Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư ) vừa công bố, tính đến hết năm 2024, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 về thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài với 6,31 tỷ USD (tăng 1,64 tỷ USD so với năm 2023) và chiếm 16,5% trong tổng số 38,23 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam.

Đáng chú ý, bối cảnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào bất động sản Việt Nam tăng mạnh khi thị trường trong năm được đánh giá đã “vượt khó” thành công và có nhiều chuyển biến hồi phục tích cực.

Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) công bố mới đây cho thấy, tại thời điểm cuối năm 2024, thị trường BĐS ghi nhận khoảng 56.000 sản phẩm chào bán trên thị trường sơ cấp, tương đương với thời điểm cuối năm 2023 do nhiều dự án “giải phóng” được lượng lớn hàng tồn trong bối cảnh thị trường phục hồi. Tính chung năm 2024, thị trường ghi nhận khoảng 81.000 sản phẩm chào bán, tăng hơn 40% so với năm 2023.

Lượng giao dịch trong năm 2024 cũng tiếp tục tăng trưởng ổn định khi nguồn cung được cải thiện cả về lượng và chất. Nhu cầu mua BĐS, bao gồm để ở và đầu tư cao và đang không ngừng tăng cùng tốc độ đô thị hóa, quá trình phát triển kinh tế trên nền tảng hành lang pháp lý được hoàn thiện.

67791f6303d6a.jpg
Ảnh minh họa

Trong năm, thị trường ghi nhận hơn 47.000 giao dịch thành công, tương đương tỷ lệ hấp thụ đạt 72%, với hơn 50% lượng giao dịch sơ cấp được đóng góp bởi nhu cầu đầu tư.

Về giá bán, báo cáo của VARS cho biết, giá bán nhà ở phục hồi và tăng liên tục từ đầu năm do nguồn cung tăng trưởng mạnh theo năm, nhưng vẫn thiếu và yếu so với nguồn cầu. Do các dự án mới tiếp tục được hoàn thiện ở mức tiêu chuẩn cao với chi phí đầu tư tăng cao, nhất là phân khúc căn hộ chung cư tại các thành phố lớn.

Nghiên cứu về chỉ số giá căn hộ phản ánh mức biến động giá bán bình quân của các dự án trong tập mẫu 150 dự án được VARS chọn lọc và quan sát cho thấy, đến cuối năm 2024, giá bán trung bình của cụm mẫu dự án ở TP Hà Nội đã tăng 72,4% so với quý II/2019. Theo sau là Đà Nẵng với mức tăng so với kỳ gốc đạt 49,9%, trong khi TP Hồ Chí Minh chứng kiến mức tăng chậm hơn, khoảng 34,3% so với kỳ gốc khi thị trường mới bắt đầu ghi nhận các dự án mở bán từ quý III/2024.

Liên quan đến lĩnh vực này, trong báo cáo mới công bố, hãng dịch vụ tư vấn bất động sản Avison Young đánh giá, dòng vốn FDI đổ vào mạnh mẽ cho thấy sức hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Các lý do được chỉ ra là với dân số và đô thị hóa mạnh, nhà đầu tư nhìn thấy cầu vượt cung ở hầu hết các phân khúc chủ đạo như công nghiệp và hậu cần, nhà ở, văn phòng và bán lẻ.

Theo đơn vị này, động lực mang tính điểm nhấn của năm là hạ tầng và khung pháp lý cải thiện. Trong đó, 2024 đánh dấu cột mốc chính sách khi Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực. Những thay đổi, điều chỉnh trong khung pháp lý giúp chuyên nghiệp hóa hoạt động môi giới và giao dịch, đặt nền móng để thị trường phát triển lành mạnh, bền vững.

"Khi các tín hiệu tích cực xuất hiện rõ hơn là lúc tái khởi động dòng vốn vào các giao dịch và sẵn sàng đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới", ông David Jackson, Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam nói.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài vừa công bố, tính đến hết năm 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đăng ký mới, điều chỉnh, góp vốn, mua cổ phần và phần vốn góp đạt gần 38,23 tỷ USD, giảm 3% so với năm 2023. Vốn thực hiện của các dự án ĐTNN ước đạt khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước đó, đánh dấu mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay. Lũy kế đến ngày 31/12/2024, cả nước có 42.002 dự án ĐTNN còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 502,8 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt gần 322,5 tỷ USD, tương đương 64,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Trong năm các nhà đầu tư đã đầu tư vào 18 trong số 21 ngành kinh tế quốc dân, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với 25,58 tỷ USD, chiếm 66,9% tổng vốn đăng ký, tiếp theo là ngành kinh doanh bất động sản với 6,31 tỷ USD, chiếm 16,5%.

Về đối tác đầu tư, năm 2024 có 114 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 10,21 tỷ USD, chiếm 26,7% tổng vốn, tăng 31,4% so với năm 2023. Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 7,06 tỷ USD, chiếm 18,5%, tăng 37,5%. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông và Nhật Bản. Địa bàn đầu tư cho thấy Bắc Ninh dẫn đầu với gần 5,12 tỷ USD, gấp hơn 2,8 lần so với năm 2023. Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh lần lượt đứng thứ hai và ba với hơn 4,94 tỷ USD và 3,04 tỷ USD.