Sau thời gian chịu tác động nặng nề của Covid – 19 kéo dài, thị trường bất động sản từ cuối năm 2022 đến nay càng thêm trầm lắng. Nhằm gỡ khó cho thị trường bất động sản, ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, UBND các tỉnh… tích cực vào cuộc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.
Ngay trong tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn lành mạnh, bền vững. Tại hội nghị, nhiều chủ đầu tư bất động sản lớn đã đăng đàn nêu ra hàng loạt khó khăn, vướng mắc về việc chậm phê duyệt dự án, vốn tín dụng quá cao và việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp gặp khó…
Sau hội nghị trên, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành điều chỉnh lãi suất lần thứ nhất vào ngày 15/3 nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản hồi phục. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước còn tiếp tục điều chỉnh giảm tiếp 3 lần lãi suất điều hành để hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản.
Cũng trong tháng 3/2023, Nghị quyết 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững được ban hành. Tại nghị quyết trên, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giao 4 ngân hàng quốc doanh triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay mua, xây nhà ở xã hội và cải tại chung cư cũ.
Cũng trong tháng 3/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 08 về tháo gỡ trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản được đáo hạn trái phiếu. Đây là cơ sở pháp lý để doanh nghiệp đàm phán với trái chủ về giãn hoãn nợ, bán chiết khấu tài sản, đổi tài sản lấy trái phiếu...
Tiếp đó, tháng 8/2023, tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, nhiều vướng mắc, trở ngại đã được đưa ra bàn thảo và đề xuất giải pháp.
Tại hội nghị, người đứng đầu của Chính phủ một lần nữa yêu cầu nêu cao tinh thần quyết liệt "khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đó, khó khăn ở cấp nào thì cấp đó giải quyết". Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ảnh minh họa.
Không dừng ở đó, lan tỏa “sức mạnh” từ những sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngày 13/11, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng đã phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Công điện 933 về tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh…. Dưới tác động của những nỗ lực trên, thị trường bất động sản nhà ở các thành phố lớn đã có dấu hiệu vượt “đáy” với diễn biến tháng sau tốt hơn tháng trước.
Cụ thể, báo cáo tổng kết ngành Xây dựng năm 2023 của Bộ Xây dựng cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2023 thị trường bất động sản đã có những tín hiệu tích cực hơn so với nửa đầu năm 2023; trong đó lượng tìm kiếm giao dịch các phân khúc đất nền, chung cư... có sự phục hồi tốt và nguồn cung từ các dự án mới, giao dịch xuất hiện ngày càng nhiều.
Theo Bộ Xây dựng, nửa đầu năm 2023, thị trường bất động sản tiếp tục trạng thái giao dịch trầm lắng. Tuy nhiên, bằng nhiều biện pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và các địa phương để tháo gỡ khó khăn, đã mang lại những kết quả nhất định, các vướng mắc từng bước được tháo gỡ, tình hình thị trường đã có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Mặc dù vậy, thị trường vẫn cần phải theo dõi sát các diễn biến và cần tiếp tục các biện pháp tháo gỡ mạnh mẽ trong thời gian tới.
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (Vars), sự phục hồi của thị trường bất động sản trong năm 2023 là nhờ có sự có sự nỗ lực, liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Nhờ những động thái quyết liệt của Chính phủ cùng các cơ quan, bộ ngành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững.
Gần 20 động thái, văn bản dưới luật liên quan được phát đi từ phía Chính phủ một cách liên tục và dồn dập, với nội dung ngày càng sát hơn với nhu cầu thực tế của thị trường và doanh nghiệp. Trên tinh thần tiếp thu các ý kiến đóng góp, sửa đổi, bổ sung theo hướng phù hợp với chiến lược nhà ở của quốc gia.
“Thông tin về hàng trăm dự án được tháo gỡ, tái khởi động trở lại góp phần tạo thêm niềm tin và sức mạnh cho thị trường cũng như các chủ thể tham gia. Giúp thị trường tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước. Tuy thị trường chưa đủ lực để có thể “vượt dốc” nhưng phần nào đã thoát khỏi nguy cơ “mất phanh”…”, đại diện Vars nhấn mạnh.
Dữ liệu được Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (Vars) công bố cho thấy, trong quý 3/2023, thanh khoản trên thị trường bất động sản đang dần được cải thiện so với giai đoạn khó khăn cuối năm trước và những tháng đầu năm nay. Thị trường bắt đầu ghi nhận nhiều điểm sáng hơn tại những địa phương có kinh tế phát triển, được quan tâm, chú trọng thúc đẩy đầu tư hạ tầng, giao thông, có nhiều nguồn cung phù hợp với nhu cầu như Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh,…
Cụ thể, trong những tháng gần đây, lượng giao dịch bất động sản trên toàn thị trường tăng dần với nhiều hơn các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người dân được đưa vào thị trường.
Nếu quý 2/2023, thị trường ghi nhận 3.700 giao dịch, tăng 37% so với mức 2.700 ở quý 1 thì đến quý 3, thị trường ghi nhận gần 6.000 giao dịch, gấp 1,5 lần quý 2 và hơn 2 lần so với quý 1/2023.
Tuy nhiên, tính chung 9 tháng năm 2023, lượng giao dịch mới chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước và bằng khoảng 20% so với giai đoạn sốt đất. Nguyên nhân do thị trường vẫn thiếu vắng nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá bình dân, giá nhà tăng liên tục và chưa có tín hiệu dừng lại.