Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: đây dự án luật quan trọng, hệ trọng, cần đặt sự ưu tiên chất lượng lên hàng đầu. |
Phát biểu tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá cao Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã giúp UBTVQH tiếp thu, giải trình và báo cáo các nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng thời bày tỏ đồng tình các phương án như Chủ tịch Quốc hội đã phân tích và Ủy ban Kinh tế phân tích.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự án luật này nhận được sự quan tâm của rất nhiều ĐBQH. Tại Kỳ họp thứ 6 thảo luận tại hội trường, có 49 đại biểu phát biểu, 16 đại biểu tranh luận và 72 đại biểu đăng ký nhưng chưa có thời gian phát biểu. Điều này chứng tỏ dự thảo Luật còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Và theo đề xuất của Ủy ban Kinh tế là chưa thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 6.
Tổng Thư ký Quốc hội nhận thấy, việc chưa thông qua tại Kỳ họp này nhằm tiến hành thận trọng, thực hiện theo Kết luận 19 của Bộ Chính trị.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường |
Kết luận 19 của Bộ Chính trị nêu rõ, việc xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đạt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng. Trên cơ sở báo cáo cơ quan có thẩm quyền, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường tán thành việc điều chỉnh thời gian trình Quốc hội thông qua Luật này từ Kỳ họp thứ 6 sang kỳ họp tiếp theo để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến các ĐBQH hoàn chỉnh một cách chắc chắn, thận trọng dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Liên quan đến vấn đề về quy trình, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, vấn đề này sẽ được cho ý kiến thống nhất tại Kỳ họp tới. Theo đó, UBTVQH xem xét, điều chỉnh thời gian thông qua Luật này. Trong báo cáo của Ủy ban Kinh tế đề nghị hoàn thiện báo cáo dự thảo Luật để tiếp tục cho ý kiến tại Kỳ họp tiếp theo.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị Ủy ban Kinh tế chủ trì phối hợp với cơ quan chuẩn bị dự thảo báo cáo UBTVQH về việc điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật và các tài liệu hoàn thiện để gửi kèm theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của UBTVQH để trình Quốc hội, cần có thêm Báo cáo tổng hợp ý kiến của ĐBQH tại Kỳ họp thứ 6.
“Dự thảo Luật đã dự kiến chỉnh lý một số nội dung theo Kết luận của UBTVQH hôm nay. Thống nhất nếu nội dung nào Chính phủ có ý kiến khác thì Chính phủ phải có báo cáo giải trình, thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ.
Về quy trình, cách làm, để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Luật khi được Quốc hội điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật sang Kỳ họp tiếp theo, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, hiện nay Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không quy định quy trình xem xét, thông qua dự án Luật tại 4 kỳ họp, mà chỉ có quy trình tại 1 kỳ họp, 2 kỳ họp, 3 kỳ họp. Tuy nhiên, khoản 6 Điều 76 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: Trong trường hợp dự án Luật chưa được thông qua hoặc mới được thông qua một phần thì Quốc hội xem xét, quyết định theo đề nghị của UBTVQH.
Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị trong báo cáo của UBTVQH trình Quốc hội sắp tới cần báo cáo rõ quy trình tiếp theo đối với dự án Luật này để có căn cứ thống nhất cho các cơ quan thực hiện.
Cụ thể, trong thời gian giữa Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp tiếp theo, UBTVQH chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo quy định tại Khoản 2 Điều 75 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tại Kỳ họp tiếp theo, trình tự xem xét, thông qua dự thảo Luật được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 75 Luật Ban Hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị lưu ý thực hiện đúng quy định tại điểm b khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 75, khoản 4 và khoản 5 Điều 76 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về việc cơ quan trình dự án Luật có ý kiến bằng văn bản về những nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, trong đó nêu rõ những vấn đề còn ý kiến khác với dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và đề xuất phương án để báo cáo UBTVQH.
Tổng Thư ký Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Kinh tế tiếp tục phát huy vai trò chủ trì, chỉnh lý, tổ chức công việc một cách khoa học, phối hợp hiệu quả với các cơ quan, tập trung trí tuệ, có quan điểm, chính kiến rõ ràng, dứt khoát về các vấn đề còn ý kiến khác nhau để báo cáo UBTVQH xem xét, chú trọng rà soát tổng thể dự án Luật để đảm bảo tính thống nhất trong dự án Luật này và với các luật có liên quan.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm của Ủy ban Kinh tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp hiệu quả trong việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý những vấn đề đại biểu nêu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, đối với các nội dung đã được trình xin ý kiến các cơ quan chức năng có thẩm quyền đã đạt được tinh thần đồng thuận, thống nhất cao, cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất như báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý đã nêu; đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra rà soát, biên tập hoàn thiện dự thảo.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất đối với 6 nội dung đã tiếp thu gọn lại còn 01 phương án. Đối với những nội dung có hai phương án, trong đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn phương án 1 như trong báo cáo giải trình do Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất. Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lập luận kỹ hơn, xin ý kiến Chính phủ bằng văn bản, sau khi có ý kiến đồng thuận của Chính phủ sẽ trình một phương án để trình Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, thảo luận.
Đối với 5 nội dung: (1) Về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài; (2) Về bổ sung quy định dự phòng, Quốc hội sửa đổi, bổ sung các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo trình tự, thủ tục rút gọn; (3) Về điều kiện về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng liên quan; (4) Về các trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần và hằng năm; (5) Về các loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, Chủ tịch Quốc hội cho biết vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn từ phía cơ quan thẩm tra.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu làm rõ. Những nội dung này có thể nghiên cứu thiết kế thành 2 phương án nhưng nêu rõ từng phương án như thế nào.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu cơ quan thẩm tra tiếp tục tiếp thu nghiêm túc, giải trình đầy đủ các ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan để hoàn thiện dự thảo luật, trong đó có ý kiến góp ý của Ban Kinh tế Trung ương về việc khắc phục tình trạng đất lãng phí, đất suy thoái, về những hành vi bị nghiêm cấm, quyền chung của người sử dụng đất, điều tra đánh giá đất đai, bảo vệ cải tạo phục hồi đất…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật quan trọng, hệ trọng nên cần đặt sự ưu tiên chất lượng lên hàng đầu; Ủy ban Kinh tế hoàn thiện báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật; Ủy ban Kinh tế tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến Chính phủ đối với những nội dung đã được thảo luận tại Phiên họp này.
Xuân Hưng