Trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam, ông Nguyễn Ngọc Thủy đã bị nhiều nhà đầu tư tố giác lừa đảo thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần Egroup.

Egroup được "Shark" Thủy thành lập năm 2008. Hệ sinh thái của tập đoàn này trải rộng nhiều lĩnh vực từ giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe đến thực phẩm. Trong đó, nổi bật nhất là Apax Holdings (IBC) - đứng sau chuỗi trung tâm Anh ngữ Apax Leaders, công ty duy nhất được niêm yết và thiết kế nhiều thương vụ đầu tư lớn. Còn lại, Công ty Egame và Công ty Ecapital là đơn vị mà thông qua nó, Egroup gọi vốn.

Trong giai đoạn 2017 - 2020, Egroup tăng tốc các sản phẩm kinh doanh giáo dục. Nổi bật nhất là chuỗi trung tâm Anh ngữ Apax Leaders. 

Thời "hoàng kim" mô hình này có đến hơn 200 cơ sở trên cả nước. Một số mô hình giáo dục tiếng Anh khác của Egroup nở rộ trong thời gian này là Englishnow, eKidEnglish...

Năm 2018, Egroup tiếp tục cùng với đối tác Hàn Quốc đưa mô hình đào tạo năng lực tư duy CMS Edu Hàn Quốc về Việt Nam. Ngoài ra, ông Thủy còn đầu tư và phát triển trường mầm non song ngữ STEAMe GARTEN và hợp tác cùng Firbank Grammar School (Úc) xây dựng mô hình trường liên cấp.

Giai đoạn này, ông là nhà đầu tư tham gia chương trình truyền hình thực tế "Thương vụ bạc tỉ - Shark Tank" trong 2 mùa 2018 và 2019. 

Biệt danh "Shark" Thủy cũng bắt đầu từ đó. Tuy nhiên các thương vụ đầu tư của ông không để lại thành công.

TGĐ Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup Nguyễn Ngọc Thủy

Bước sang những năm 2020, 'Shark' Thủy bắt đầu mở rộng mô hình kinh doanh vào bất động sản. Egroup gọi đây là mô hình đầu tư vào "bất động sản giáo dục" và xem là "hướng đi mới song cũng là xu thế tất yếu để đảm bảo cho sự bền vững của hoạt động đầu tư giáo dục".

Quỹ đầu tư Apax Holdings của Egroup bắt đầu kết hợp với những đối tác bất động sản để "tối ưu hóa, gia tăng giá trị tài sản của bất động sản giáo dục tại các dự án".

Chi hàng trăm tỷ để góp vốn đầu tư các dự án bất động sản

Nguồn tin của báo chí cho biết, cuối năm 2020, trong bối cảnh mảng kinh doanh chính là lĩnh vực giáo dục hoạt động kém hiệu quả, doanh nghiệp của Shark Thuỷ đã công bố bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực bất động sản.

Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 của CTCP Đầu tư Apax Holdings (Mã CK: IBC) đã xuất hiện khoản phải thu hơn 473 tỷ đồng từ Công ty TNHH MTV Nam Phong.

Apax Holdings giải trình đây là khoản đặt cọc về việc cùng hợp tác xây dựng, khai thác và phát triển dự án Khu nhà ở và dịch vụ đa năng Vũng Áng tại địa chỉ Khu kinh tế Vũng Áng, phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Dự án có diện tích gần 4,2 ha trong đó có các khu khu thương mại, khách sạn, siêu thị... Đáng chú ý, dù được giao đất cách đây gần 10 năm nhưng đến nay, dự án vẫn chưa triển khai.

Ngoài ra, tại thời điểm cuối năm 2020, doanh nghiệp có hơn 35 tỷ đồng tồn kho là giá trị hàng hoá bất động sản.

