Chiều 17/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)
Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, so với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cơ bản vẫn giữ nguyên phạm vi điều chỉnh, theo đó Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định sở hữu, phát triển, quản lý vận hành, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam.
Riêng các giao dịch liên quan đến nhà ở của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai thì chuyển sang điều chỉnh theo Luật Kinh doanh bất động sản để tránh trùng lắp.
Đánh giá nguồn lực thực hiện dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, sau khi Luật Nhà ở (sửa đổi) được ban hành, các cơ quan quản lý nhà ở vẫn tiếp tục thực hiện các quy định về phát triển và quản lý nhà ở đã được quy định trong Luật Nhà ở hiện hành mà không làm phát sinh về nhân lực, tài chính để triển khai thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở theo Tờ trình của Chính phủ. Về cơ bản, các tài liệu trong Hồ sơ dự án Luật đã bảo đảm theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện Báo cáo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Báo cáo kinh nghiệm pháp luật quốc tế về nhà ở gắn với các chính sách mới trong dự thảo Luật...
Liên quan đến đối tượng được sở hữu nhà ở và hình thức được sở hữu tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài có các quyền của chủ sở hữu nhà ở cơ bản như công dân Việt Nam, trừ một số điều kiện về số lượng nhà, căn hộ, khu vực được phép sở hữu và thời hạn sở hữu.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 5 của Luật Đất đai hiện hành, Điều 5 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất không bao gồm cá nhân là người nước ngoài. Do đó đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình làm rõ nội dung này.
Về thời hạn sở hữu nhà chung cư, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, Chính phủ đề xuất bổ sung mới quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật không tán thành quy định mới về sở hữu nhà chung cư có thời hạn bởi chính sách này chưa nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ. Bên cạnh đó, kinh nghiệm pháp luật quốc tế về thời hạn sở hữu nhà chung cư cũng cho thấy không có nước nào áp dụng như đề xuất trong dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng: Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật không tán thành quy định mới về sở hữu nhà chung cư có thời hạn.
Liên quan đến chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh: Quy định về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh cơ bản kế thừa từ Luật hiện hành. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với các quy định này nhưng đề nghị chỉnh lý chặt chẽ, phù hợp hơn.
Về sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, so với Luật Nhà ở hiện hành được sửa đổi, bổ sung năm 2022 chỉ cho phép sử dụng đất ở và đất hỗn hợp có đất ở làm dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, điểm c khoản 1 Điều 40 của dự thảo Luật bổ sung 04 trường hợp đất khác (không có đất ở) được làm dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.
Về bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo Luật, tuy nhiên đề nghị quy định tỷ lệ phần trăm tối thiểu của tiền sử dụng đất của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành cho việc phát triển nhà ở xã hội, tránh việc các địa phương không bố trí thỏa đáng tiền sử dụng đất thu được cho nội dung này, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu chính sách.
Về đối tượng được hưởng chính sách về nhà lưu trú cho công nhân, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc quy định đối tượng “chuyên gia” (bao gồm cả chuyên gia nước ngoài) và đối tượng là “người lao động” đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp thuộc đối tượng được hưởng chính sách về nhà lưu trú cho công nhân là chưa phù hợp.
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, dự thảo Luật còn có một số quy định xung đột, chưa thống nhất với các luật hiện hành và các dự thảo Luật đã và chuẩn bị trình Quốc hội, cụ thể là dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)...