Ông Ngô Việt Thành - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kom Tum ngày hôm nay (4/12) đã ký Thông báo số 85/TB-SKHĐT gửi các đơn vị liên quan về việc Chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư dự án Tổ hợp thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí và nhà phố.
Đồng thời, thu hồi Văn bản số 1952/UBND-HTKT ngày 31/7/2019 và Văn bản số 4165/UBND-HTKT ngày 05/11/2020 của UBND tỉnh Kon Tum cấp cho Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC liên quan đến dự án trên.
Lý do chấm dứt hoạt động: Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC quyết định chấm dứt hoạt động của dự án Tổ hợp thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí và nhà phố theo điểm a, khoản 1, Điều 48 của Luật Đầu tư.
Trước đó, FLC gửi văn bản tới UBND tỉnh Kon Tum, đề nghị được dừng dự án vì nguyên nhân khách quan, chủ quan khiến họ chưa có nguồn lực làm tiếp. Nhà đầu tư cam kết không khiếu nại, thắc mắc về việc giải quyết hồ sơ, thủ tục khi dừng dự án này.
Dự án Tổ hợp thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí và nhà phố của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC được UBND tỉnh Kon Tum chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu vào năm 2019, với tổng diện tích khoảng 179.000 m2, số tiền đầu tư dự kiến hơn 1.700 tỷ đồng.
Sau 5 năm triển khai, FLC đã xây dựng một số dãy nhà cao tầng, đường sá, trồng cây xanh. Tuy nhiên, phần lớn diện tích đất vẫn bỏ hoang, nhiều công trình thi công dang dở.
Liên quan đến dự án của doanh nghiệp này, trước đó, tại Đại hội cổ đông bất thường được tổ chức hôm 12/11 vừa qua, lãnh đạo FLC cho biết, vụ án ông Trịnh Văn Quyết, Cựu Chủ tịch FLC chỉ liên quan đến một vài cá nhân là lãnh đạo cũ, FLC là pháp nhân không liên quan trực tiếp đến vụ án. Các hoạt động hiện tại của công ty vẫn đúng theo quy định của pháp luật.
Hiện doanh nghiệp này đang quản lý danh mục 54 dự án tại 14 tỉnh thành trên cả nước và đang tích cực triển khai các giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý và tài chính cho các dự án. Đồng thời, đẩy mạnh tìm kiếm đối tác có tiềm lực để hợp tác đầu tư, nhằm đảm bảo tiến độ và hiệu quả của các dự án.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo FLC, một tình trạng khác của các dự án trên đó là đang nợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất rất lớn, tổng nghĩa vụ tài chính phải nộp lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. Điều này là rào cản rất lớn trong việc địa phương tháo gỡ vướng mắc các thủ tục pháp lý của dự án.
Đối với các dự án đang xây dựng dở dang, tình trạng tài chính yếu kém dẫn đến tiến độ triển khai bị chậm trễ, gây ảnh hưởng đến khách hàng và uy tín của tập đoàn.
Trong số 54 dự án đang được FLC triển khai, 12 dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hết hạn tiến độ, và 8 dự án đang đối mặt nguy cơ thu hồi. Bên cạnh đó, 14 dự án đã chấm dứt hoạt động, bao gồm cả việc FLC tự nguyện dừng hoặc bị tỉnh thu hồi.
Tổng chi phí mà tập đoàn cần thu hồi từ các dự án đã chấm dứt ước tính khoảng 450 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc thu hồi số tiền này phụ thuộc vào việc các địa phương lựa chọn nhà đầu tư mới để tiếp tục triển khai dự án…/.