Trước đó, cổ phiếu VAB được đưa lên giao dịch trên UPCoM từ ngày 20/7/2021 với giá khởi điểm 13.500 đồng/cổ phiếu. Tính đến ngày 27/6/2025, thị giá VAB đã tăng lên 15.200 đồng/cổ phiếu, ghi nhận mức tăng 63% so với đầu năm, tương ứng vốn hóa thị trường đạt khoảng 8.150 tỷ đồng.

Chỉ hai ngày trước khi được chấp thuận chuyển sàn, VietABank cũng đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.764 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Với tỷ lệ phát hành 51,19%, nếu kế hoạch này được triển khai thành công, vốn điều lệ của VietABank sẽ tăng từ gần 5.400 tỷ đồng lên hơn 8.164 tỷ đồng.
Theo thông tin từ ngân hàng, nguồn vốn tăng thêm sẽ được sử dụng để nâng cao năng lực tài chính, mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư vào hạ tầng công nghệ và củng cố các chỉ số an toàn vốn theo định hướng phát triển bền vững.
Việc niêm yết trên HoSE đưa VietABank trở thành ngân hàng thứ 19 có cổ phiếu giao dịch trên sàn này, sau Nam A Bank (NAB) – ngân hàng mới rời UPCoM gần đây. Nhiều ngân hàng khác như KienlongBank, BVBank, VietBank và Saigonbank cũng đang khẩn trương hoàn tất thủ tục chuyển sàn trong năm nay.
Về kết quả kinh doanh, trong quý I/2025, VietABank ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 292,9 tỷ đồng, tăng 44,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng tài sản tính đến ngày 31/3/2025 đạt 129.046 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ; dư nợ cho vay khách hàng đạt 84.910 tỷ đồng, tăng 6,3%.
Đặc biệt, chất lượng tài sản của ngân hàng tiếp tục được cải thiện rõ rệt. Tổng dư nợ xấu nội bảng giảm mạnh 50,8% so với đầu năm, còn 536 tỷ đồng – một trong những tín hiệu tích cực cho thấy hiệu quả trong công tác kiểm soát rủi ro và xử lý nợ xấu của VietABank trong giai đoạn vừa qua./.