Lợi nhuận "bèo bọt"
CTCP Xây dựng Coteccons (Coteccons) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2022. Theo đó, công ty đạt 14.537 tỷ đồng doanh thu thuần trong năm vừa qua, tăng 60,1% so cùng kỳ năm trước (YoY). Lợi nhuận gộp đạt 487 tỷ đồng, tăng 76,9% YoY. Tỷ suất lợi nhuận gộp của năm 2022 ở mức 3,35%, tăng nhẹ so với mức 3,03% của năm 2021.
Bên cạnh lợi nhuận gộp tăng trưởng tốt thì doanh thu tài chính giúp công ty thu về 381 tỷ đồng, tăng 37,5% YoY và lợi nhuận khác cũng mang về 88 tỷ đồng, tăng 94,5% YoY. Thế nhưng các chi phí cũng đồng loạt tăng mạnh.
Cụ thể, chi phí tài chính tăng 1.158% YoY lên 163 tỷ đồng khi công ty bắt đầu đi vay nợ với số tiền lớn và kinh doanh chứng khoán bị thua lỗ. Mặc dù chi phí nhân viên giảm nhưng chi phí dự phòng tăng mạnh khiến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 42,3% YoY lên 735 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2022, Coteccons đạt 21 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 13,7% YoY. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) chỉ đạt 280 đồng, một con số rất khiêm tốn so với thời kỳ 2017 khi EPS lên đến 20.436 đồng.
Với kết quả đạt được, Coteccons đã hoàn thành được 97% kế hoạch doanh thu thuần và vượt 3,6% kế hoạch lợi nhuận, tương đương mức vượt 712 triệu đồng.
Như vậy, sau hai năm 2021 và 2022 dưới quyền của ông Bolat Duisenov, Coteccons chỉ đạt lần lượt 24 tỷ đồng và 21 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Con số này thấp hơn rất nhiều so với 334 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2020 - năm cuối cùng của người tiền nhiệm Nguyễn Bá Dương.
Tiền mặt giảm mạnh
Năm 2022, Coteccons thu về 381 tỷ đồng doanh thu tài chính, trong đó 254 tỷ đồng từ lãi gửi ngân hàng, đầu tư trái phiếu, cho vay (gọi chung là tiền mặt).
Tuy nhiên, giá trị tiền mặt của Coteccons khó duy trì trong những năm sắp tới khi khoản này giảm dần theo thời gian. Năm 2017, tiền gửi đạt 5.940 tỷ đồng nhưng đến cuối năm 2022 chỉ còn 2.845 tỷ đồng.
Đặc biệt hơn là trong năm 2022, Coteccons bắt đầu đi vay nợ. Tại thời điểm 31/12/2022, công ty nợ 1.077 tỷ đồng từ vay nợ ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp nhằm bổ sung vốn kinh doanh và tăng quy mô vốn hoạt động, thi công hệ thống năng lượng mặt trời lắp đặt trên mái nhà máy.
Như vậy, nếu trừ phần vay nợ từ ngân hàng và phát hành trái phiếu, tiền gửi của Coteccons chỉ còn 1.768 tỷ đồng.
Trong năm 2022, tổng tài sản tăng 26%, đạt 18.965 tỷ đồng nhưng các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn tăng đến 35,8%, đạt 11.612 tỷ đồng. Các khoản phải thu chiếm đến 61,2% cơ cấu tổng tài sản của Coteccons.
Cổ phiếu giảm sâu
Ngày 5/10/2020, ông Bolat Duisenov ngồi ghế Chủ tịch HĐQT Coteccons thay ông Nguyễn Bá Dương, giá cổ phiếu CTD của Coteccons ở mức 66.000 đồng/cổ phiếu, chỉ số VN-Index 914,68 điểm và cổ phiếu HBC của đối thủ lớn cùng ngành là CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ở mức 10.110 đồng/cổ phiếu.
Đến 15/2/2023, cổ phiếu CTD chỉ còn 34.300 đồng/cổ phiếu, giảm 48% kể từ khi ông Bolat Duisenov ngồi ghế Chủ tịch HĐQT Coteccons, trong khi cùng khoảng thời gian trên VN-Index tăng 14,6% lên 1048,2 điểm. Đối thủ Hòa Bình chịu cảnh thua lỗ 1.138 tỷ đồng trong năm 2022 nhưng cổ phiếu HBC chỉ giảm 15,3% về giá 8.560 đồng/cổ phiếu.