Phát biểu góp ý tại buổi thảo luận tại tổ Hà Nội về Luật Đất đai, đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho rằng, Luật Đất đai năm 2013 đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập cần phải sửa đổi, thực tế trong thời gian có 90% giải quyết khiếu nại hành chính liên quan đến đất đai, 50% tranh chấp dân sự liên quan đến đất đai, một phần nguyên nhân là do Luật không còn phù hợp từ cơ chế về giá và cơ chế quản lý.

Về cơ chế giá, quy định hiện nay còn nhiều vấn đề bất cập, chồng chéo như: Quy định bồi thường quá thấp không phù hợp với thực tiễn, chênh lệch giữa giá kinh doanh dự án và giá đền bù quá thấp, chênh lệch giá giữa khu vực thành trị và nông thôn cũng khoảng cách xa,… từ đó, dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện của người dân kéo dài.

Về cơ chế quản lý, theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính, việc cấp và thu hồi sổ đỏ còn bất cập. Chẳng hạn có trường hợp đất cạnh nhau nhưng một nhà được cấp sổ đỏ, một nhà không được cấp, hoặc nơi không có đất ở, canh tác nhưng có nơi lại bỏ hoang,… điều này dẫn tới những bức xúc trong người dân.

Góp ý về dự án Luật, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, trước đây, khung giá đất được áp đặt hành chính nhưng theo dự thảo Luật mới thì cơ chế giá sẽ phù hợp với giá trị thị trường. Đó là tiến bộ và nếu thực hiện được như trong dự thảo Luật sẽ xóa bỏ được bất cập về giá đất hiện nay.

Cho biết hiện có 2 phương thức thu hồi gồm Nhà nước đứng ra quyết định thu hồi và doanh nghiệp, người dân cùng thỏa thuận, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, cần tính toán kỹ về phương thức doanh nghiệp, người dân cùng thỏa thuận bởi sẽ phát sinh các tình huống ngoài sự quản lý của nhà nước.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đề nghị Luật cần có thêm một điều về thuế, gồm: thuế điều tiết giá trị gia tăng, thuế điều tiết đầu cơ, ôm đất và thuế trong điều tiết hành vi như để đất mà không sử dụng,…

1_20221103161446.jpg Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) phát biểu tại buổi thảo luận tổ sáng 3/11.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh thì đề cập đến đất không gian ngầm và khoảng không và cho rằng, cần thiết phải lập quy hoạch về đất không gian ngầm để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này, đồng thời, phù hợp với thực tiễn phát triển của đô thị hiện nay.

Về hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân, Điều 181 dự thảo đã nâng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân từ 10 lần lên không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp đồng thời giao Hội đồng nhân dân tỉnh trên cơ sở điều kiện kinh tế, xã hội, môi trường và khả năng đất đai để quy định hạn mức cho phù hợp.

Thảo luận tại Tổ 14, có ý kiến cho rằng, đây là quy định khá linh hoạt tuy vậy cũng cần xem xét vì nếu quy định như dự thảo vẫn sẽ gây khó khăn cho vấn đề tích tụ đất trong sản xuất nông nghiệp, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường giai đoạn hiện nay và chưa tạo được cơ chế đủ mạnh thu hút nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp. Đại biểu đề nghị cần mở rộng thêm hạn mức này lên 20 đến 25 lần hạn mức giao đất nông nghiệp nhằm thu hút các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 18 đề ra.

Tại Tổ 5, phát biểu ý kiến về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, cần xem xét lại nội dung “quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thể hiện đến từng thửa đất.

Liên quan đến tài chính đất đai, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) nêu rõ, trong dự thảo luật chủ yếu quy định các khoản thu, các khoản hình thành từ quỹ đất, nguồn đất, còn các khoản chi phân bổ thì chưa quy định rõ. Đại biểu cho rằng, điều tiết nguồn thu từ đất đai cũng phải dựa trên nguyên tắc các khoản chi nào, điều tiết nào được phân bổ, không thể giao khoán toàn bộ khoản điều tiết này theo văn bản khác mà trong đó luật thì không nói rõ. Do đó cần phải quy định về nguyên tắc và các khoản thu chi này để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng trong luật.

Xuân Hưng