Thứ 3 ngày 5 tháng 11 năm 2024 / 18:41

Rót gần 36 nghìn tỷ vào VPBank, "vận đen" của SMBC có hết?

Trước VPBank, tập đoàn này từng hợp tác với hai định chế tài chính khác là Ngân hàng Eximbank và Tập đoàn Bảo Việt, tuy nhiên, cả hai thương vụ này đều không mang đến kết quả như mong đợi.

Rót gần 36 nghìn tỷ vào VPBank | "vận đen" của SMBC có hết? |

Rót gần 36 nghìn tỷ vào VPBank, "vận đen" của SMBC có hết?

|

thị trường

|

doanh nghiệp

|

tiêu điểm

|

quy hoạch

|

hạ tầng

|

dự án

|

tài chính

|

 

Chấm dứt những “đồn đoán” kéo dài từ đầu năm 2022, hôm qua (27/3), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) chính thức phát đi thông báo cho biết, đã đạt thỏa thuận bán 15% cổ phần cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) – thuộc tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group, Inc (SMFG) của Nhật Bản thông qua một đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ.

Với lượng cổ phiếu VPB đang lưu hành là hơn 6,713 tỷ đơn vị, ước tính VPBank sẽ phát hành mới cho SMBC hơn 1,184 tỷ cổ phiếu.

Như vậy, với giá trị thương vụ được phía VPBank công bố là 35,9 nghìn tỷ đồng, ước tính mức giá mà phía đối tác Nhật đã trả cho VPBank là khoảng 30.300 đồng/cổ phiếu, cao hơn tới 43% so với thị giá hiện tại của cổ phiếu VPB (ở mức 21.250 đồng/cổ phiếu chốt phiên ngày 27/3).

Với mức giá như trên, SMBC đang định giá toàn bộ cổ phần VPBank ở mức 239.300 tỷ đồng, tương đương hơn 10 tỷ USD.

Thương vụ tại VPBank đánh dấu khoản đầu tư lớn thứ 3 của “đại gia” tài chính Nhật tại Việt Nam. Trước đó, tập đoàn này từng hợp tác với hai định chế tài chính khác là ngân hàng Eximbank và Tập đoàn Bảo Việt, tuy nhiên, cả hai thương vụ này đều không mang đến kết quả như mong đợi.

Năm 2007, SMBC đã quyết định chi 225 triệu USD để được nắm giữ 15% vốn điều lệ, đồng thời trở thành đối tác chiến lược của ngân hàng Eximbank. SMBC cam kết hỗ trợ và hợp tác trong việc phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ, ngân hàng đầu tư, quản lý rủi ro theo chuẩn mực quốc tế.

Tuy nhiên, sau nhiều tranh chấp chưa thể thu xếp ở dàn thượng tầng Eximbank, SMBC quyết định rút đại diện khỏi nhà băng từ cuối 2019 và chuyển hướng thương lượng với FE Credit và VPBank. Tháng 2/2022, Eximbank chính thức dừng hợp tác liên minh chiến lược với SMBC theo đề nghị của đối tác ngoại này.

Đến giữa tháng 1/2023, SMBC thông báo đã bán thỏa thuận hơn 132,8 triệu cổ phiếu EIB, khiến tỷ lệ sở hữu của cổ đông Nhật Bản tại Eximbank bị giảm từ 15,07% (185,3 triệu cổ phiếu) xuống còn 4,27% (52,5 triệu cổ phiếu). Giá trị của thương vụ sang tay này là hơn 3.400 tỷ đồng, tương đương khoảng 144 triệu USD, tính theo tỷ giá tại cùng thời điểm.

Không còn là cổ đông lớn của Eximbank đồng nghĩa với việc SMBC cũng không còn thuộc diện phải công bố thông tin. Tuy nhiên, giả sử đối tác Nhật vẫn đang nắm 4,27% vốn Eximbank, thì với giá trị hiện tại của cổ phiếu EIB là 19.000 đồng/cổ phiếu, ước tính giá trị số cổ phiếu EIB còn lại mà SMBC nắm giữ là khoảng 997 tỷ đồng, tương đương khoảng hơn 42 triệu USD.

