Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã: VCG) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, dự kiến tổ chức ngày 24/4 này.
Theo tờ trình, năm 2024 Vinaconex lên kế hoạch tổng doanh thu và thu nhập 15.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 950 tỷ; tăng lần lượt 15% và 140% so với thực hiện 2023; trong đó, kế hoạch tổng doanh thu và thu nhập công ty mẹ là 10.500 tỷ, lãi sau thuế 860 tỷ; tăng 20% và 291% so với cùng kỳ.
Về phương án phân phối lợi nhuận, Vinaconex đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 12% bằng nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Ngoài ra, doanh nghiệp dự định phát hành hơn 64 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100:12.
Đồng thời, dự kiến trình ĐHĐCĐ phương án chào bán tối đa 119,7 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương 20% số cổ phiếu đang lưu hành. Tỷ lệ thực hiện quyền là 5:1, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phần sẽ được hưởng 1 quyền mua và cổ đông sở hữu 5 quyền mua sẽ được mua 1 cổ phiếu.
Giá chào bán là 10.500 đồng/cp, thấp hơn 57% giá cổ phiếu VCG chốt phiên 5/4 (24.800 đồng/cp).
Số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán là 1.197 tỷ sẽ được sử dụng để thanh toán các khoản nợ đến hạn, bao gồm nợ ngân hàng, các tổ chức tín dụng, nhà thầu, nhà cung cấp đến hạn trả trong năm 2024 và năm 2025.
Thời gian phát hành dự kiến là trong 2024-2025 sau khi có sự chấp thuận của UBCKNN. Cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu không bị hạn chế chuyển nhượng.
Dự kiến, sau các đợt phát hành cổ phiếu trên, vốn điều lệ của Vinaconex sẽ tăng từ 5.345 tỷ lên 7.183 tỷ đồng.
Ảnh minh họa
Đáng chú ý, bối cảnh Vinaconex lên kế hoạch phát hành lượng lớn cổ phiếu với mục đích trả nợ diễn ra sau khi hoạt động kinh doanh trong năm 2023 kém sắc và năm 2024 được dự báo sẽ thu không đáng kể từ bất động sản.
Trước đó, như chúng tôi đã đưa tin, mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset đã phát hành báo cáo về Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam với đầu đề: "Lợi nhuận suy giảm”.
Tại báo cáo trên, Mirae Asset đưa ra số liệu cho biết, trong năm 2023, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ giảm đáng kể, xuống còn 378 tỷ đồng từ mức 783 tỷ đồng (-52% YoY). Nếu không có khoản 431 tỷ đồng trích lập dự phòng, lợi nhuận có thể sẽ kém khả quan hơn nhiều.
Theo báo cáo, trong năm 2023, phân khúc xây dựng vẫn là động lực tăng trưởng chính của công ty, chiếm 74% doanh thu. Tuy nhiên, năm qua cũng là năm chứng kiến tỷ suất lợi nhuận gộp âm lần đầu tiên ở mảng xây dựng khi giảm xuống -3,8% từ mức 2,7% của năm ngoái.
Với phân khúc bất động sản, ngược lại với năm trước đó, mảng bất động sản ghi nhận sự tăng trưởng cả về doanh thu và tỷ suất lợi nhuận gộp, với doanh thu đạt 2.315 tỷ đồng (+992% YoY) và lợi nhuận gộp đạt 493 tỷ đồng (+1.108% YoY).
Theo Mirae Asset, doanh thu có thể đến từ việc bàn giao dự án Green Diamond và 99 biệt thự ở Cát Bà Amatina, mặc dù công ty không tiết lộ chi tiết về việc ghi nhận doanh thu…
“Hiện tại, phân khúc này hầu như không có nguồn thu nhập do việc phát triển các dự án tiềm năng còn chậm chạp và thông tin còn hạn chế. Chúng tôi không kỳ vọng sẽ có thu nhập đáng kể từ phân khúc bất động sản trong năm 2024”, Mirae Asset nhận định.
Vinaconex hiện là một trong những doanh nghiệp lớn trong ngành xây dựng và bất động sản. Doanh nghiệp này hiện là chủ đầu tư nhiều dự án nhà ở lớn trên địa bàn Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Đồng thời là chủ đầu tư dự án Cụm công nghiệp Sơn Đông (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) với quy mô 72,5 ha; khu công nghệ cao Hòa Lạc 2 (Hà Nội) với quy mô 270,8 ha…
Vinaconex cũng là nhà thầu trong nước duy nhất góp mặt trong 3/4 liên danh trúng thầu tại các gói thầu có giá trị lớn là 5.10, 4.6 và 3.4 của dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư hơn 42.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng đang phải trải qua nhiều khó khăn do không có dự án thì mới đây UBND Hà Nội đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án khu công nghiệp 6.300 tỷ đồng ở Đông Anh cho Vinaconex. Điều này sẽ tạo đà cho doanh nghiệp này bứt tốc trở lại trong thời gian tới./.