Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, nhà vàng Mi Hồng điều chỉnh giá vàng SJC tăng vọt lên mức 114-120 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Giá vàng nhẫn tại doanh nghiệp này cũng được đẩy lên mức 110,5-117 triệu đồng/lượng.
Tương tự, lúc 9h sáng nay, các doanh nghiệp kinh doanh vàng khác cũng điều chỉnh tăng giá vàng miếng SJC lên mốc 118 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn 115,2-117,5 triệu đồng/lượng, tăng 2,5 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng qua.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng nhẫn 113,8-117 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra; Tập đoàn Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng nhẫn 112-115 triệu đồng/lượng.

Cùng thời điểm, giá vàng thế giới niêm yết ở mức 3.350 USD/ounce, tương đương với 104,7 triệu đồng/lượng, tăng 46 USD/ounce so với chiều qua. Như vậy, đến sáng nay, giá vàng miếng SJC đã cao hơn giá vàng thế giới gần 12 triệu đồng/lượng. Đáng chú ý, chỉ trong 2 ngày qua, giá vàng SJC đã tăng hơn 10 triệu đồng/lượng.
Lý giải nguyên nhân giá vàng tăng sốc, Tim Waterer - chuyên gia phân tích thị trường tại KCM Trade cho biết: "Sự kết hợp của nhiều yếu tố như đồng USD mất giá và tâm lý lo ngại rủi ro của nhà đầu tư có lợi cho vàng".
Chỉ số đô la (.DXY) giảm 0,4% so với rổ tiền tệ cạnh tranh, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang khiến nhà đầu tư tìm đến vàng là nơi trú ẩn an toàn. Brian Lan - Giám đốc điều hành của đại lý GoldSilver Central có trụ sở tại Singapore - cho biết: "Vàng sẽ tiếp tục tăng giá nếu bất ổn vẫn gia tăng".
Đáng chú ý, dù giá vàng thế giới và trong nước liên tục tăng cao, tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất, các chuyên gia phân tích tại Goldman Sachs nhận định, giá vàng có thể đạt 3.700 USD/ounce vào cuối năm nay, thậm chí cán mốc 4.000 USD/ounce vào giữa năm 2026.
Ngân hàng này đánh giá nhu cầu từ các ngân hàng trung ương đang vượt xa dự báo trước đó, trong bối cảnh lo ngại suy thoái và rủi ro địa chính trị tiếp tục bao trùm nền kinh tế toàn cầu.
Goldman Sachs ước tính các ngân hàng trung ương có thể mua trung bình 80 tấn vàng mỗi tháng trong năm nay, tăng so với mức dự báo trước đó là 70 tấn. Ngoài ra, rủi ro suy thoái gia tăng cũng được cho là sẽ kích thích dòng vốn đổ vào các quỹ ETF vàng.
"Dòng vốn gần đây đã vượt kỳ vọng, nhiều khả năng phản ánh nhu cầu trở lại của nhà đầu tư trong việc phòng ngừa suy thoái và sự sụt giảm của các tài sản rủi ro", nhóm phân tích của Goldman Sachs cho biết, đồng thời dự báo xác suất nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái hiện nay là 45%.
Nếu kịch bản này xảy ra, các quỹ ETF sẽ tăng tốc mua vàng, đẩy giá lên tới 3.880 USD vào cuối năm./.