Trong ngành xây dựng, có thể kể đến Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD). Doanh nghiệp này vừa công bố BCTC quý II/2025 (từ 1/10-31/12/2024), ghi nhận doanh thu đạt 6.886 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Trừ giá vốn, lợi nhuận gộp ghi nhận 202 tỷ đồng, tăng hơn 19%. Qua đó, đưa lợi nhuận sau thuế ở mức 106 tỷ đồng - tăng 54% so với quý IV/2024. Kết quả này tái ghi nhận lãi ròng trên trăm tỷ.

Lũy kế 6 tháng năm tài chính 2025, doanh thu của CTD đạt 11.645 tỷ đồng, tăng 19% so với kỳ trước đó, hoàn thành 47% kế hoạch. Lợi nhuận gộp sau khi trừ chi phí tăng 51% lên 407 tỷ đồng, đưa tỷ suất lợi nhuận gộp tăng lên 3,49%. Coteccons thu lãi ròng về 199 tỷ, tăng 47%, đồng thời hoàn thành 46% kế hoạch.

Hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương với Newtecons, Ricons, Sol E&C, BM Windows, BohoDécor và DB. Các đơn vị này cũng có một năm thăng tiến khi doanh thu hợp nhất của nhóm này đạt 27.800 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra. Ông Nguyễn Bá Dương cho biết, những con số này đã "bỏ xa những đối thủ khác trong ngành".

Trong số đó, Ricons là cái tên nổi bật hơn hết khi quý trước có doanh thu thuần 2.356 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với 3 tháng cuối năm 2023. Lợi nhuận gộp tăng tới 49% lên 145 tỷ đồng nhờ giá vốn giảm, đồng thời tạo nên biên lợi nhuận gộp 6,15%.

Tính cả năm ngoái, Ricons có doanh thu thuần hơn 8.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 159 tỷ đồng, kỷ lục kể từ vài năm trở lại đây. Trong đó, Ricons ghi nhận doanh thu bất động sản đột biến với 224 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2024, hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương liên tục trúng những dự án lớn trên thị trường thế giới, tiêu biểu nhất là BM Windows khi hợp tác chiến lược với Starke Façade, công ty hàng đầu trong lĩnh vực façade nhôm kính tại New Zealand, nhằm khai phá thị trường này và mở rộng sang khu vực quần đảo Pacific.

67a62dfe059fc.jpeg

Với mảng hạ tầng - xây lắp, Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HoSE: VCG) giữ vững doanh thu thuần ở mức 12.873 tỷ đồng theo báo cáo vừa qua, qua đó đưa Vinaconex đạt lãi ròng 1.157 tỷ đồng - con số cao nhất 4 năm qua.

Ở một số doanh nghiệp khác, Central dự kiến ghi nhận lợi nhuận trên 200 tỷ đồng, còn Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) báo lãi 259 tỷ đồng, cao nhất 3 năm.

Dù các doanh nghiệp xây dựng đưa ra những kết quả kinh doanh khả quan, tuy nhiên, một số vết gợn vẫn xuất hiện.

Điển hình nhất là CC1 ghi nhận dòng tiền kinh doanh ở mức âm nặng 2.270 tỷ đồng. Điều này bắt nguồn từ việc doanh nghiệp phải đi vay: dư nợ vay đã tăng tới 40% so với đầu năm lên hơn 6.000 tỷ đồng, kéo tổng nợ phải trả tăng lên 12.161 tỷ đồng và gấp 2,6 lần vốn chủ sở hữu.

Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hiệp, đánh giá: một số Thông tư, Nghị định đã được ban hành để tháo gỡ cho các doanh nghiệp; song trên thực thế, nhiều công ty xây dựng đang lâm vào cảnh khó khăn. Gần như các gói thầu đầu tư công đều có hiện tượng phá giá. Ngoài ra, giá vật liệu, nhiên liệu biến động tăng, tỷ giá ngoại tệ tăng cao, cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp… đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng.

Vì vậy, bên cạnh nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, ông Hiệp kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền phải xem xét lại cơ chế phá giá, nếu không các doanh nghiệp nhỏ sẽ bị phá sản. Ngoài ra, cần có thêm các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ trong các vấn đề về pháp lý, vốn vay, chi phí không tên, hoãn, giãn nợ...

Trong số 29.321 doanh nghiệp phản hồi điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2024 của Tổng cục Thống kê, có 6.036 doanh nghiệp trong ngành xây dựng. Hai yếu tố đầu vào quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh là hợp đồng xây dựng mới và nguyên vật liệu xây dựng. Quý trước, có 45,7% doanh gặp khó khăn do giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao và 44,7% doanh nghiệp khó khăn do không có hợp đồng xây dựng mới.

Kết quả khảo sát 3 tháng cuối năm qua cho thấy, có 17,9% doanh nghiệp đánh giá hoạt động dưới 50% năng lực thực tế; 29,6% doanh nghiệp đánh giá năng lực hoạt động từ 50% đến dưới 70%; 29% hoạt động từ 70% đến dưới 90%; 21% hoạt động từ 90 đến 100%; chỉ có 2,5% hoạt động trên 100% năng lực thực tế của doanh nghiệp./.