Nghị quyết 68 đặt kinh tế tư nhân ở vị trí quan trọng
Chia sẻ một số vấn đề liên quan đến Nghị quyết 68-NQ/TW, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương khẳng định, Nghị quyết 68 đánh dấu bước ngoặt rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế tư nhân. Quan điểm của Đảng ta đã xác lập một vị trí, chỗ đứng mới cho kinh tế tư nhân.
Trước đây nước ta chưa coi trọng đúng vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong sự phát triển chung của đất nước. Kinh tế tư nhân hiện nay sử dụng hơn 80% lao động, đóng góp rất lớn trong lĩnh vực lao động việc làm, an sinh xã hội. Tuy nhiên, các chế độ, chính sách dành cho kinh tế tư nhân cũng chưa nhiều và chưa có những ưu đãi đột phá để phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga chỉ ra rằng, dù kinh tế tư nhân sử dụng hơn 80% lao động và đóng góp 50% GDP cùng hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước, nhưng con số này vẫn còn khiêm tốn. Điều này chứng tỏ kinh tế tư nhân rất cần được quan tâm, từ cơ chế, chính sách đến các hỗ trợ khác, để có thể bứt phá mạnh mẽ hơn.
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương khẳng định, Nghị quyết 68 đánh dấu bước ngoặt rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế tư nhân. Quan điểm của Đảng ta đã xác lập một vị trí, chỗ đứng mới cho kinh tế tư nhân.
Với quan điểm chỉ đạo mới của Đảng, cụ thể là Nghị quyết 68 thì kinh tế tư nhân được đặt ở vị trí, vai trò quan trọng. Và đây là khu vực kinh tế có đóng góp nhiều, năng động, tiếp cận nhanh với sự thay đổi… để phát triển. Đây là những nhìn nhận rất cởi mở và đúng mực với các quan hệ kinh tế. Khi chúng ta không hình sự hóa các quan hệ kinh tế cũng sẽ tạo được tâm lý thoải mái, khuyến khích sự dám nghĩ, dám làm trong việc phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân.
Cần sớm thể chế hóa Nghị quyết 68
Cùng chia sẻ về các nội dung trong Nghị quyết 68, ĐBQH Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH TP.HCM nhấn mạnh: Cần sớm thể chế hóa Nghị quyết 68, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tiếp cận nguồn lực quốc gia một cách thuận lợi nhất, nhiều ưu đãi nhất.

Ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, cần phải có cơ chế, thể chế để luật hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước nhằm giúp khu vực kinh tế tư nhân đầu tư mạnh vào lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Từ đó, khu vực kinh tế tư nhân mới có điều kiện đầu tư nhiều hơn cho các hoạt động khoa học công nghệ và mới có thể phát triển nhanh, trở thành các tập đoàn kinh tế lớn ngang tầm các tập đoàn kinh tế trên thế giới. Từ đó mới hiện thực hóa được Nghị quyết 68, biến khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất trong phát triển kinh tế của đất nước vào năm 2030.
Là người đề xuất chính sách cho kinh tế tư nhân, trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ĐBQH Nguyễn Văn Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cảm thấy thật vui mừng. Ông Thân nhận định, kinh tế kinh tế tư nhân tại Nghị quyết 68 đã thực sự đặt được đúng chỗ, vai trò và xứ mệnh của mình.
Kinh tế tư nhân bao gồm cả FDI, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm 5 triệu hộ cá thể… Cái hay ở chỗ là họ bỏ tiền, mở cửa hàng ra thì không cần ai giục họ tự thúc đẩy, tự làm ăn và hoàn thiện mình. Họ chỉ khao khát có một hệ sinh thái thoáng, minh bạch để họ phát triển.

Theo ông Nguyễn Văn Thân: “Đảng đã rất cởi mở về tư tưởng, quan trọng bây giờ là thực hiện bởi người dân, doanh nghiệp và người thực thi đường lối, chính sách. Chính sách kinh tế đưa ra phải hiểu thực tiễn, khi tư duy đã rõ ràng thì hành động cũng thông suốt”.
Cũng theo ông Thân, thương trường như chiến trường và doanh nghiệp là người “cầm súng” chiến đấu. Để chiến trường thắng lợi, ngoài cố gắng của họ, cần có chủ trương đúng đắn, có sự thực thi chính sách đồng bộ, quyết liệt./.