Ảnh minh hoạ.
NLG huy động 500 tỷ đồng trái phiếu, lãi suất gần 13%
Cuối tuần trước, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (Công ty Nam Long) nhận được sự quan tâm lớn từ thị trường chứng khoán khi công bố phát hành trái phiếu 500 tỷ đồng cho Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC).
Đáng chú ý chính là kỳ hạn tới 7 năm và lãi suất của lô trái phiếu này rất cao, lên đến gần 13%/năm.
Nam Long là công ty bất động sản duy nhất phát hành trái phiếu trong gần hai tháng trở lại đây. Doanh nghiệp dự kiến giải ngân ngay vào giai đoạn hai dự án Waterpoint (Long An) bằng hình thức góp vốn vào công ty con Nam Long VCD.
Đáng lưu ý, Nam Long huy động được 500 tỷ đồng trái phiếu trong bối cảnh thị trường trái phiếu đang “siết” với ngành bất động sản.
Tại ngày 30/9/2022, Tiền và các khoản tương đương tiền, Đầu tư tài chính ngắn hạn và Phải thu ngắn hạn của công ty lần lượt đạt 3.902 tỷ đồng, 276 tỷ đồng và 2.556 tỷ đồng. Trong khi đó, Nợ ngắn hạn lên tới 8.196 tỷ đồng.
Tỷ lệ thanh toán nhanh (khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn dựa trên các tài sản ngắn hạn có thể nhanh chóng chuyển đổi thành tiền - PV) của Nam Long là 0,89. Theo lý thuyết kế toán, tỷ lệ này nhỏ hơn 1 thể hiện khả năng công ty với các tài sản ngắn hạn không tính đến hàng tồn kho, không đủ để thanh toán cho các khoản nợ ngắn hạn. Công ty sẽ cần phải xem xét đến khả năng, có thể sẽ phải bán hàng tồn kho để có dòng tiền để trả cho các khoản nợ đến hạn.
Đi vay lãi suất 13%, cho vay lãi suất… 6%
Như đã nêu trên, Nam Long vừa phát hành lô trái phiếu 500 tỷ đồng với lãi suất gần 13%/năm. Trước đó, công ty đã có một số khoản vay với lãi suất khá cao.
Nam Long vay 212 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) để tài trợ đầu tư dự án Pragon với lãi suất từ 8,75%/năm tới 10,2%/năm. Tài sản đảm bảo là Quyền sử dụng đất và các tài sản trên đất tại đảo Đại Phước, Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Để tài trợ đầu tư phát triển dự án Izumi, Nam Long đã phải cầm cố “Quyền sử dụng đất thuộc dự án Izumi và khoản phải thu phát sinh trong tương lai từ Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc dự án” để nhận khoản vay trị giá hơn 649 tỷ đồng, lãi suất 9,4%-9,6%/năm tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).
Công ty cũng phải trả lãi suất 10,5%/năm cho đợt phát hành trái phiếu do Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh TP.HCM thu xếp. Tổng trị giá của đợt phát hành đạt 450 tỷ đồng.
Dù phải vay một số khoản với lãi suất khá cao nhưng Nam Long lại “rộng tay” cho nhiều cá nhân vay với lãi suất chỉ từ 6%/năm.
Cụ thể, tại ngày 30/9/2022, Nam Long ghi nhận gần 116 tỷ đồng Phải thu về cho vay ngắn hạn, so với con số 88,8 tỷ đồng hồi cuối năm 2021.
Nam Long cho ông Trần Thanh Phong vay 2 khoản với tổng trị giá gần 8,3 tỷ đồng, lãi suất 6%/năm; cho ông Cao Tấn Thạch vay 4 khoản, tổng trị giá 34 tỷ đồng với lãi suất 6%/năm và 9%/năm. Bà Vũ Bích Lan có 2 khoản vay trị giá 49,5 tỷ đồng, lãi suất 6%/năm; ông Nguyễn Thành Đồng cũng có 2 khoản vay trị giá gần 23,3 tỷ đồng, lãi suất 6%/năm tại Nam Long.
Đáng lưu ý, 2 cá nhân Cao Tấn Thạch và Trần Thanh Phong có thông tin cá nhân trùng với 2 lãnh đạo HĐQT của Nam Long. Bốn cá nhân kể trên thường xuyên được NLG cho vay lãi suất thấp trong nhiều năm qua.
Vì cách sử dụng dòng tiền như vậy nên trong 9 tháng đầu năm 2022, Nam Long ghi nhận 74,8 tỷ đồng lãi tiền gửi ngân hàng và lãi cho vay nhưng chi phí lãi vay trái phiếu và ngân hàng lại cao hơn rất nhiều, lên đến 120 tỷ đồng, chiếm tới 93% tổng chi phí tài chính.
Hàng tồn kho tồn đọng
Dòng tiền của Nam Long đang gặp khó. Một trong số đó đến từ hàng tồn kho.
Tại ngày 30/9/2022, chỉ tiêu Hàng tồn kho của Nam Long lên đến 16.105 tỷ đồng, tăng 615 tỷ đồng, tương đương 4% so với cuối năm 2021 nhưng tăng tới 11.807 tỷ đồng, tương đương 275% so với cuối năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 nổ ra.
Cụ thể, chỉ số hàng tồn kho của Nam Long ở thời điểm cuối các năm từ 2018 đến 2021 lần lượt là 3.261 tỷ đồng (năm 2018), 4.298 tỷ đồng (năm 2019), 6.069 tỷ đồng (năm 2020) và 15.490 tỷ đồng (năm 2021).
Có thể thấy, hàng tồn kho của Nam Long tăng rất mạnh giữa thời kỳ Covid-19. Đó cũng là khoảng thời gian chi phí vật liệu xây dựng tăng cao khiến giá thành hàng tồn kho trở nên cao hơn, gây áp lực cho lợi nhuận.
Đây có thể là lý do mà mới đây Nam Long điều chỉnh kế hoạch doanh số hợp đồng từ 23.300 tỷ đồng xuống còn 12.300 tỷ đồng trong năm nay, tương đương giảm 47% so với kế hoạch.
Ban lãnh đạo công ty cho rằng vì hoàn thiện khung pháp lý chậm hơn dự kiến và sự thiếu hỗ trợ các khoản cho vay mua nhà, đặc biệt là các dự án Nam Long Cần Thơ (80 ha), Izumi City đã làm giảm mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp.
P.V