Tín dụng năm 2024 tăng 15,08%

Tường thuật trên báo Chính phủ cho thấy, năm 2024, bám sát các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động bám sát diễn biến kinh tế thế giới và trong nước để triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.

Trong năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao; điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, góp phần ứng phó phù hợp các cú sốc bên ngoài.

Đồng thời, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ; quản lý hoạt động kinh doanh vàng là xử lý và kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ phù hợp đã đạt được; sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được giữ vững; nợ xấu được tập trung xử lý, kiểm soát...

Tính đến ngày 31/12/2024, tín dụng nền kinh tế tăng khoảng 15,08% so với cuối năm 2023, tập trung vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng như: Chương trình 145.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản… Đặc biệt, ngành ngân hàng đã khẩn trương, kịp thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3…

67a0793d151c3.jpg
Quang cảnh buổi gặp mặt. (Ảnh: VGP)

Ngành ngân hàng cần chia sẻ nhiều hơn với người dân, doanh nghiệp

Chúc mừng năm mới tới toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động ngành ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá ngành ngân hàng đã bám sát các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ; nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu; phản ứng kịp thời trước các vấn đề đột xuất, cấp bách; kiên trì chính sách lãi suất, bảo đảm an toàn hệ thống, kiểm soát nợ xấu; xử lý hiệu quả các ngân hàng yếu kém; đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp, cung cấp tín dụng cho phát triển kinh tế-xã hội, nhất là cung cấp tín dụng cho ngành gỗ, thủy sản, nhà ở xã hội…

Lãnh đạo Chính phủ đề nghị ngành ngân hàng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay; tập trung tín dụng cho các ngành nghề, chương trình ưu tiên như Chương trình phát triển nhà ở xã hội, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát; hướng tín dụng vào làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng; trong đó có tín dụng cho phát triển hạ tầng và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số.

Tiếp tục xử lý các ngân hàng yếu kém, kiểm soát nợ xấu hiệu quả, tránh không để xảy ra vụ việc tương tự ngân hàng SCB; tiên phong trong chuyển đổi số, kết hợp với thực hiện Đề án 06 và xây dựng cơ sở dữ liệu ngành ngân hàng; làm tốt hơn nữa công tác truyền thông chính sách; hoàn thiện thể chế, bảo đảm bình đẳng và tạo không gian phát triển cho người dân, doanh nghiệp…

67a079672604c.jpg
Thủ tướng mừng tuổi lãnh đạo các ngân hàng. (Ảnh: VGP)

Nhấn mạnh tinh thần phải "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể", "coi trọng thời gian, đề cao trí tuệ và sự quyết đoán", vượt qua giới hạn của chính mình để tạo ra đột phá, Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành ngân hàng luôn quán triệt phương châm này, cùng các cơ quan phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hài hòa, hiệu quả các chính sách, trong đó điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; tạo hệ sinh thái tài chính, ngân hàng tốt, tạo việc làm, sinh kế cho doanh nghiệp, người dân cùng phát triển sản xuất, kinh doanh, với quan điểm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", "người dân, doanh nghiệp có phát triển thì ngành ngân hàng mới phát triển".

"Phải biết chia sẻ, biết cảm thông, đặt vị trí của mình vào vị trí người khác để cùng vượt qua những lúc khó khăn, thách thức và cùng phát triển", Thủ tướng mong muốn.

Phân tích thêm, Thủ tướng cho rằng trong điều hành chính sách phải tính đến giá trị tổng thể, kết quả tổng thể. Chăm lo sự phát triển của sản xuất, kinh doanh, sinh kế của người dân, doanh nghiệp là trách nhiệm, nghĩa vụ, cũng là tình cảm, trái tim, lý trí của ngành ngân hàng; có trách nhiệm với xã hội, người dân, doanh nghiệp cũng chính là trách nhiệm với ngành ngân hàng.

Thủ tướng đề nghị các ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần phát huy hơn nữa tình dân tộc, nghĩa đồng bào, trách nhiệm xã hội, chia sẻ nhiều hơn với người dân, doanh nghiệp, đóng góp nhiều hơn cho đất nước.

Lưu ý một số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng đề nghị các ngân hàng cần nghiên cứu chính sách ưu đãi cho cả người xây dựng, phát triển nhà ở xã hội và người mua nhà ở xã hội, góp phần giúp người thu nhập thấp có nhà ở.

Tích cực hỗ trợ phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, các ngân hàng phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để làm công tác này, tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng trên tinh thần "khó mấy cũng phải làm".

Cùng với đó, tích cực tiên phong thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa, kiểu mẫu hơn nữa, chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các ngành khác trong chuyển đổi số, hướng tín dụng vào chuyển đổi số.

Đồng thời tin tưởng ngành ngân hàng sẽ mạnh dạn hơn, quyết liệt hơn, đạt kết quả công tác năm 2025 cao hơn năm 2024, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng và người dân ngày càng hạnh phúc, ấm no./.