Trước động thái tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, niềm tin của nhà đầu tư, khách hàng bước đầu được phục hồi. Ghi nhận thực tế hiện nay, nhiều dự án đã quay trở lại thị trường, giao dịch xuất hiện ở cả phân khúc đất nền, nhà phố, căn hộ.
Đơn cử, tại chương trình giới thiệu căn hộ mẫu dự án Fiato City của Thang Long Real Group (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) có hàng trăm khách hàng từ khắp nơi đổ về tìm hiểu. Điều này trái ngược hoàn toàn với tình hình thị trường đất nền khu vực Nhơn Trạch.
Hay tại dự án Akari City (quận Bình Tân, TP.HCM) của Nam Long Group, theo chia sẻ từ chủ đầu tư, từ đầu tháng 5/2023 đến nay đã chào đón hàng loạt khách hàng tham quan và tìm mua với hơn 40 căn hộ được giao dịch. Mới đây, trong một sự kiện tham quan dự án, đã có 28 giao dịch chốt thành công.
Cùng ở khu Tây TP.HCM, dự án căn hộ 9X An Sương tại huyện Hóc Môn cũng ghi nhận giao dịch ổn định, hiện tại, gần 90% giỏ hàng chào bán thành công.
Hay ở khu Nam, một số dự án như Essensia Sky, Mizuki Park… ghi nhận có giao dịch túc tắc. Mỗi tuần, các dự án này giao dịch trung bình khoảng 10 - 15 căn.
Ngoài những dự án kể trên, ông Trần Hiếu, Phó tổng giám đốc tiếp thị và kinh doanh Tập đoàn DKRA cho hay, ghi nhận công tác bán hàng trong tháng qua tại một số dự án trên địa bàn TP.HCM cho thấy lượng giao dịch có chuyển biến tốt.
Ví dụ, dự án The Classia Khang Điền (TP. Thủ Đức) mỗi tuần bán 8 căn, với tổng doanh thu ước tính 200 tỷ đồng. Dự án De La Sol (quận 4) của CapitaLand mỗi ngày giao dịch trung bình 3-4 căn, với giá trị bình quân 7 tỷ đồng/căn. Dự án The Maq (quận 1) của Hongkong Land, theo ghi nhận tuần qua bán 7 căn, với giá trị giao dịch 20-25 tỷ đồng/căn. Hay mới đây, Keppel Land tung ra 100 căn Celesta (huyện Nhà Bè), chỉ trong 1 ngày đã giao dịch hơn 70% rổ hàng. Các thành viên thị trường nhận định, sở dĩ nhà đầu tư “xuống tiền” trở lại với bất động sản là bởi áp lực về lãi vay đang dần được giải tỏa.
Trong Công điện 469/CĐ-TTg về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên cơ sở bảo đảm sản xuất, kinh doanh hiệu quả… tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng để thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.
Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản.
Ghi nhận thực tế cho thấy, sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm trung bình 0,5%/năm với các kỳ hạn dưới 6 tháng, tương ứng mức giảm của Ngân hàng Nhà nước. Với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, hệ thống ngân hàng đã giảm trung bình 0,2-0,3%/năm so với cách đây 2 tuần.
Trước đó (ngày 25/5), Ngân hàng Nhà nước đã giảm trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng xuống 5%/năm. Đây là lần thứ hai từ đầu năm tới nay, trần lãi suất huy động giảm, trong bối cảnh tỷ giá ổn định, lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt.
Động thái này được đánh giá là bước đi quan trọng để định hướng xu hướng giảm lãi suất cho thị trường. Đồng thời, hỗ trợ các ngân hàng giảm chi phí đầu vào, từ đó có điều kiện thuận lợi giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.