Đó là yêu cầu được Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh đưa ra khi chủ trì phiên họp nghe báo cáo về công tác lựa chọn nhà đầu tư một số dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới và việc triển khai các khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) chiều ngày 30/5.

Báo cáo tại cuộc họp cho thấy, theo phê duyệt, Hà Nội có kế hoạch phát triển 5 khu nhà ở xã hội thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, với tổng quy mô sử dụng đất 248 ha. Đến nay, Sở Xây dựng đã hoàn thành hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư đối với 4/5 dự án, với quy mô 203 ha đất, tổng diện tích sàn nhà ở khoảng 0,83 triệu m2, khoảng 12.300 căn hộ; Sở Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì thẩm định.

Cụ thể: Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới - Nhà ở xã hội Thành phố Kết nối xanh Green Link City tại xã Tiên Dương (huyện Đông Anh), quy mô khoảng 210.000 m2 sàn, với 3.200 căn hộ;

Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới - Nhà ở xã hội tại xã Tiên Dương (huyện Đông Anh), quy mô khoảng 196.000 m2 sàn, với 3.000 căn hộ;

Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới - Nhà ở xã hội tại xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm), quy mô khoảng 152.000 m2 sàn, với 2.400 căn hộ;

Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới - Nhà ở xã hội tại xã Đại Mạch (huyện Đông Anh) và xã Tiền Phong (huyện Mê Linh), quy mô khoảng 215.000 m2 sàn, với 3.600 căn hộ.

Tại cuộc họp, sau khi nghe ý kiến của các đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhận định, đến thời điểm này, việc triển khai 5 dự án nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 đang chậm tiến độ. Trong những nguyên nhân chủ quan, có nguyên nhân do sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ.

Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: UBND Hà Nội
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: UBND Hà Nội

“Trước mắt, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ; các sở, ngành, địa phương phải cam kết bảo đảm đến 1/10/2024 có thể khởi công ít nhất một dự án và phải bảo đảm chất lượng lâu dài. Mục tiêu cao nhất là xây dựng nhà ở xã hội với chất lượng tốt nhất, giá rẻ nhất; khống chế lợi nhuận định mức bằng quy định của pháp luật để trước mắt, người thu nhập trên trung bình có thể mua được nhà”, ông Thanh nói.

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, nhà ở xã hội có ý nghĩa nhân văn rất lớn trong việc giúp đỡ các gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt là những công nhân, lao động tại các khu công nghiệp và người có hoàn cảnh khó khăn có được một căn nhà ổn định để sinh sống. Do vậy, các sở, ngành và cấp ủy chính quyền địa phương cần quyết tâm tháo gỡ sớm để có nhiều hơn những dự án nhà ở xã hội được triển khai trong thời gian tới.

Liên quan đến việc này, trước đó, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về nhà ở xã hội sáng 22/2, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, hiện nay, nhiều thành phố trọng điểm như TP.HCM, Hà Nội chưa đạt được 20% mục tiêu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2025.

So với mục tiêu đến năm 2025 của đề án xây một triệu căn nhà xã hội, Hà Nội mới phát triển 1.700 căn, đáp ứng 9% mục tiêu, TP.HCM đáp ứng 19% với gần 5.000 căn. Những địa phương này cũng đăng ký hoàn thành nhà xã hội trong năm 2024 ở mức thấp, Hà Nội (gần 1.200 căn), TP.HCM (gần 3.800 căn).

"Đây là những thành phố lớn, tập trung nhiều lao động thu nhập thấp, có nhu cầu nhà xã hội rất cao nhưng kết quả còn rất hạn chế, cho thấy địa phương chưa quyết tâm, chủ động", Thứ trưởng cho biết.

Ngoài ra, có nhiều địa phương chưa quan tâm xây dựng nhà xã hội như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An, Quảng Ngãi... Đây là những tỉnh không có dự án nhà xã hội khởi công từ 2021 đến nay./.