Thông tin được Bộ Xây dựng nêu trong báo cáo gửi kèm tới Chính phủ về việc chuẩn bị tổ chức Hội nghị thúc đẩy nhà ở xã hội và thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững dự kiến sẽ diễn ra trong nửa đầu tháng 2 này.
Tại báo cáo trên, đề cập đến kết quả “gỡ vướng” các dự án bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đôn đốc, hướng dẫn của Tổ công tác, các bộ, ngành; các địa phương đã rà soát, phân loại khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản và đang chủ động tháo gỡ.
Qua tổng hợp báo cáo của 56/63 tỉnh, thành phố cả nước hiện có khoảng 788 dự án bất động sản, gồm 43 dự án nhà ở xã hội; 595 dự án nhà ở thương mại và khu đô thị; 150 dự án bất động sản khác có khó khăn, vướng mắc; trong đó, đã giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc được 136 dự án, gồm: 16 dự án nhà ở xã hội; 104 dự án nhà ở thương mại và khu đô thị; 16 dự án bất động sản khác.
![67a57109e8a65.jpg](https://media.kinhdoanhvaphattrien.vn/files/xuan.tung/2025/02/07/67a57109e8a65.jpg)
Cụ thể, có 43/136 dự án bất động sản đã được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đất đai (bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, tính tiền sử dụng đất...) chiếm 31,6 %.
Có 42/136 dự án bất động sản đã được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư (chấp thuận chủ trương đầu tư; điều chỉnh chủ trương đầu tư; gia hạn tiến độ đầu tư...) chiếm 30,9%.
Có 27/136 dự án bất động sản đã được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực quy hoạch (thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch...) chiếm 19,9%.
Có 7/136 dự án bất động sản đã được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực xây dựng (đấu nối hạ tầng khu vực; chưa được cấp GPXD, thiếu vật liệu san lấp mặt bằng...) chiếm 5,1%.
Có 3/136 dự án bất động sản đã được tháo gỡ trong thực hiện kết luận thanh tra đối với dự án, chiếm 2,2%.
Có 13/136 dự án bất động sản đã được tháo gỡ khó khăn vướng mắc về nguồn vốn thực hiện dự án (tiếp cận nguồn vốn tín dụng, áp lực trả nợ, lãi suất...) chiếm 9,6%.
Có 1/136 dự án được tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc khác (lĩnh vực đấu thầu) chiếm 0,7%.
Hiện nay, Tổ công tác và các bộ, ngành đang tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản.
Theo Bộ Xây dựng, trong năm 2024, nhiều địa phương đã tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng... hỗ trợ tạo nguồn cung bất động sản trên địa bàn cả nước.
Cụ thể, năm qua cả nước có 59 dự án nhà ở thương mại hoàn thành xây dựng với quy mô khoảng 16.720 căn (bằng khoảng 101,72 % so với năm 2023); 28 dự án nhà ở xã hội hoàn thành xây dựng với quy mô vào khoảng 20.284 căn (bằng khoảng 146% so với năm 2023) và 67 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất (phân lô) hoàn thành xây dựng với quy mô khoảng 6.667 lô, nền (bằng khoảng 72,04% so với năm 2023).
“Nhìn chung, các khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản đã từng bước được tháo gỡ, nguồn cung bất động sản đã dần được cải thiện theo từng quý, quý sau cao hơn quý trước”, Bộ Xây dựng cho biết.
Liên quan đến việc này, mới đây, tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 4/2/2025 đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án bất động sản, nhà ở xã hội, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai hiệu quả gói tín dụng 145 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội. Phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy nhà ở xã hội và thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh trước ngày 15 tháng 02 năm 2025…/.