Chỉ đạo được Thủ tướng đưa ra tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 4/2/2025 đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Theo đó, cùng với nhiệm vụ trên, lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án bất động sản, nhà ở xã hội, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai hiệu quả gói tín dụng 145 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội. Phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy nhà ở xã hội và thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh trước ngày 15 tháng 02 năm 2025.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động xác định giá đất, ban hành bảng giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, đấu giá quyền sử dụng đất; kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền, nhất là hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.
Sớm hoàn thiện, đưa vào vận hành hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai tập trung, thống nhất, đa mục tiêu, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đất đai ở các đô thị, nâng cao các chỉ số: "Tiếp cận đất đai", "Đăng ký đất đai" và "Chất lượng quản lý hành chính đất đai"…
Liên quan đến việc này, trao đổi với báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ (Tổ công tác) được thành lập theo Quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 17/11/2022 tập trung rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại thành phố Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh, thành phố. Cho đến nay Tổ công tác đã có nhiều hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án theo thẩm quyền.
Với sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành và chính quyền các địa phương thông qua việc triển khai thực hiện hàng loạt các nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhất là các khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế, nguồn vốn và trái phiếu…, tạo được sự đồng tình, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp.
Nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế đã được tháo gỡ thông qua việc ban hành mới cũng như sửa đổi, bổ sung nhiều luật, nghị định, thông tư trong nhiều lĩnh vực liên quan đến bất động sản.
Qua đó, tình hình thị trường bất động sản, triển khai thực hiện dự án bất động sản đã có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, trong năm 2024, cả nước có 59 dự án nhà ở thương mại hoàn thành xây dựng với quy mô khoảng 16.720 căn (bằng khoảng 101,72 % so với năm 2023); 28 dự án nhà ở xã hội hoàn thành xây dựng với quy mô vào khoảng 20.284 căn (bằng khoảng 146% so với năm 2023).
Đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất (phân lô): Cả nước có 67 dự án hoàn thành xây dựng với quy mô khoảng 6.667 lô, nền (bằng khoảng 72,04% so với năm 2023).
Về lượng giao dịch, Bộ Xây dựng cho biết, tổng lượng giao dịch chung cư và nhà ở riêng lẻ trong năm 2024 vào khoảng 137.386 căn (bằng 102,2% so với năm 2023). Tổng lượng giao dịch đất nền trong năm 2024 vào khoảng 446.899 lô/nền (bằng 138,1% so với năm 2023).
“Lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ thành công trong năm 2024 tăng cao nhất vào thời điểm quý III và thấp nhất vào thời điểm quý II; lượng giao dịch đất nền thành công trong năm 2024 thấp nhất vào quý I, các quý: II, III và IV có sự chênh lệch không đáng kể”, Bộ Xây dựng cho biết./.