Năm ngoái, ngân hàng OceanBank (tên mới là MBV) và Xây Dựng Việt Nam (CB) đã chính thức được chuyển giao bắt buộc lần lượt về MB và Vietcombank theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Việc chuyển giao ngân hàng yếu kém về một ngân hàng thương mại lớn mạnh, có tiềm lực vững là điều kiện để cơ cấu lại toàn diện.
Cũng theo kế hoạch của cơ quan quản lý, ít ngày tới, NHNN sẽ chính thức công bố quyết định chuyển giao hai ngân hàng còn lại là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) và Ngân hàng TMCP Đông Á (Dong A Bank).
Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thông báo Chính phủ đã ban hành nghị quyết về việc chuyển giao bắt buộc đối với hai nhà băng trên. Bà Hồng khẳng định, lễ công bố quyết định chuyển giao sẽ diễn ra “trong vài ngày tới”.
Trong một diễn biến gần đây, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) đã lấy ý kiến cổ đông về việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng.
Về phần MBV và CB, sau khi được chuyển giao về MB và Vietcombank, hai nhà băng này tiếp tục duy trì mô hình ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
MBV là cái tên mới của OceanBank. Bà Nguyễn Minh Hằng, Giám đốc khối Đầu tư Ngân hàng MB cho hay: Ngân hàng TMCP Quân đội đã chuyển giao công nghệ mới giúp MBV nhằm nhanh chóng kiện toàn bộ máy tổ chức và đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho năm 2025. Đây cũng là thông tin được ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc MB, xác nhận. MB sẽ bán cho MBV dư nợ sinh lời, qua đó, MBV có thể vay Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước với lãi suất 0%.
“Chúng tôi tin rằng MBV sẽ phát triển trong năm 2025”, bà Hằng tin tưởng./.
Ngoài 4 ngân hàng CB, MBV, GPBank và Dong A Bank, hiện còn Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đang được NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022. Cơ quan quản lý đang xây dựng phương án tái cơ cấu SCB để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong thời gian sớm nhất. |