Chủ tịch UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định về việc thành lập thành lập Tổ công tác triển khai dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, gồm 15 thành viên do ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tài chính, làm Tổ trưởng.

Nhiệm vụ của Tổ công tác là căn cứ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan đơn vị, thực hiện hoặc tham mưu UBND Thành phố hoàn thiện các thông tin, điều kiện để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo quy định.

Tham mưu UBND Thành phố triển khai thực hiện quy trình lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định.

Theo dõi, đôn đốc tiến độ giải quyết các nội dung công việc có liên quan tại các sở, ngành, UBND huyện Cần Giờ; tổng hợp báo cáo UBND Thành phố về tiến độ thực hiện và các khó khăn, vướng mắc liên quan đến quá trình giải quyết thủ tục đầu tư, xây dựng dự án…

67ff28b3a37ea.jpg
Phối cảnh dự án. (Ảnh minh họa)

Liên quan đến dự án này, trước đó, ngày 27/3 vừa qua, UBND TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi Chính phủ về đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm b, khoản 9, Điều 7 Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Theo UBND TP.HCM, điểm b, khoản 9, Điều 7 Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội quy định: Phải giải ngân vốn đầu tư trong thời hạn 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong thời gian này, nhà đầu tư chiến lược không được chuyển nhượng dự án.

Theo UBND TPH.CM, dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ do liên danh giữa Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn và Terminal Investment Limited Holding S.A (công ty thành viên của hãng tàu lớn nhất thế giới MSC) đề xuất đầu tư.

Nhà đầu tư đề xuất dự án có tổng mức đầu tư hơn 113.500 tỷ đồng (tương đương 4,8 tỷ USD), phân kỳ đầu tư thành 7 giai đoạn với thời gian thực hiện trong 22 năm.

Dự án dự kiến tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng, khai thác cảng giai đoạn trước năm 2030 từ 2-4 khu bến (dự kiến kinh phí khoảng 38.500 tỷ đồng), giai đoạn sau (từ năm 2030 đến năm 2045) sẽ tiếp tục nghiên cứu đầu tư hoàn thành theo quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt (từ 13-15 khu bến, dự kiến kinh phí khoảng 89.500 tỷ đồng).

Việc đề nghị nhà đầu tư hoàn tất đầu tư toàn bộ bến cảng và đẩy nhanh tốc độ giải ngân trong vòng 5 năm có nguy cơ phá vỡ phương án tài chính của dự án, không phù hợp với nhu cầu, khả năng hấp thụ của thị trường, phá vỡ quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, và ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của các cảng lân cận đã được tính toán theo quy hoạch được duyệt.

Để có thể kêu gọi được nhà đầu tư chiến lược đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm đầu tư dự án, UBND TP.HCM báo cáo, kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh điểm b, khoản 9, Điều 7, Nghị quyết số 98 của Quốc hội như sau:

“Phải giải ngân vốn đầu tư (tối thiểu bằng số vốn quy định tại khoản 1 điều này) trong thời hạn 10 năm kể từ ngày bàn giao đất, mặt nước trên thực địa. Trong thời gian này, nhà đầu tư chiến lược không được chuyển nhượng dự án".

Theo quyết định được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ thực hiện ở cù lao Con Chó, huyện Cần Giờ (TP.HCM).

Dự án có quy mô 571 ha đất, tổng kinh phí đầu tư theo đề xuất không thấp hơn 50.000 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày có quyết định chủ trương đầu tư.

Khi đi vào hoạt động, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ bổ sung năng lực cho hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải, đưa khu vực này trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế hàng đầu thế giới.

Dự án dự kiến tạo ra việc làm cho 6.000-8.000 lao động trực tiếp tại cảng, cùng hàng chục nghìn lao động trong các lĩnh vực dịch vụ hậu cần, logistics và các ngành nghề liên quan./.