Trả lãi ngân hàng cho dự án treo

Theo ông Đặng Anh Tú, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Sài Gòn 5 (Công ty Sài Gòn 5), công ty đã chính thức chuyển đổi thành công ty cổ phần từ ngày 1/9/2016, nhưng nhà nước vẫn nắm giữ 99,78% vốn điều lệ, tương đương 362,154 tỉ đồng. Tỷ lệ còn lại thuộc về cán bộ, nhân viên công ty.

doanh-nghiep-nguy-co-pha-san-vi-du-an-bi-treo_6486ef6b841d7.jpg

Từ ngày chuyển đổi đến nay, công ty gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nguyên nhân là do toàn bộ các dự án theo phương án cổ phần hóa được UBND TP.HCM phê duyệt bị vướng mắc trong công tác thẩm định giá đất, xác định giá trị doanh nghiệp (DN) và quyết toán chuyển thể kéo dài nên không thể triển khai, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống vật chất, tinh thần người lao động. Hiện gần một nửa nhân viên của công ty đã nghỉ việc. Đồng thời ảnh hưởng lớn đến việc bảo toàn vốn nhà nước tại công ty.

Ông Đặng Anh Tú cho biết hiện nay Công ty Sài Gòn 5 chỉ có dự án bất động sản Bình Đăng tại Q.8 là dự án duy nhất có thể thực hiện để có nguồn doanh thu. Công ty đã đầu tư hơn 250 tỉ đồng vào dự án, khởi công từ ngày 24/2/2018 và đã thi công xong tầng trệt. Tuy nhiên đến tháng 7/2019, dự án phải tạm dừng thi công do khu đất chưa được Sở TN-MT cập nhật biến động tên đơn vị sử dụng đất mới là Công ty Sài Gòn 5 trên sổ hồng (hiện nay sổ hồng đang đứng tên Công ty TNHH MTV Xây dựng Thương mại Sài Gòn 5). Do đó, Sở Xây dựng không cấp giấy phép xây dựng phần thân.

Trong gần 3 năm dự án dừng thi công, mỗi tháng công ty phải trả lãi vay ngân hàng khoảng 1 tỉ đồng. Đến nay riêng tiền lãi phát sinh là 35,518 tỉ đồng. Trong khi doanh thu 3 tháng đầu năm 2023 chỉ 3 tỉ đồng, trong đó lỗ hơn 2,2 tỉ đồng. Do đó, công ty mất cân đối về tài chính, không có dòng tiền để trả lương cho người lao động và trả nợ ngân hàng. "Từ một công ty 100% vốn nhà nước hoạt động hiệu quả với doanh thu, lợi nhuận cao, phát triển ổn định hơn 30 năm qua, nhưng khi chuyển thành công ty cổ phần đến nay, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của chúng tôi bị đình trệ. Toàn bộ các dự án không thể triển khai, đời sống người lao động gặp rất nhiều khó khăn, nhiều cán bộ chủ chốt nghỉ việc, có nguy cơ phá sản, mất vốn nhà nước. Dù công ty đã cầu cứu rất nhiều nhưng các sở ngành vẫn không giải quyết. Chúng tôi nhiều lúc nản không muốn làm việc nữa", ông Tú cho biết.

Phải giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp

Được biết, để tháo gỡ khó khăn cho công ty và tránh thiệt hại vốn nhà nước, giữa năm 2021, UBND TP.HCM khi đó đã giao Sở TN-MT khẩn trương giải quyết việc cập nhật biến động tên đơn vị sử dụng đất là Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Sài Gòn 5 lên sổ hồng đã cấp cho Công ty TNHH MTV Xây dựng Thương mại Sài Gòn 5 trước đó. Thời gian thực hiện trong tháng 5/2021. Đồng thời giao Sở Xây dựng tiến hành cấp giấy phép xây dựng phần thân công trình. Thế nhưng đến nay mọi việc vẫn dừng chân tại chỗ.

Sở TN-MT TP.HCM thì cho rằng việc Công ty Sài Gòn 5 đề nghị thẩm định giá trị tài sản còn lại tại thời điểm cổ phần hóa và cập nhật biến động tên mới trên sổ hồng của dự án không thuộc chức năng, nhiệm vụ của sở này bởi Công an TP.HCM yêu cầu Sở cung cấp hồ sơ liên quan một số mặt bằng do Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV quản lý, sử dụng, trong đó có khu đất mà Công ty Sài Gòn 5 đang thực hiện dự án. Thế nhưng cả Công an TP.HCM, Ban Nội chính Thành ủy đều thống nhất Sở TN-MT vẫn phải tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo nói trên của UBND TP.HCM trên tinh thần đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Mới đây, ngày 1/6, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường sau khi họp với các sở ngành, trong đó có cả Công an TP.HCM, Ban Nội chính Thành ủy, đã yêu cầu Sở TN-MT khẩn trương xem xét, giải quyết kiến nghị của DN theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, không để chậm trễ, làm ảnh hưởng hoặc giảm hiệu quả vốn đầu tư của DN. Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV là chủ sở hữu phần vốn góp nhà nước có trách nhiệm "bơm" vốn cho Công ty Sài Gòn 5 hoạt động.

Bà Phan Thị Hồng, Phó giám đốc Sở Tài chính, thừa nhận hiện nay khó khăn lớn nhất của DN là sau khi cổ phần hóa không thể triển khai toàn bộ các dự án do vướng mắc trong công tác thẩm định giá, xác định giá trị DN và quyết toán phần vốn nhà nước. Vì thế, công ty không có nguồn sản phẩm để kinh doanh. Việc này ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại công ty, không bảo toàn được vốn nhà nước tại DN, mất khả năng thanh toán, không có dòng tiền để trả lương cho người lao động và trả nợ ngân hàng, có khả năng dẫn đến phá sản, mất vốn nhà nước. Từ một DN hoạt động hiệu quả, đến nay phải đối diện nguy cơ ngưng hoạt động, vốn nhà nước giảm hơn 20 tỉ đồng và còn có nguy cơ giảm tiếp 1,3 tỉ đồng mỗi tháng do phát sinh lãi quá hạn ngân hàng. "Do vậy, Sở Tài chính kiến nghị UBND TP.HCM sớm giải quyết khó khăn cho DN, cho phép dự án khu thương mại dịch vụ - căn hộ Bình Đăng tiếp tục triển khai trở lại theo chỉ đạo của UBND TP.HCM. Đồng thời kiến nghị Ngân hàng Nhà nước TP.HCM xem xét giãn nợ gốc, lãi vay cho DN", bà Hồng nói.