Vốn dĩ những buổi livestream rao bán quần áo, mỹ phẩm hay đồ gia dụng vốn dĩ không còn xa lạ. Thế nhưng, câu chuyện chủ đầu tư địa ốc trực tiếp “lên sóng” mạng xã hội để chốt bán những bất động sản có giá trị lên đến hàng tỷ đồng đã gây bất ngờ cho không ít người quan tâm thị trường.

Gần đây, một số doanh nghiệp bất động sản lớn đã mạnh dạn thử nghiệm hình thức bán hàng này, biến những nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook trở thành sàn giao dịch bất động sản trực tuyến thu nhỏ. Song, đằng sau những con số “booking” hàng trăm lượt, nhiều chuyên gia vẫn dè chừng về khả năng “bán nhà qua màn hình” có thực sự trở thành xu thế bền vững.

Ông lớn địa ốc rầm rộ ‘lên sóng’ livestream chốt đơn căn hộ

Một buổi tối giữa tháng 6, giới bất động sản xôn xao khi doanh nhân Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị C-Holdings thường được gọi với biệt danh Cường Đô La, xuất hiện trong một buổi livestream trên TikTok để quảng bá và bán những căn hộ thuộc dự án chung cư nằm tại trung tâm TP. Dĩ An, Bình Dương – khu vực sau sáp nhập nay thuộc phường Bình Hòa, TP.HCM.

686f45fd1107a.jpg
Chủ đầu tư tự lên sóng livestream, công bố ưu đãi để thu hút khách đặt cọc online.

Dự án này sở hữu quy mô hơn 1.000 căn hộ, với mức giá từ 33 triệu đồng mỗi m2, mức giá này được đánh giá là khá dễ tiếp cận với nhóm khách hàng trẻ. Đặc biệt, chủ đầu tư còn công bố gói lãi vay ưu đãi cố định 5,5% trong 5 năm, nhằm thu hút những người mua nhà lần đầu.

Theo thông tin từ đơn vị phân phối, buổi livestream đã thu về hơn 150.000 lượt xem, 31.000 bình luận và có đến 1.200 khách hàng để lại thông tin liên hệ để được tư vấn. Con số đặt cọc giữ chỗ (booking) được công bố là hơn 500 lượt, một kết quả mà bất kỳ sàn giao dịch truyền thống nào cũng phải “ao ước”.

Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu cá nhân ông Cường Đô La thử nghiệm các phương pháp truyền thông mới để quảng bá dự án, song việc chủ đầu tư trực tiếp xuất hiện trong phiên chợ online bất động sản như thế này là một bước đi táo bạo.

Cùng thời điểm đó, tại thị trường Hà Nội, Sunshine Group, một “tay chơi” quen mặt trên thị trường căn hộ cao cấp cũng rầm rộ khởi động chuỗi livestream bán bất động sản trên nhiều nền tảng khác nhau.

Trong một phiên gần đây, ngày 8/7, Sunshine giới thiệu một căn hộ hơn 73 m2 tại khu vực phía Bắc Thủ đô, thu hút hàng nghìn người theo dõi trực tiếp. Đáng chú ý, một khách hàng đã “chốt đơn” căn hộ này với mức giá lên đến 7,5 tỷ đồng (khoảng 102 triệu đồng/m2).

Sau khi thương lượng, Sunshine còn chiết khẩu thêm cho khách hàng 500 triệu đồng, đưa giá thực tế xuống còn 7 tỷ đồng. Vài ngày tới, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục “lên sóng” để chào bán các căn thấp tầng tại phía Tây Hà Nội với giá khởi điểm gần 7 tỷ đồng/căn.

Khi “phiên chợ online” không còn là sân chơi của môi giới

Có thể thấy rằng những buổi livestream bán nhà không còn do đội ngũ môi giới hay nhân viên sales tự phát mà đã được chính các doanh nghiệp bất động sản lớn đứng ra tổ chức với người đại diện xuất hiện trực tiếp, cam kết sản phẩm và công bố chính sách ưu đãi.

Thay vì những hội trường hoành tráng, sự kiện mở bán tốn kém, giờ đây chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh và đường truyền mạng ổn định, buổi “chốt đơn” có thể thu hút hàng chục nghìn lượt xem, hàng trăm lượt booking ngay trên sóng.

‘Lên sóng’ livestream bán nhà, công cụ marketing mới của nhiều chủ đầu tư.

Theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc kênh Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam, đây có thể coi là tín hiệu cho thấy doanh nghiệp bất động sản bắt đầu chú trọng hơn đến các kênh bán hàng phi truyền thống. Ông Tuấn nhận xét, livestream bán nhà thực sự là xu hướng mới thú vị, mở ra hướng đi mới cho các chủ đầu tư. Không chỉ bán được hàng mà còn là công cụ truyền thông mạnh mẽ.

"Những người trẻ dù chưa có nhu cầu mua hay đầu tư bất động sản vẫn có thể tò mò vào xem một phiên livestream diễn ra thế nào", ông Tuấn nói.

Tuy vậy, ông Tuấn cho rằng, việc booking qua các nền tảng trực tuyến chỉ là bước ban đầu trong quá trình giao dịch một bất động sản. Những khách hàng booking có thể trước đó đã biết rõ về sản phẩm, sau đó mới lên livestream để đặt chỗ nhằm hưởng các ưu đãi có thể như về lãi suất hay chiết khấu từ chủ đầu tư.

