Từ đầu năm đến nay, sau thông tin về việc sáp nhập các tỉnh, thành được lan truyền, nhiều nhà đầu tư đã đổ xô về các vùng quê “săn tìm” mua đất nền tại những khu vực dự kiến sẽ đặt trung tâm hành chính mới, khiến giá rao bán tại nhiều địa phương tăng mạnh.
Theo ghi nhận, đầu tháng 3 vừa qua, mỗi ngày có hàng chục nhà đầu tư đổ dồn về đến các tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Phú Thọ… và vùng ven Hà Nội như Sóc Sơn, Hòa Lạc, Đan Phượng… tìm mua đất.
Do nhà đầu tư đổ về săn mua đất nhiều nên giá rao bán đất nền tại các khu vực trên đã tăng mạnh. Dữ liệu của trang Batdongsan.com.vn vừa công bố cho thấy, quý đầu tiên của năm nay, giá rao bán đất nền Hà Nội đã tăng 42%, Bắc Giang (+80%), Hải Dương (+100%), Hưng Yên (+75%), Bắc Ninh (+52%), Hà Nam (+50%), Nam Định và Thái Bình (+44%).
Tương tự, tại miền Trung, giá bán đất nền Hội An (Quảng Nam) tăng 100%; các quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Điện Bàn (Đà Nẵng) tăng lần lượt 80%, 75% và 52%. Những quận, huyện còn lại của Đà Nẵng như Hoà Vang, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn cũng có giá bán đất nền tăng 44-50%.
Với thị trường miền Nam, đà tăng giá đất nền ghi nhận ở mức nhẹ hơn và dao động trong khoảng 20-30%. Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu có biến động giá mạnh nhất, trung bình tăng 30%, Bình Dương tăng 25%, Cần Thơ tăng 11%, TP.HCM tăng 7%...

Tương tự, báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) vừa phát hành cũng cho thấy, quý đầu năm nay, giá rao bán đất nền tại nhiều địa phương ghi nhận mức giá tăng từ 5 - 30%, như: Ninh Bình, Hà Nam, Hải Phòng, Bắc Giang, Hải Dương, vùng ven Hà Nội…
Theo đơn vị này, trên thị trường thứ cấp, giao dịch và giá sản phẩm thấp tầng, đất nền cũng ghi nhận tăng mạnh. Nhất là khu vực vùng ven Hà Nội, nhờ hưởng lợi từ hàng loạt các dự án mới triển khai có giá bán cao.
Ngoài ra, thị trường còn ghi nhận hiện tượng nhiều căn biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang nhiều năm được rao bán với mức giá tăng tới 30%, thậm chí gấp đôi so với năm 2023. Tuy nhiên, thực tế lượng giao dịch và mức giá giao dịch chỉ ghi nhận tăng tại các lô đất có giá trị đầu tư hợp lý, thường ở mức dưới 2 tỷ đồng, có pháp lý đảm bảo tại các khu vực có hạ tầng đang triển khai thực tế hoặc tại các sản phẩm thấp tầng trong các dự án đại đô thị quanh khu vực đã được đầu tư về hạ tầng và có đầy đủ các dịch vụ tiện ích.
“Thông tin về việc sáp nhập tỉnh, thành, cộng hưởng với việc nhiều địa phương công bố bảng giá đất mới, cao hơn nhiều lần so với bảng giá hiện hành và tâm lý FOMO (lo sợ bỏ lỡ cơ hội) của các nhà đầu tư khiến đất nền “sốt nóng”. Tuy nhiên, thực tế giao dịch chỉ ghi nhận tăng tại các tỉnh, thành được dự đoán là trung tâm sáp nhập, có hạ tầng giao thông, kinh tế, xã hội phát triển, mặt bằng giá bất động sản chưa quá cao”, VARS nhấn mạnh.
Diễn biến tương tự cũng được Công ty nghiên cứu DKRA Group đưa ra tại báo cáo thị trường bất động sản TP.HCM và vùng ven (Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh…) quý đầu năm 2025.
Theo báo cáo trên, 3 tháng đầu năm nay, các khu vực vùng ven ghi nhận hiện tượng “sốt đất cục bộ” tại các tỉnh thành có thông tin sáp nhập vào TP.HCM hoặc mở rộng đô thị, với mức tăng lên đến 20-30%.
Đáng chú ý, dù sức cầu chung của thị trường ghi nhận nhiều tín hiệu phục hồi tích cực với lượng tiêu thụ đạt 430 nền, tăng gấp 6,1 lần so với quý I/2024. Tuy nhiên, lượng giao dịch thực tế vẫn không nhiều. Phần lớn giao dịch phân bổ ở thị trường Bình Dương với tỷ trọng đạt 63,3% trên tổng lượng tiêu thụ sơ cấp của thị trường./.