Số liệu trên được Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết tại báo cáo mới phát hành.

Tại báo cáo trên, VBMA đưa ra dữ liệu tổng hợp từ HNX và SSC cho thấy, tính đến ngày công bố thông tin 29/12/2023, đã có 55 đợt phát hành riêng lẻ trong tháng 12 với tổng giá trị hơn 42.805 tỷ đồng. Các đợt phát hành này có lãi suất trung bình 7.1%/năm, kỳ hạn trung bình 6 năm.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 302.098 tỷ đồng với 28 đợt phát hành ra công chúng trị giá 27.070 tỷ đồng (chiếm 8.96% tổng giá trị phát hành) và 286 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 275.028 tỷ đồng (chiếm 91.04% tổng số).

Về trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trong tháng 12/2023: Theo dữ liệu tổng hợp từ HNX, các doanh nghiệp đã mua lại 32.677 tỷ đồng trái phiếu.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn đạt 241.950 tỷ đồng, tăng 5.3% so với cùng kỳ năm 2022 và tương đương 80.1% giá trị phát hành. Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm 50.6% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 122.433 tỷ đồng).

“Trong năm 2024, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 276.990 tỷ đồng; trong đó, 41% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm Bất động sản với gần 113.486 tỷ đồng, theo sau là nhóm Ngân hàng với gần 54.497 tỷ đồng (chiếm 20%)”, VBMA cho biết.Liên quan đến vấn đề này, trước đó như chúng tôi đã đưa tin, Báo cáo Triển vọng ngành bất động sản nhà ở năm 2024 của VCBS cho biết, áp lực thanh toán nghĩa vụ trái phiếu vẫn cao trong năm 2024 khi nhiều doanh nghiệp BĐS bị suy giảm nguồn lực tài chính và uy tín trong việc huy động trên thị trường vốn.

Theo công ty chứng khoán này, việc đàm phán gia hạn chỉ giúp chậm lại thời điểm thanh toán và trong nhiều trường hợp khiến doanh nghiệp phải chịu mức lãi suất cao hơn. Thêm vào đó, nguồn vốn huy động từ TPDN sẽ vẫn hạn chế, chủ yếu dành cho các doanh nghiệp lớn, có uy tín tốt và tài sản đảm bảo pháp lý rõ ràng.