và những thiếu hụt cần bổ sung. Đây chính là khâu then chốt cần thực hiện đầu tiên, trước khi xây dựng bản quy hoạch mới đạt được mục tiêu của Luật Quy hoạch.
Từ năm 2015, Văn phòng UN Habitat tại Việt Nam đã hỗ trợ triển khai tại Đà Nẵng dự án “Quy hoạch nhanh”, với sự tài trợ của Chương trình của Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Đức. Dự án tìm cách phát triển một phương pháp tích hợp - liên ngành một cách nhanh chóng, tập trung vào các dịch vụ cơ bản đô thị. Đặc biệt là nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng cung ứng và xử lý, bao gồm năng lượng, nước, nước thải, chất thải rắn và nông nghiệp đô thị để từ đó xây dựng mô hình quy hoạch tối ưu .
Tiếp cận đô thị như một đối tượng địa kinh tế, lấy “giá trị gia tăng vùng” (RVA-Regional Value Added) đo lường giá trị gia tăng của hàng hóa dịch vụ cung cấp trong khu vực trong một khoảng thời gian nhất định (ví dụ như các bất động sản khu vực ven biển); Căn cứ vào đó, dùng công cụ “đánh giá chuỗi giá trị vùng” (RIA- Regional Impact Assessment) đặt trong bối cảnh liên ngành và sản phẩm đầu vào/đầu ra của chúng dựa trên các chỉ số định tính và định lượng, bao gồm giá trị kinh tế, xã hội, môi trường… với sự hỗ trợ của công cụ phân tích/tổ hợp hiện đại, đưa ra các kết quả mô phỏng, cân bằng các lợi ích.
Với những công cụ này đã tạo ra kết quả kép, vừa “đánh giá tác động của chính sách”, định lượng giá trị của những bản quy hoạch cũ lại đưa ra mô phỏng từ kết quả “đánh giá chuỗi giá trị vùng”cho các kịch bản của quy hoạch mới.
Cần xây dựng cơ sở dữ liệu và công cụ phân tích tân tiến
Nhìn vào những bất ổn của công tác lập quy hoạch và quản lý phát triển theo quy hoạch tại đô thị và nông thôn hiện nay cho thấy lỗ hổng lớn của hệ thống dữ liệu kinh tế xã hội. Cộng thêm các công cụ phân tích lạc hậu đã làm cho các mục tiêu tốt đẹp của công tác kế hoạch - quy hoạch bị thay đổi, biến dạng một cách tùy tiện, chủ quan, để lại những thiệt hại không nhỏ những giá trị vật chất, tinh thần cho xã hội.
Để có bản quy hoạch tốt cần có dữ liệu khảo sát tốt, công tác này vốn bị xem nhẹ trong tất cả các bản quy hoạch trước đây. Thông tin đầu vào không chính xác, dẫn đến đưa ra những dự báo sai cộng thêm những kịch bản phát triển chủ quan, cảm tính… thì sẽ không có được bản quy hoạch tích hợp đa ngành có giá trị. Dự án “Quy hoạch nhanh” triển khai tại Đà Nẵng đã đưa ra một ví dụ về ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thám, mô hình toán học để xây dựng hệ thống dữ liệu tự nhiên, kinh tế - xã hội tổng hợp đa ngành chính xác. Từ đó, tiến hành mô phỏng sửa sai/loại trừ sai số với sự tham gia của cộng đồng chuyên gia và các bên có lợi ích liên quan, nhằm đưa ra những phương án tối ưu cho kế hoạch phát triển toàn diện của địa phương.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả các bản quy hoạch, trong quá trình nghiên cứ lập quy hoạch cần tập trung phân tích chu trình chuyển hóa vật chất trong đô thị, mối liên kết - tương tác giữa những chủ thể liên quan, như: nước sạch, nước thải, năng lượng, thực phẩm, chất thải rắn, nông nghiệp đô thị... để đưa ra mô hình kinh tế tuần hoàn bền vững thay cho mô hình kinh tế tuyến tính hướng tới lợi nhuận thuần túy, vốn đã gây ra nhiều hậu quả tai hại như cạn kiện tài nguyên, ô nhiễm môi trường...
Đồng thời, công tác quy hoạch cần phải được tích hợp với cơ sở dữ liệu hiện trạng tin cậy, có sự tham chiếu các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, liên ngành, trong đó tất cả các ngành đặt trong một mô hình, tương tác giữa các ngành có thông tin phản hồi chủ động, nhằm tái sử dụng nguồn lực tối đa, hỗ trợ quản trị đô thị thông minh phát triển bền vững.
Việc nghiên cứu, triển khai phương pháp lập “quy hoạch nhanh” được giới thiệu với những công cụ tiếp cận đa ngành hiện đại, bao gồm tích hợp các phân tích khoa học về năng lượng, dòng vật chất, tác động tự nhiên, xã hội, kinh tế và yếu tố văn hóa xã hội đồng thời với tính tương tác, liên thuộc, không chỉ là những đối tượng vật lý mà còn bao gồm cả những khả năng chuyển đổi, tiến hóa. Sẽ hỗ trợ tích hợp liên ngành, thu thập dữ liệu nhanh chóng, thiết lập các giá trị lập kế hoạch, đánh giá tính dễ bị tổn thương, khả năng phục hồi và kiểm tra thực tế để hỗ trợ ra những bản quy hoạch đảm bảo chất lượng, phục vụ cho công tác phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Chuyên gia Trần Huy Ánh