Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của Thế giới Di động có 70.218 tỷ đồng, tăng 16,8% so với đầu năm, với vốn chủ sở hữu 28.121 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả 42.097 tỷ đồng, gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu và tăng 14,5% so với đầu kỳ.
Thời điểm cuối năm ngoái, Thế giới Di động không còn khoản vay dài hạn, thay vào đó là khoản nợ thuê tài chính ngắn hạn lên tới 27.300 tỷ đồng, tăng thêm 8.172 tỷ đồng (tương đương 43%) so với đầu năm 2024. Trong số tiền 27.300 tỷ đồng đi vay, đã có hơn 20.800 tỷ đồng được vay tín chấp với thời gian đáo hạn từ 2/1-25/4/2025. Phía doanh nghiệp cho hay, việc vay số tiền hàng chục nghìn tỷ đồng với lãi suất thả nổi để bổ sung vốn lưu động.
Phần 5.900 tỷ đồng vay dài hạn đến hạn trả (16/9/2025) cũng là vay tín chấp, là khoản vay nguyên tệ 250 triệu USD.
Đáng chú ý trong bảng cân đối kế toán, số tiền Thế giới Di động dành đề đầu tư tài chính ngắn hạn tính đến 31/12/2024 ghi nhận 28.524 tỷ đồng, tăng 50% so với đầu năm (tương đương khoảng 9.587 tỷ đồng) trong bối cảnh tồn kho tăng nhẹ lên 22.667 tỷ đồng, đi kèm với dự phòng giảm giá hàng tồn kho tăng gấp đôi lên 423 tỷ đồng.
Trong số tiền 28.524 tỷ đầu tư tài chính ngắn hạn, đã có gần 19.000 tỷ đồng đã được gửi tại các ngân hàng thương mại có kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 1 năm và hưởng lãi suất áp dụng.
Hơn 9.500 tỷ đồng còn lại được công ty đem đi đầu tư trái phiếu. Tiền dành cho khoản mục này hồi đầu năm là 2.644 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận sau thuế cả năm 2024 của Thế giới Di động ghi nhận 3.733 tỷ đồng, gấp 22 lần so với cùng kỳ. Doanh thu thuần đạt 134.341 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2023.
Không khó hiểu khi doanh thu tài chính của MWG tăng 10% lên 2.376 tỷ đồng. Trong đó, ngoài 1.837 tỷ đồng lãi tiền gửi, công ty thu về 318 tỷ đồng từ lãi trái phiếu và cho vay - gấp 5,5 lần cùng kỳ.
Dòng tiền kinh doanh của công ty tính đến cuối năm ngoái ghi nhận dương 8.517 tỷ đồng. Yếu tố chính đến từ việc giảm các khoản phải trả 3.519 tỷ đồng./.