Cơn tăng giá "sốc" nhất lịch sử
Thực tế, ngày 10/4 là ngày thứ 3 liên tiếp giá vàng ghi nhận mức tăng sốc, đặc biệt là giá vàng nhẫn. Tính đến thời điểm 16h30 cùng ngày, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu đang niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 76,98-78,58 triệu đồng/lượng đối với chiều mua vào - bán ra, so với đầu giờ sáng đã tăng 1,1 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 76,8-78,6 triệu đồng/lượng đối với chiều mua vào - bán ra. Sau 3 ngày tăng như ‘lên đồng’ giá vàng nhẫn đã tăng hơn 5 triệu đồng/lượng. Ngoài ra, giá vàng miếng SJC dù đã chững lại đôi chút nhưng vẫn đang neo đậu ở mức cao, 82,4-84,4 triệu đồng/lượng đối với chiều mua vào - bán ra.
Tính tại thời điểm 10h ngày 11/4, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu đang niêm yết giá nhẫn tròn ở mức 76,08-78,08 triệu đồng/lượng với chiều mua vào - bán ra. Mức giá này đã giảm 800.000 đồng/lượng chiều mua vào, đồng thời giảm 400.000 đồng/lượng chiều bán ra so với ngày hôm trước. Việc doanh nghiệp hạ mạnh giá mua vào chứng tỏ, lượng vàng dự trữ đã dần ổn định.
Ngoài ra, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 82,2-84,2 triệu đồng/lượng, tương ứng giảm 200.000 đồng/lượng đối với cả 2 chiều mua vào - bán ra. Giá nhẫn tròn trơn đang giao dịch ở mức 74,8-76,5 triệu đồng/lượng, so với hôm trước đã giảm 200.000 đồng/lượng. Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 82,1-84,1 triệu đồng/lượng, cả 2 chiều mua vào - bán ra đã giảm 200.000 đồng/lượng. Dù giảm, nhưng giá vàng nhìn chung vẫn đang neo đậu ở mức đỉnh lịch sử.
Nguyên nhân khiến giá vàng liên tục "nhảy múa" trong những ngày qua là do giá vàng thế giới tăng mạnh cộng thêm tâm lý đám đông đổ xô đi mua bán. Theo các thương hiệu kinh doanh vàng lớn, vàng nhẫn ngày càng trở nên khan hiếm, cộng thêm chênh lệch giá mua bán vàng đã bị đẩy lên cao từ 1,5 triệu đồng lên mức hơn 2 triệu đồng/lượng. Điều này chứng tỏ, nhu cầu về vàng nhẫn nói riêng và mặt hàng vàng nói riêng đang tăng lên. Do đó, các công ty vàng thường theo xu hướng tăng và đẩy giá bán tăng mạnh và nâng chênh lệch mức giá mua bán.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh xu hướng giá vàng ngày càng tăng lên, có thể sẽ xảy ra tình trạng những doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc không muốn bán vàng ra thị trường, thay vào đó họ sẽ găm giữ phần nào, càng dẫn đến tình trạng khan hiếm.
Trong ngày 10/4 vừa qua, hàng loạt các thương hiệu lớn như PNJ, DOJI và Bảo Tín Minh Châu đã hạn chế số lượng mua, tối đa chỉ 2-5 chỉ mỗi người. Phóng viên của Tiền Phong ghi nhận, ở những cửa hàng vàng lớn trên đường Cầu Giấy và "phố vàng" Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội), lượng khách đến giao dịch đã tăng mạnh trong những ngày qua. Thậm chí, khách còn xếp thành hàng dài ở nhiều cửa hàng, nhiều khách đến bán vàng chốt lời khi giá vàng không ngừng lên đỉnh.