Tựu chung lại, tạm bỏ qua cổ tức được nhận (từ năm 2008 đến 2014), SMBC lỗ gần 40 triệu USD với thương vụ tại Eximbank.

Trong khi đó, SMBC đã trở thành nhà đầu tư chiến lược của Tập đoàn Bảo Việt vào năm 2013 khi mua lại 18% cổ phần tại Bảo Việt từ HSBC với giá trị 7.098 tỷ đồng (tương đương 340 triệu USD tại thời điểm đó).

Cuối năm 2019, SMBC chi thêm 4.012 tỷ đồng (tương đương 173 triệu USD) để mua thêm hơn 41,4 triệu cổ phần BVH, nâng tỷ lệ nắm giữ của ngân hàng Nhật Bản này tại Bảo Việt lên 22,09%. Khi đó, giá bình quân mỗi cổ phiếu BVH mà SMBC mua vào lên tới 96.817 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, cổ phiếu này sau đó liên tục giảm mạnh.

Với mức giá hiện tại quanh 48.500 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị số cổ phiếu mà đại gia Nhật nắm giữa tại Bảo Việt chỉ còn trị giá khoảng 7.951 tỷ đồng, chỉ tương đương gần 72% số vốn chi ra ban đầu.

Với thương vụ FE Credit, tình hình cũng không mấy khả quan kể từ khi SMCB chi gần 1,4 tỷ USD để mua 49% cổ phần tại đây. Tình hình doanh nghiệp này liên tục đi xuống trong vài năm gần đây trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới phân khúc tiêu dùng cá nhân.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty chứng khoán VCBS cho biết, năm 2022, FE Credit ghi nhận khoản lỗ lên tới 3.121 tỷ đồng dù trước đó vẫn được coi là “gà đẻ trứng vàng” cho VPBank.

Việc số dư cho vay của FE Credit mở rộng quá nhanh trong giai đoạn trước đây và tập trung vào sản phẩm cho vay tiền mặt khiến mức độ rủi ro danh mục của FE cao hơn trung bình ngành. Đây là lý do khiến FE Credit chịu ảnh hưởng nặng nề hơn từ nợ xấu và cần nhiều thời gian để hồi phục so với các công ty tài chính khác.

Quay trở lại với thương vụ mới nhất của đại gia Nhật Bản, sau khi được rót vốn, vốn chủ sở hữu của VPBank sẽ tăng mạnh từ 103,5 nghìn tỷ đồng lên xấp xỉ 140 nghìn tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 trong hệ thống.

Theo đánh giá của giới phân tích, việc nhận được nguồn vốn lớn từ SMBC sẽ là một lợi thế lớn, giúp VPBank có thể mở rộng đầu tư vào các sản phẩm và năng lực mới, như VPBank Securities ở mảng chứng khoán hay OPES ở mảng Bảo hiểm phi nhân thọ.

Đồng thời, tỷ lệ CAR cao hơn cũng giúp ngân hàng có khả năng nhận được room tín dụng ở mức cao từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong 2023, từ đó, tăng nguồn thu từ tín dụng.

Còn đối với SMBC, thông qua một ngân hàng bản địa như VPBank, tập đoàn này cũng có thể tăng cường sự hiện diện và mở ra cơ hội cung cấp vốn cho các dự án đầu tư lớn trong nước, đặc biệt ở những lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án kinh doanh tăng trưởng xanh, thân thiện môi trường, phát triển bền vững mà tập đoàn đang có sự quan tâm.

Đó là những “kỳ vọng lớn” của cả hai bên sau thương vụ hợp tác lịch sử, còn thực tế sẽ ra sao, chỉ thời gian mới có câu trả lời.

Theo: nhipsongthoidai.com.vn copy https://nhipsongthoidai.com.vn/rot-gan-36-nghin-ty-vao-vpbank-van-den-cua-smbc-co-het-2033.htm

Tin liên quan