Các sai phạm của KBC gồm khai sai chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thuế thu nhập doanh nghiệp dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp năm 2020; khai sai thuế GTGT đầu vào được khấu trừ của một số hoá đơn không phục vụ sản xuất kinh doanh kỳ kê khai tháng 12/2022, tháng 1/2023, tháng 6/2923, tháng 9/2023 nhưng không dẫn đến thiếu số tiền thuế GTGT phải nộp, chưa được hoàn thuế.
Ngoài ra, Kinh Bắc cũng khai sai doanh thu hàng hoá, dịch vụ bán ra chịu thuế GTGT thuế suất 0% và 10% nhưng không dẫn đến thiếu số tiền thuế GTGT phải nộp, chưa được hoàn thuế; không lập hoá đơn đối với hàng hoá cho, tặng và lập một số hoá đơn không đúng thời điểm theo quy định.
Theo đó, công ty bị phạt hành chính 91,7 triệu đồng; truy thu 71,1 triệu đồng tiền thuế TNDN và 29 triệu đồng tiền chậm nộp tiền thuế TNDN phải nộp. Tổng số tiền phải nộp khoảng 192 triệu đồng vào ngân sách nhà nước.
Trong một diễn biến mới đây, Kinh Bắc công bố nghị quyết thông qua việc vay vốn 1.000 tỷ đồng cho công ty con là Công ty TNHH MTV Phát triển Đô thị Tràng Cát để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Số tiền này có thể giải ngân nhiều lần qua các hợp đồng vay vốn cụ thể. Lãi suất cũng theo thỏa thuận tại từng hợp đồng, thanh toán một lần khi tất toán.
Công ty Tràng Cát là chủ đầu tư của dự án Khu đô thị và dịch vụ Tràng Cát - một dự án bất động sản đô thị trọng điểm của Kinh Bắc. Dự án có tổng diện tích gần 585ha ở khu Bãi Triều, phường Tràng Cát, quận Hải An, thuộc khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (TP. Hải Phòng).
Về tình hình kinh doanh, nếu chỉ tính riêng quý III/2024, doanh thu thuần của Kinh Bắc đạt hơn 950 tỷ đồng và lãi ròng hơn 196 tỷ đồng, lần lượt gấp 3,8 lần và 41,7 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên nếu tính lũy kế, công ty chỉ mới đạt được 10% mục tiêu lợi nhuận cả năm. Doanh thu thuần 1.994 tỷ đồng, lãi ròng 352 tỷ đồng. Hai kết quả này đều ghi nhận sụt giảm lần lượt 58% và 82% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu cho thuê đất và cơ sở hạ tầng giảm mạnh từ hơn 4.567 tỷ về hơn 1.116 tỷ đồng. Doanh thu chuyển nhượng bất động sản tăng mạnh từ hơn 79 tỷ đồng lên gần 422 tỷ đồng.
Tính đến 30/9, tổng tài sản của Kinh Bắc đạt hơn 42.345 tỷ đồng (tăng 27%). Tiền gửi tại ngân hàng có kỳ hạn tăng đột biến từ hơn 526 tỷ lên hơn 6.296 tỷ đồng. Một khoản tiền gửi khác khác cũng tăng mạnh từ hơn 302 tỷ lên hơn 1.343 tỷ đồng.
Hàng tồn kho tăng 8% so với cuối năm 2024 với 13.236 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại dự án Khu công nghiệp và khu đô thị Tràng Cát (gần 8.381 tỷ), Khu đô thị Phúc Ninh (1.117 tỷ), Khu công nghiệp và dân cư Tân Phú Trung (gần 987 tỷ), Nhà ở xã hội thị trấn Nếnh (gần 860 tỷ), Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh (575 tỷ)...
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng 62% lên hơn 692 tỷ đồng, đa phần ở Khu ngoại giao đoàn Hà Nội.
Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả đã tăng tới 64% kể từ đầu năm lên 21.726 tỷ đồng. Trong đó, nợ dài hạn tăng đột biến từ 6.634 tỷ đồng lên 14.481 tỷ đồng.
Đáng chú ý, khoản "Phải trả dài hạn khác" tăng đột biến từ 27 tỷ đồng lên 5.737 tỷ đồng, tương đương 212 lần. Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 chưa được kiểm toán, KBC chỉ thuyết minh về phần này vỏn vẹn là "nhận đặt cọc dài hạn"./.