 

Trong tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, Apax Holdings đã trình phương án chào bán hơn 83 triệu cổ phần cho cổ đông, mệnh giá 10.000 đồng/cp với tỷ lệ 1:1 để thu về 831 tỷ đồng. Trong đó, 304 tỷ đồng sẽ dùng để tất toán khoản vay, 227 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động và 300 tỷ đồng còn lại là hợp tác đầu tư dự án Khu du lịch Hồng Quang - Long Hải.

Cùng thời điểm này, nhiều nhà đầu tư bắt đầu tố giác “Shark” Thủy dùng pháp nhân của công ty để huy động vốn hợp tác đầu tư của nhiều người với thời hạn 3 - 6 tháng hoặc 1 năm, lãi suất trên dưới 10%, thậm chí còn sẵn sàng chi trả lãi suất lên đến 18%/năm.

Mục đích của việc huy động vốn được công ty Ecapital ghi rõ trong hợp đồng hợp tác kinh doanh là để đầu tư vào dự án khu du lịch Hồng Quang Long Hải ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do công ty TNHH Đầu tư phát triển Hồng Quang làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, trước nhiều đơn tố cáo của người dân, cơ quan chức năng đã vào cuộc và xác định, dự án khu du lịch Hồng Quang Long Hải do công ty TNHH Đầu tư phát triển Hồng Quang làm chủ đầu tư. Ngoài ra tại địa phương không có dự án nào được triển khai do CTCP Tập đoàn Ecapital làm chủ đầu tư.

Báo cáo về tình hình thực hiện dự án với Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào ngày 8/5, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển Hồng Quang cho biết, khu đất làm dự án là mặt bằng sạch, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2006 và cập nhật biến động vào ngày 25/1/2021, tức trước thời điểm công ty của Shark Thủy liên tục huy động vốn của người dân ở khu vực TP HCM. Về đầu tư các công trình trên đất, hiện mới hoàn thành xây dựng tường rào quanh khu đất cùng hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, cấp điện, cấp thoát nước.

Đáng chú ý, không chỉ góp vốn đầu tư các dự án, nhóm doanh nghiệp của ông Thuỷ cũng sở hữu nhiều dự án đất nền, biệt thự. Cụ thể, vào giữa 2023, trong bối cảnh nợ tiền nhà đầu tư, Tập đoàn Egroup của ông Thuỷ đã đưa ra phương án đổi đất để gạt nợ (cấn trừ nợ). Trong đó, gói sản phẩm bất động sản gồm đất nền và biệt thự, đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Hà Nội và Bắc Giang.

Tại Hà Nội, Egroup cũng sở hữu dự án Wyndham SkyLake Chương Mỹ, gồm 12 căn biệt thự diện tích 200 m2 hoàn thiện thô có hợp đồng thuê dài hạn, giá trị tài sản 12,6 - 12,9 tỷ đồng. Tỷ lệ gạt nợ mà Egroup đưa ra với dự án này là 43%, không quá 5,3 tỷ đồng/căn.

Còn tại Bắc Giang là 25 lô đất nền nằm ở các khu vực Huê Vận, Tân Sơn, Đồi Gai, Nhã Nam và Thúy Cầu, đã có quyền sử dụng đất. Diện tích các lô đất này 45 - 775 m2, tương ứng giá trị từ 680 triệu đồng tới 2,1 tỷ đồng. Tỷ lệ gạt nợ cho các lô đất này 32 - 42%, tức nhà đầu tư cần bỏ thêm 58 - 68% giá trị lô đất để được sở hữu.

Được biết, trước đó tháng 10/2023, Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders cũng đã có cuộc gặp gỡ với một số phụ huynh để đưa ra ba phương án hoãn trả nợ mới; trong đó, công ty đưa ra một phương án là chuyển khoản nợ học phí thành đầu tư bất động sản.

Đại diện Apax Leaders cho biết, công ty có một số bất động sản tại tỉnh Bình Phước với giá trị 200 - 300 triệu đồng/nền hoặc 500 - 700 triệu đồng/nền. Apax Leaders sẽ hỗ trợ chuyển đổi cho phụ huynh đầu tư vào bất động sản.