Thứ 4 ngày 9 tháng 10 năm 2024 / 19:23

Liên tục "thâu tóm" doanh nghiệp đối thủ để hoàn thiện hệ sinh thái, Tasco đang kinh doanh ra sao?

Sau khi thâu tóm SVC Holdings và Sweden Auto, Tasco đã chính thức hoàn thiện hệ sinh thái dựa trên 3 trụ cột chính hạ tầng giao thông và dịch vụ ô tô - bất động sản - dịch vụ tài chính.

Tasco | HUT | Tasco Auto | bất động sản | dự án | giao thông |

Liên tục "thâu tóm" doanh nghiệp đối thủ để hoàn thiện hệ sinh thái, Tasco đang kinh doanh ra sao?

|

thị trường

|

doanh nghiệp

|

tiêu điểm

|

quy hoạch

|

hạ tầng

|

dự án

|

tài chính

|

Công ty cổ phần Tasco (HUT) vừa công bố thông tin Tasco Auto - thành viên trong hệ sinh thái ô tô của doanh nghiệp này đã nâng sở hữu tại Công ty Sweden Auto, đơn vị nhập khẩu và phân phối chính hãng xe Volvo tại Việt Nam lên 100% vốn.

Theo đó, việc thâu tóm Sweden Auto đã giúp Tasco Auto có quyền nhập khẩu, phân phối chính hãng xe Volvo tại Việt Nam. Thỏa thuận này cũng giúp Tasco tăng mạng lưới showroom trên toàn quốc, tiếp tục giữ vị trí nhà phân phối ô tô lớn nhất Việt Nam.

Tasco đang đẩy mạnh chiến lược gia tăng thị phần của mảng kinh doanh ô tô

Trước đó, giữa tháng 9/2023, Tasco chính thức hoàn tất thâu tóm 100% vốn cổ phần của Công ty Cổ phần SVC Holdings sau khi phát hành thêm 543,8 triệu cổ phiếu HUT để hoán đối với cổ phiếu của SVC Holdings theo tỷ lệ 1:1. Sau thâu tóm, Tasco đổi tên SVC Holdings thành Tasco Auto.

SVC Holdings được biết đến là doanh nghiệp nắm giữ 54,1% vốn cổ phần của Công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico, mã SVC), 100% vốn cổ phần của Công ty cổ phần Savico Hà Nội và 80% vốn cổ phần của Công ty cổ phần Ô tô Bắc Âu.

Thương vụ thâu tóm này đã giúp Tasco nghiễm nhiên sở hữu 86 đại lý phân phối các thương hiệu xe lớn như Toyota, Ford, Mitsubishi Motors, Huyndai, Suzuki, Vinfast… của Savico trên toàn quốc và trở thành một trong những nhà phân phối và cung cấp dịch vụ ô tô nội địa lớn nhất cả nước.

Tasco có gì trước khi lấn sân sang mảng ô tô?

Trước khi lấn sân sang mảng ô tô, Tasco được biết đến là một trong những “ông lớn” về đầu tư dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) và BT (xây dựng - chuyển giao). Bên cạnh đó, Công ty cổ phần VETC - công ty con của Tasco - là nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động đường bộ (VETC) với hơn 75% thị phần, 117 trạm thu phí trên cả nước; phục vụ khoảng 3 triệu khách hàng. Trong đó, VETC đầu tư lắp đặt và vận hành 47 trạm, còn lại do nhà đầu tư BOT lắp đặt và VETC vận hành.

Hiện mảng kinh doanh này vẫn là trọng tâm của Tasco. Trong kế hoạch, VETC kỳ vọng năm 2025 sẽ tăng lượng người sử dụng lên 5 triệu, duy trì 75 - 80% thị phần, mở rộng thêm các dịch vụ thanh toán xăng dầu, bãi đậu ô tô, thu phí tại các cảng hàng không…

Từ năm 2021, cùng với việc chuyển giao dàn lãnh đạo mới, Tasco cũng công bố chiến lược tái cấu trúc mạnh mẽ với việc tập trung vào các hoạt động cốt lõi gồm: Hạ tầng giao thông BOT, thu phí không dừng và bất động sản. Cũng trong năm này, Tasco công bố ý định hoán đổi cổ phần để sở hữu 100% vốn tại SVC Holdings.

Để dọn đường cho ngành dịch vụ ô tô và hạ tầng thông minh, Tasco đã thoái vốn khỏi các lĩnh vực không trọng tâm như rút toàn bộ vốn tại Tổng Công ty Thăng Long - CTCP hoạt động trong lĩnh vực xây dựng các công trình giao thông. Trong lĩnh vực y tế, Tasco từng tham gia vào các dự án đầu tư hạ tầng Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 và tổ hợp bệnh viện đa khoa quy mô 500 giường T’Hospital, nhưng cũng đã rút lui thông qua thoái 100% vốn Công ty TNHH T’Hospital.

