Thứ 6 ngày 29 tháng 3 năm 2024 / 15:17

Là chủ nợ lớn thứ 2 của Novaland, MB nói gì với cổ đông?

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 của Novaland, MB hiện đang là chủ nợ lớn thứ hai của doanh nghiệp với 9.428 tỷ đồng.
Là chủ nợ lớn thứ 2 của Novaland | MB nói gì với cổ đông? | Là chủ nợ lớn thứ 2 của Novaland, MB nói gì với cổ đông? | thị trường | doanh nghiệp | tiêu điểm | quy hoạch | hạ tầng | dự án | tài chính |

 

Sáng ngày 25/4, Ngân hàng Quân đội (MB) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

Tại đại hội, bên cạnh các vấn đề về kế hoạch lợi nhuận, chia cổ tức thì khoản tín dụng bất động sản, đặc biệt là tín dụng cho một số doanh nghiệp lớn đang có nhiều vấn đề như Novaland, Hưng Thịnh hay Trung Nam được rất nhiều cổ đông quan tâm.

“Vốn điều lệ của MB hiện nay là hơn 45.000 tỷ đồng, trong khi các khoản tín dụng cấp riêng cho Novaland đã tới trên dưới 10 nghìn tỷ đồng, tương đương chiếm tới hơn 20% vốn điều lệ của ngân hàng. Trong khi tôi thấy trong nhóm Big 4 ngân hàng cho vay doanh nghiệp này rất ít, hầu như không đáng kể”, một cổ đông nêu ý kiến.

Cổ đông đặt câu hỏi quy mô dự kiến bị chuyển nhóm nợ của nhóm các doanh nghiệp bất động sản lớn như Novaland, Hưng Thịnh hay Trung Nam cùng định hướng tiếp theo của MB để giải quyết các khoản nợ có vấn đề.

Trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Phạm Như Ánh, Phó tổng giám đốc thường trực MB cho biết, không thể cung cấp thông tin số dư cụ thể của các khách hàng bởi đây là quy tắc bảo mật thông tin với khách hàng.

Dù vậy, ông Ánh cũng cho biết, Novaland là đối tác lớn, MB có cho vay và phát hành trái phiếu cho Novaland.

Khẳng định các khoản vay đều đang được quản lý trên từng dự án cụ thể, lãnh đạo MB cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, dư nợ của Novaland đã giảm khá khá lớn, không còn nhiều như số đầu năm.

“Toàn bộ các dự án được cho vay đều được quản lý chặt chẽ để thu đủ gốc và lãi nên trong năm 2023 cơ bản sẽ không phát sinh nợ xấu tại đây”, ông Ánh nói.

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT ngân hàng thì cho rằng, vấn đề với bất động sản không chỉ là của riêng Novaland mà là của toàn ngành bất động sản.

Theo Chủ tịch MB, vấn đề lớn nhất hiện nay với thị trường nằm ở pháp lý chứ không phải là vấn đề tài chính. Hiện nay, để có thể mở bán các thủ tục cũng kéo dài tới vài năm. Do đó, chỉ cần giải quyết được vấn đề pháp lý thì sẽ giải quyết được các vấn đề cơ bản của thị trường.

“MB tham gia không chỉ một dự án mà nhiều dự án của Novaland, tổng quy mô cho vay và trái phiếu không đến con số 10.000 tỷ như cổ đông nói. Tỷ lệ cho vay này nằm trong phạm vi cho phép. Các dự án bất động sản của Novaland nói riêng và của các doanh nghiệp bất động sản nói chung đều có tài sản đảm bảo”, ông Thái nói.

Với Hưng thịnh, lãnh đạo MB cho biết, ngân hàng không cho vay dự án, không sở hữu trái phiếu mà chỉ có một chút cho vay về lĩnh vực xây lắp.

Với Trung Nam, MB cho vay làm năng lượng tái tạo, điện mặt trời. Hiện doanh nghiệp vẫn đang thanh toán đầy đủ cả gốc, lãi và sẽ không có nợ xấu trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, một số dự án đóng điện chậm so với tiến độ dự kiến, theo ông Lưu Trung Thái, nguyên nhân là do thực hiện vào đúng giai đoạn COVID-19.

Đến thời điểm hiện tại, Chính phủ đã ra thông tư cho nhóm dự án này được tiếp tục triển khai. Chủ tịch MB cho biết, các nhà đầu tư này đều là nhóm có tiềm lực tài chính mạnh, đã xoay đủ tài chính để thực hiện nghĩa vụ nợ với MB. Theo đó, ngân hàng đã cơ cấu và điều chỉnh phù hợp với các khoản này.

Liên quan đến việc nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém, ông Phạm Như Ánh, Phó Tổng giám đốc thường trực ngân hàng cho biết, hiện MB đang thực hiện định giá ngân hàng, quá trình này dự kiến sẽ kéo dài 11 tháng, bắt đầu từ tháng 3/2023. Theo đó, dự kiến đến cuối năm nay hoặc đầu năm sau sẽ kết thúc quá trình này và có thể thực hiện nhận chuyển giao.

Về kế hoạch kinh doanh, năm nay, MB lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 26.100 tỷ đồng, tăng 15% so với kết quả đạt được trong năm 2022.

Tổng tài sản ngân hàng dự kiến sẽ tăng 14% lên 830.000 tỷ đồng vào cuối năm nay. Vốn điều lệ tăng 20%, đạt 54.363 tỷ đồng. Tín dụng dự kiến đạt 583.600 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022 và phù hợp với định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Huy động vốn ước đạt 591.000 tỷ đồng, phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất kiểm soát dưới 2%.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, sau khi trích lập các quỹ, ngân hàng dự kiến sẽ dùng 9.068 tỷ đồng để chia chia cổ tức 20%, trong đó, chia cổ tức bằng cổ phiếu là 15% (tương đương số tiền 6.801 tỷ đồng) và chia cổ tức bằng tiền là 5% (tương đương 2.266 tỷ đồng).

Sau khi thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu và thực hiện phương án tăng vốn điều lệ 1.542 tỷ đồng đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, vốn điều lệ mới của MB dự kiến là 53.683 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 của Novaland, MB hiện đang là chủ nợ lớn thứ hai của doanh nghiệp với 9.428 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn là 150 tỷ đồng, nợ dài hạn là 3.100 tỷ đồng và trái phiếu là 6.178 tỷ đồng.

 

Theo: nhipsongthoidai.com.vn copy https://nhipsongthoidai.com.vn/la-chu-no-lon-thu-2-cua-novaland-mb-noi-gi-voi-co-dong-2162.htm

Tin liên quan