Điểm khác biệt rõ rệt của các buổi bán nhà online hiện nay so với trước đây chính là yếu tố “chính chủ”. Khi chủ tịch hay ban lãnh đạo đích thân lên sóng, khách hàng dễ tin tưởng rằng đây không chỉ là chiêu trò marketing của sales. Hơn nữa, những ưu đãi công khai như chiết khấu, tặng quà, lãi vay thấp thường chỉ áp dụng cho những khách “chốt đơn” ngay trên sóng, tạo tâm lý “sợ bỏ lỡ” (FOMO) cho người xem.

Chiêu marketing mới, khó thay thế trải nghiệm thực

Dẫu vậy, không ít ý kiến cho rằng livestream bán nhà thực chất vẫn chỉ là hình thức marketing được làm mới, thay thế cho các sự kiện ra mắt hoành tráng, tốn kém. Trước đây, để mở bán dự án, các chủ đầu tư thường thuê hội trường lớn, mời nghệ sĩ, ca sĩ biểu diễn, tổ chức bốc thăm may mắn… Tất cả đều nhằm mục đích duy nhất tạo độ nóng cho dự án. Nay, khi công nghệ số lên ngôi, việc chuyển các buổi lễ đó lên TikTok, Facebook là bước chuyển đổi “số hóa” quy trình tiếp cận khách hàng.

Ông Phạm Đức Toản, Tổng Giám đốc EZ Property chia sẻ, việc livestream các hoạt động livestream chủ yếu nhằm mục đích quảng bá, đẩy truyền thông để thu hút sự chú ý. "Thay vì các sự kiện offline được tổ chức hoành tráng theo cách truyền thống với nhiều ca sĩ, nghệ sĩ, doanh nghiệp hiện nay có thể livestream cùng KOLs để khách hàng quan tâm tạo tài khoản, đặt booking và công bố các chính sách ưu đãi riêng', ông Toản cho biết.

Với kinh nghiệm 20 năm gắn bó thị trường địa ốc, ông nhận định việc khách hàng mạnh tay chi hàng tỷ đồng để mua bất động sản chỉ qua vài cú “click” gần như bất khả thi. Đặc biệt, với người mua nhà để ở, quyết định xuống tiền thường đòi hỏi nhiều bước kiểm tra thực tế từ phong thủy, thiết kế, vị trí dự án đến tính pháp lý và uy tín chủ đầu tư. Tư vấn trực tiếp, trải nghiệm tận nơi vẫn là yếu tố khó thể thay thế bằng một buổi livestream.

686f46b084129.jpg
Hình thức bán hàng qua livestream được xem như bước đệm truyền thông cho dự án.

Theo ông, hình thức phát sóng bán nhà trực tuyến thực chất chỉ nên xem là bước đệm truyền thông để bán hàng sau này, giúp chủ đầu tư thu hút sự quan tâm và sàng lọc khách hàng tiềm năng. Khi giá trị giao dịch online lên đến hàng tỷ đồng rất khó thay thế được hình thức bán hàng trực tiếp, nhất là với loại hình hàng hoá đặc thù như bất động sản. Thực tế, trước đây đã có một số doanh nghiệp mạnh dạn phát triển nền tảng phân phối nhà đất trực tuyến, nhưng phần lớn đều không đạt kết quả như kỳ vọng.

Chuyên gia bất động sản cũng chỉ ra, đa số khách booking qua livestream đều đã tìm hiểu kỹ về sản phẩm từ trước. Họ tranh thủ “lên sóng” để giành suất ưu đãi. Sau đó, gần như chắc chắn sẽ vẫn có quy trình tư vấn riêng, đưa khách đến tham quan thực tế, chốt hợp đồng theo cách truyền thống. Chưa kể, vấn đề pháp lý luôn là mối lo lớn, khi giấy tờ liên quan đến sổ đỏ, quy hoạch… vẫn buộc khách hàng phải tiếp xúc trực tiếp với chủ đầu tư hoặc đơn vị phân phối.

Dẫu còn nhiều băn khoăn, nhưng không thể phủ nhận livestream bán bất động sản đang mở ra một hướng tiếp cận mới, nhất là khi thị trường này đang cạnh tranh gay gắt. Thay vì phụ thuộc quá nhiều vào đội ngũ môi giới, doanh nghiệp chủ động xây dựng kênh bán hàng trực tiếp, tiết kiệm chi phí tổ chức sự kiện, đồng thời thu thập dữ liệu khách hàng tiềm năng.

Livestream cũng phù hợp với tâm lý tiêu dùng “tiện, nhanh, dễ tra cứu” của thế hệ Millennials và Gen Z, đây là nhóm khách đang dần chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu người mua nhà, nhất là phân khúc vừa túi tiền, nhà đầu tư cá nhân. Khi nền tảng công nghệ phát triển, các buổi livestream hoàn toàn có thể kết hợp các công cụ trải nghiệm ảo, tư vấn pháp lý online, đặt cọc, ký hợp đồng số… Tuy nhiên, để điều đó trở thành hình thức phổ biến vẫn còn là chặng đường dài.

Trong bối cảnh thị trường địa ốc vẫn còn nhiều khó khăn, livestream bán nhà có thể coi như một “gia vị” mới để khuấy động không khí ảm đạm. Thế nhưng yếu tố quyết định quan trọng vẫn là niềm tin của người mua, được xây dựng bằng trải nghiệm thực tế, chứ không chỉ qua màn hình./.