Đến giữa tháng 9/2023, với việc hoàn tất thâu tóm SVC Holdings và đổi tên thành Tasco Auto, Tasco chính thức hoàn thiện mô hình chiến lược dài hạn “Foundation of Life” (Nền tảng cuộc sống) - hệ sinh thái phục vụ chi tiêu đầu tư của Tasco dựa trên 3 trụ cột chính.

Hệ sinh thái phục vụ chi tiêu đầu tư của Tasco dựa trên 3 trụ cột chính: hạ tầng giao thông và dịch vụ ô tô - bất động sản - dịch vụ tài chính - Nguồn: BCTN 2023

Thứ nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng - phân phối và dịch vụ ô tô. Tasco hiện là công ty lớn nhất trong lĩnh vực thu phí điện tử (ETC) với 120 trạm, 669 làn đường cao tốc, tổng số khách hàng của VETC là 3,4 triệu người và chiếm tới 75% thị phần (tính đến ngày 31/12/2023). Mục tiêu của Tasco là tăng lượng khách hàng lên 5 triệu người vào năm 2025 và duy trì 80% thị phần chủ xe trong những năm tới.

Còn với Tasco Auto, Tasco đặt mục tiêu đến năm 2026, nhà phân phối ô tô lớn nhất Việt Nam này sẽ đạt 120 đại lý và chiếm 15% thị phần phân phối ô tô. Đến cuối năm 2023, doanh nghiệp này đang chiếm 13,3% thị phần thông qua 86 đại lý.

Doanh nghiệp này cũng đang có kế hoạch hướng lên thượng nguồn với dự án lắp ráp ô tô tại Việt Nam trong năm nay, mục tiêu đưa sản phẩm hoàn thiện ra thị trường vào 2025. Theo đó, công ty sẽ liên kết với đối tác thuộc danh sách 10 nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, đã có sản phẩm thành công tại Việt Nam để lắp ráp xe cho đối tác.

Ngoài ra, để hướng đến “cung cấp dịch vụ suốt vòng đời của phương tiện”, cuối năm 2022, Tasco Auto đầu tư vào Carpla - nền tảng phân phối ô tô đã qua sử dụng với tiện ích từ online (Carpla) đến offline (các showroom của SVC). Carpla mua lại các xe cũ, sau đó mang đi kiểm tra, kiểm định, làm sạch và khử trùng trước khi đưa ra trưng bày ở cửa hàng. Hiện nền tảng này có 6 automall trên toàn quốc.

Với trụ cột thứ hai là bất động sản, năm 2022, Tasco đã thành lập Tasco Land, thực hiện nghiên cứu triển khai một loạt các dự án ở Hà Nội như dự án 48 Trần Duy Hưng - Hà Nội với diện tích đất 2.800 m2, dự án Foresa Mỹ Đình 49 ha và các dự án trong quỹ đất hiện hữu. 

Doanh nghiệp này cũng đầu tư vào Công ty CP Bất động sản du lịch Ninh Vân Bay - sở hữu khu resort nổi tiếng Six Senses Ninh Van Bay, khu biệt thự Pháp cổ Ana Mandara Đà Lạt và đang mở rộng đầu tư sang bất động sản khu công nghiệp.

Trụ cột thứ ba là dịch vụ tài chính được Tasco hoạch định tập trung vào các dịch vụ gia tăng như bảo hiểm, cho vay mua xe. Cuối năm 2022, Tasco đã nhận chuyển nhượng 100% phần vốn góp của Công ty TNHH Bảo hiểm Tổng hợp Groupama Việt Nam từ Tập đoàn Groupama Assurances Mutuelles (Pháp). Cùng với việc đổi tên Groupama Việt Nam thành Bảo hiểm Tasco (TIC), Tasco cũng định hướng doanh nghiệp này tập trung vào cung cấp sản phẩm bảo hiểm được cá nhân hóa cho xe và chủ xe, dựa trên kênh phân phối của Savico, phục vụ nhu cầu của khách hàng VETC. Cuối năm 2022, HĐQT của Tasco đã thông qua nghị quyết rót hơn 612 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ của TIC từ 405 tỷ đồng lên hơn 1.017 tỷ đồng.