Chị Thu Hoài (Hai Bà Trưng, Hà Nội) là một người chuyên "lướt sóng" vàng. Chị Hoài cho biết, cách đây 3 ngày chị có mua 15 cây vàng nhẫn với giá mua vào là 74 triệu đồng/lượng, đến khi bán ra chị chốt lời 45 triệu đồng. Chị Hoài cho hay: “Sóng vàng tăng nhanh cũng sẽ xuống rất nhanh. Theo kinh nghiệm, tôi nhanh chóng chốt lãi chỉ sau 3 ngày”.
Ngược lại, cũng không ít khách đến cửa hàng để mua vàng khi giá vàng ở mức cao lịch sử. Cụ thể, anh Khánh Hưng (Thanh Xuân, Hà Nội) đã mua 1 lúc 10 cây vàng nhẫn, thế nhưng nhận được giấy hẹn phải sau 2 tuần mới lấy được vàng. “Nếu như giá tiếp tục tăng cao, tôi có thể bán giấy này ngay mà không cần chờ phải lấy vàng”, anh Hưng cho hay. Trong khi đó, chị Hoa (Đống Đa, Hà Nội) cũng mua liền lúc 8 cây vàng miếng SJC. Chị cho biết: “Tôi mua vàng tích trữ bởi giờ tiền mất giá nhiều quá, nếu gửi tiết kiệm tiền lãi cũng chẳng đáng là bao”.
Làm thế nào để hạ giá vàng?
Đến sáng ngày 10/4, giá vàng thế giới đang neo đậu ở mức 2.354 USD/ounce. Điều này đồng nghĩa với việc, giá vàng thế giới đã tăng liên tục 7 phiên liên tiếp dù đã tăng “nóng” không ngừng trong thời gian qua. Theo chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh, hiện tại đang có khá nhiều yếu tố hỗ trợ giá vàng thế giới bật tăng mạnh mẽ. Thứ nhất là những kênh đầu tư khác đang gặp nhiều rủi ro, ví dụ như chứng khoán quốc tế đã giảm suốt nhiều phiên. Thứ hai là xung đột căng thẳng tại khu vực Trung Đông ngày càng gia tăng. Thứ ba là nhu cầu mua vào của các ngân hàng trung ương tại nhiều quốc gia tăng cao.
Chia sẻ thêm về điều này, ông Khánh dự báo: “Ngay việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ bắt đầu tiến hành điều chỉnh giảm lãi suất điều hành kể từ giữa năm nay, dù điều này đã được phản ánh vào giá nhưng thực tế vẫn hỗ trợ giá vàng tăng. Có lẽ, phải đến khi Fed chính thức hạ lãi suất thì giá vàng mới hạ nhiệt”.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Độ - Viện Phó Viện Kinh tế Tài chính nhận định, có 4 nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước biến động mạnh trong những ngày gần đây. Đầu tiên là do giá vàng thế giới tăng mạnh mẽ đã ảnh hưởng tới giá vàng trong nước. Tiếp theo là do nhu cầu mua vàng "hùa" theo tâm lý đám đông. Nguyên nhân thứ ba là do nguồn cung vàng khan hiếm; bởi Ngân hàng Nhà nước hơn 10 năm nay không cho phép nhập vàng. Nguyên nhân thứ tư, có thể việc khan hiếm vàng cùng nhu cầu tăng cao khiến một số doanh nghiệp đẩy giá vàng lên.
TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, nếu như muốn hạ nhiệt giá vàng trong nước, không còn cách nào khác là nhập khẩu vàng. Một khi nhập vàng thì thanh khoản sẽ tăng cao, thị trường càng thêm sôi động, người dân sẽ có xu hướng đổ tiền nhiều hơn vào thị trường vàng.
Tuy nhiên, nền kinh tế hiện đang thiếu vốn, nếu như đổ tiền vào vàng thì sẽ không có dòng tiền chảy vào sản xuất kinh doanh. Thị trường vàng chỉ mang tính chất đầu cơ và không tạo ra được giá trị. Chưa kể, chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới cũng ảnh hưởng đến tỷ giá nhưng không lớn. Do đó, việc nhập vàng chỉ có lợi cho các doanh nghiệp mà thôi. Người dân mua vàng với giá cao sẽ bán với giá cao, mua thấp thì bán thấp, họ không phải là đối tượng hưởng lợi lớn nhất.
