Lúc 8h45 sáng nay (16/4), các doanh nghiệp kinh doanh vàng điều chỉnh tăng mạnh giá vàng miếng SJC lên mức kỷ lục mới gần 110 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn bán ra theo đó cũng tăng cao nhất từ trước tới nay, ở mức 108,9 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 106,8 - 109,8 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 1,3 triệu đồng/lượng mua vào, 1,8 triệu đồng/lượng bán ra so với đầu giờ sáng. Chênh lệch mua - bán được nới rộng lên 3 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC 106,2 - 109,8 triệu đồng/lượng, tăng 1,4 triệu đồng/lượng mua vào và 1,8 triệu đồng/lượng bán ra. Chênh lệch mua - bán 3,6 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn cũng tăng mạnh theo giá vàng miếng lên mức cao nhất từ trước đến nay. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng nhẫn 105,3 - 108,9 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra; Tập đoàn Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết 104,5 - 108 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, đến 10h30, mỗi lượng vàng miếng SJC tăng mạnh lên vùng 108,5 - 111 triệu đồng. Tổng cộng, các thương hiệu nâng giá mua bán vàng miếng thêm 3 triệu đồng trong buổi sáng nay.
Vàng nhẫn trơn hiện cũng tăng mạnh 5 triệu đồng mỗi lượng sau hai lần điều chỉnh, lên xấp xỉ với giá vàng miếng. Theo đó, SJC niêm yết giá nhẫn trơn 108 - 110,5 triệu đồng một lượng. Bảo Tín Minh Châu mua bán nhẫn trơn tại 108,3 - 111 triệu đồng.
Như vậy, so với đầu năm, mỗi lượng vàng tăng gần 22 triệu đồng. Nhà đầu tư mua vàng từ đầu năm có thể ghi nhận hiệu suất sinh lời hơn 25% tính đến thời điểm này.

Đáng chú ý, dù giá vàng thế giới và trong nước liên tục tăng cao, tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất, các chuyên gia phân tích tại Goldman Sachs nhận định, giá vàng có thể đạt 3.700 USD/ounce vào cuối năm nay, thậm chí cán mốc 4.000 USD/ounce vào giữa năm 2026.
Ngân hàng này đánh giá nhu cầu từ các ngân hàng trung ương đang vượt xa dự báo trước đó, trong bối cảnh lo ngại suy thoái và rủi ro địa chính trị tiếp tục bao trùm nền kinh tế toàn cầu.
Goldman Sachs ước tính các ngân hàng trung ương có thể mua trung bình 80 tấn vàng mỗi tháng trong năm nay, tăng so với mức dự báo trước đó là 70 tấn. Ngoài ra, rủi ro suy thoái gia tăng cũng được cho là sẽ kích thích dòng vốn đổ vào các quỹ ETF vàng.
"Dòng vốn gần đây đã vượt kỳ vọng, nhiều khả năng phản ánh nhu cầu trở lại của nhà đầu tư trong việc phòng ngừa suy thoái và sự sụt giảm của các tài sản rủi ro", nhóm phân tích của Goldman Sachs cho biết, đồng thời dự báo xác suất nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái hiện nay là 45%.
Nếu kịch bản này xảy ra, các quỹ ETF sẽ tăng tốc mua vàng, đẩy giá lên tới 3.880 USD vào cuối năm.
Cùng quan điểm lạc quan, UBS dự báo giá vàng có thể đạt 3.500 USD/ounce, muộn nhất vào tháng 12 năm nay. Cả UBS và Goldman Sachs đều đã nâng dự báo giá kim loại quý trong tháng trước, phản ánh môi trường chính sách còn nhiều bất ổn tại Mỹ.
UBS cho rằng nhu cầu vàng sẽ tiếp tục tăng mạnh ở nhiều phân khúc, từ ngân hàng trung ương, các quỹ đầu tư cho đến nhà đầu tư cá nhân. "Tình trạng bất ổn kéo dài đang thúc đẩy nhu cầu đa dạng hóa danh mục, tạo điều kiện thuận lợi cho đà tăng của vàng", nhóm phân tích của UBS nhận định.
Dù vậy, giới chuyên gia cũng cảnh báo giá vàng có thể biến động mạnh trong ngắn hạn, do thanh khoản thị trường ở mức thấp. Một phần nguyên nhân là tốc độ tăng cung vàng từ hoạt động khai thác vẫn chậm, trong khi phần lớn lượng vàng hiện nằm trong tay các ngân hàng trung ương và các quỹ ETF./.