Tương tự, nhận ra khả năng tiếp cận nguồn tín dụng mua xe của khách hàng có thể trở thành yếu tố thúc đẩy hệ sinh thái ô tô, “ông trùm” BOT này còn tham gia mảng cung cấp giải pháp tài chính (Tasco Finance) cho người muốn sở hữu xe, có thể liên kết với các ngân hàng để vay tiền…

Kết quả kinh doanh không như kỳ vọng

Có thể thấy đến năm 2023, gần như hệ sinh thái của Tasco đã hoàn thiện, đặc biệt với việc hoàn tất sáp nhập Tasco Auto, lãnh đạo Tasco từng kỳ vọng sẽ đạt 600 tỷ đồng lãi sau thuế trong năm 2023, trong đó Tasco Auto đóng góp 85%.

Thực tế, năm 2023 vẫn tiếp tục là năm thành công về mặt doanh số với Tasco Auto khi mang về 9.600 tỷ đồng doanh thu cho Tasco, chiếm 87,3% trong tổng doanh thu. Song, trong bối cảnh thị trường xe gặp nhiều khó khăn, “ông lớn” phân phối này buộc phải chi nhiều hơn cho khuyến mãi khiến lãi ròng giảm sâu, chỉ còn 29 tỷ đồng, bằng 10% năm 2022, và rơi xuống mức thấp nhất 10 năm.

Dù kết quả doanh thu của mảng ô tô, cùng với doanh thu từ hoạt động thu phí đạt 1.071 tỷ đồng (tăng 17,1% so với năm 2022) giúp doanh thu hợp nhất của Tasco tăng gấp 10 lần so với năm 2022, đạt gần 11.000 tỷ đồng nhưng chỉ hoàn thành được một nửa kế hoạch đề ra hồi đầu năm. Trong khi lợi nhuận sau thuế chỉ đạt vỏn vẹn hơn 56 tỷ đồng, giảm 61% so với năm 2022 và cách rất xa mục tiêu lợi nhuận 600 tỷ đặt ra.

Sau hợp nhất mảng ô tô, bảng cân đối kế toán của Tasco cũng “phình to” với tổng tài sản tại thời điểm 31/12/2023 đạt 26.750 tỷ đồng, tăng 131% so với năm 2022. Tuy nhiên, nợ phải trả cũng gấp đôi cùng kỳ, lên 15.436 tỷ đồng. Thời điểm cuối năm 2023, chiếm 50% tổng nợ của Tasco là các khoản vay ngân hàng.

Dù kết quả kinh doanh năm 2023 không đạt kỳ vọng nhưng năm 2024, Tasco vẫn đặt kế hoạch kinh doanh khá tham vọng với tổng doanh thu đạt 24.750 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2023 và lợi nhuận trước thuế 660 tỷ đồng, gấp gần 11,8 lần năm 2023.

Theo đó, trong lĩnh vực thu phí không dừng (ETC), Tasco tiếp tục đặt mục tiêu duy trì thị phần trên 70% và chuẩn bị triển khai trên các cao tốc mới, đặc biệt các cao tốc có vốn ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, Công ty TNHH Thu phí tự động VETC đang tiếp tục mở rộng các giải pháp và dịch vụ thu phí không tiền mặt tại các bãi đỗ ô tô và xe máy, cảng hàng không, trạm xăng, các trạm dịch vụ ô tô trên toàn quốc.

Trong khi đó, Công ty TNHH Bảo hiểm Tasco sẽ tập trung xây dựng nền tảng gồm nhân sự, mạng lưới, hạ tầng công nghệ và chỉ tập trung kinh doanh bảo hiểm xe cơ giới với mục tiêu đạt doanh số 100 tỷ đồng mỗi tháng từ tháng 12/2024.

Ở mảng ô tô, Tasco sẽ gia tăng số lượng showroom và thương hiệu ô tô mới để đáp ứng nhu cầu trong dài hạn của thị trường.

Ngoài ra, Tasco kỳ vọng các hoạt động khác như thu phí BOT sẽ tăng trưởng 7% về doanh thu. Các khu du lịch Six Senses Ninh Vân Bay và Ana Mandara Đà Lạt tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 20% so với năm trước, dự án Ana Mandara Residence Phú Thọ với quy mô 17 ha sẽ có thể mở bán từ năm 2025.

Trong năm 2024, Tasco cũng dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu để chào bán cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 5:1 để tăng vốn điều lệ thêm 1.785 tỷ đồng. Sau phát hành, vốn điều lệ của công ty dự kiến đạt hơn 10.710 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được sử dụng để tăng vốn cho Bảo hiểm Tasco (800 tỷ đồng), VETC (500 tỷ đồng) và Tasco Auto (485 tỷ đồng).

Theo: kinhdoanhvaphattrien.vn copy https://kinhdoanhvaphattrien.vn/lien-tuc-thau-tom-doanh-nghiep-doi-thu-de-hoan-thien-he-sinh-thai-tasco-dang-kinh-doanh-ra-sao-37649.html

Tin liên quan