Lý giải cụ thể hơn, ông Độ cho biết: “Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc về việc cho nhập một ít vàng nhằm kéo giá vàng giảm xuống, kéo chênh lệch với giá vàng thế giới giảm theo, nhưng điều này không đáp ứng được nhu cầu lớn của thị trường. Hiện nay, giá vàng đang vào sóng đầu cơ nên rất khó để kiểm soát”.
Vị này cho hay, giá vàng tăng sẽ có chu kỳ. Việc tăng giá chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Nhà đầu tư vàng mới chỉ có lãi trong 2 năm nay, mua vàng trước đó không thể lãi như những kênh đầu tư khác, thậm chí còn thua lỗ.
Ông Độ nhận định, giá vàng trong nước tăng phi mã là câu chuyện khó về điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Nếu muốn giá vàng hạ nhiệt thì chỉ còn cách nhập vàng, nhưng khi nhập vàng sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc làm thế nào để ổn định giá vàng, không để người dân đổ xô đi mua vàng dẫn đến tình trạng vàng hóa nền kinh tế. Đây là nguyên nhân khiến Ngân hàng Nhà nước chưa có động thái về việc sửa Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV VietNamNet, PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế nêu quan điểm rằng, bỏ độc quyền chỉ là một yếu tố nếu muốn bình ổn giá vàng trong nước.
PGS.TS Ngô Trí Long kiến nghị: “Có ý kiến cho rằng cần phải tăng cường nhập khẩu vàng hoặc ủy thác cho một số đơn vị nhập khẩu... nhưng như thế là nguy hiểm. Bởi, như vậy sẽ tạo điều kiện cung ứng vàng vật chất, trong khi xu thế trên thế giới ngoài vàng vật chất còn phải vàng tài khoản nữa.
Nếu nhập vàng, Nhà nước sẽ phải bỏ ngoại tệ ra; cũng càng tăng cung vàng vật chất sẽ càng “vàng hóa” cao. Do đó, cùng một lúc sẽ phải đồng bộ các giải pháp. Sửa đổi nghị định sẽ không được thay quá 20%, do đó sẽ phải thay thế Nghị định 24”.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, để có thể bình ổn thị trường vàng, điều quan trọng là cần điều hành theo nguyên tắc thị trường. Đầu tiên cần phải quán triệt những nguyên tắc quản lý thị trường vàng trong nền kinh tế thị trường. Để hạn chế tình trạng vàng hóa và đô la hóa cần phải hướng đến việc phát triển một thị trường lành mạnh, hạn chế việc đầu cơ vàng.
Các doanh nghiệp cũng cần đáp ứng đầy đủ điều kiện về sản xuất, kinh doanh, tự hoạt động theo cơ chế thị trường. Còn lại, Nhà nước chỉ quản lý chất lượng và trọng lượng của vàng, nhãn hiệu như các doanh nghiệp đã đăng ký, thay vì độc quyền sẽ cho phép nhiều thương hiệu cùng tồn tại. Khi đã quy định điều kiện kinh doanh thì không được có những thủ tục xin - cho hay cấp giấy phép con.
Vị này cũng nhấn mạnh, thị trường vàng Việt Nam cần liên thông với thị trường vàng thế giới, loại bỏ yếu tố giá cả chênh lệch lớn như thời điểm hiện tại bằng những giải pháp thị trường phù hợp. Đặc biệt, cung phải gắn liền với cầu, từng bước tiến đến tự do hóa việc xuất nhập khẩu còn Nhà nước chỉ tiến hành điều tiết bằng chính sách mà thôi./.