Báo cáo của Amazon Global Selling cho thấy, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu Việt Nam đạt 267.93 tỷ USD, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước xuất khẩu hàng hóa ra các thị trường quốc tế qua Amazon cũng tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa, ông Phan Bình - Giám đốc Thương hiệu J&T Express đánh giá giao nhận hàng hóa xuyên biên giới nay đã trở thành nhu cầu không thể thiếu: “Đối với người kinh doanh, họ thường xuyên phải gửi hàng mẫu cho đối tác, hay các tài liệu quan trọng như hợp đồng, chứng từ. Đối với cá nhân, họ có thể gửi quà tặng cho người thân, bạn bè ở nước ngoài. Đây là những nhu cầu thực tế, không nhằm mục đích kinh doanh, nhưng tính chất hàng hoá rất quan trọng với doanh nghiệp/cá nhân nên người dùng cũng rất cần dịch vụ giao nhận hàng hoá uy tín, an toàn.”
Tuy nhiên, thị trường ngoại cũng ẩn chứa không ít thách thức đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình, cá nhân. Thách thức lớn nhất đến từ những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa. Việc dấn thân vào thị trường mới đòi hỏi người kinh doanh phải tìm hiểu về nhu cầu, thị hiếu của người dùng tại thị trường mới để đưa ra các chiến lược thích hợp.
Ảnh minh họa |
Trở ngại lớn thứ hai cho việc chiếm lĩnh thị trường ngoại địa là các vấn đề về chi phí bán hàng, chi phí vận chuyển/bảo hiểm hàng hóa, thời gian vận chuyển hay thủ tục pháp lý phức tạp. Thêm vào đó, năng lực vận chuyển cũng là một bài toán khó với các doanh nghiệp bán lẻ muốn phát triển ra thị trường nước ngoài. Những câu hỏi thường trực bao gồm: quy trình đóng gói cho đúng tiêu chuẩn của từng loại hàng hóa, phương thức theo dõi và đảm bảo hàng hóa an toàn tới tay người nhận…
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nhấn mạnh: “Để góp phần mang hàng Việt xuất ngoại, chúng ta cần sự hợp tác đồng bộ giữa các bên. Cần có các đơn vị trung gian giúp tìm hiểu thị trường, thủ tục và đặc điểm hàng hoá cần xuất khẩu, tư vấn bán hàng, quảng bá sản phẩm. Đơn vị vận chuyển như J&T Express hỗ trợ tư vấn về đóng gói, vận chuyển nhận hàng tận cửa người bán, giao hàng tận tay người nhận để giúp người bán, người mua an tâm về hàng hoá.”
Chia sẻ kĩ hơn về khâu đóng gói, ông Phan Bình - Giám đốc Thương hiệu J&T Express cho biết: “Các quốc gia trên thế giới đều có tiêu chuẩn riêng cho việc đóng gói bao bì sản phẩm, và các doanh nghiệp trong nước cũng nên được hỗ trợ và đầu tư cho những vấn đề đó. Ví dụ, khi gửi một mẫu vải đi, mình phải đóng gói làm sao để gọn nhẹ nhất có thể, không chiếm diện tích mà lúc mở ra vẫn không bị nhăn nhúm? Đó là bài toán mà phía chuyển phát có thể hỗ trợ, nhưng đương nhiên vẫn cần nhiều hơn sự am hiểu từ chính các đơn vị sản xuất. Nếu có được sự đồng thuận từ 2 bên, việc giao nhận, vận chuyển hàng mẫu xuyên biên giới đến hơn 200 quốc gia như J&T Express đang áp dụng cũng trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn. Khi hàng mẫu đã được chấp nhận rồi, những đơn hàng lớn hơn sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi”.
Việc đóng gói rất cần có đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp để thực hiện bởi tất cả hạng mục hàng hóa đều có những đặc thù riêng. Bên cạnh đó, hành trình đến được nơi nhận cũng tồn tại nhiều rủi ro khó lường trước. J&T Express không chỉ đồng hành cùng người bán ở giai đoạn gửi sản phẩm đi giao thương mà còn ở giai đoạn sớm hơn - khi người bán cần gửi hàng mẫu cho đối tác nước ngoài kiểm duyệt trước khi ký hợp tác chính thức.
Tập phát sóng thứ 04 về chủ đề “Chuyển phát nhanh tiếp sức hàng Việt xuất ngoại” đã chính thức khép lại chuỗi tọa đàm “Chỉ Dẫn Đỏ” - chương trình do đơn vị chuyển phát nhanh J&T Express phối hợp cùng Báo Dân trí thực hiện. Thông qua 04 kỳ phát sóng liên với 04 chủ đề - “Chuyển phát nhanh - Thành bại của bán hàng online”, “Sáng tạo trong chuyển phát nhanh và lợi ích cho khách hàng”, “Cầu nối từ nông trại đến bàn ăn”, “Chuyển phát nhanh tiếp sức hàng Việt xuất ngoại”, chương trình đã mang đến cái nhìn cặn kẽ và chính xác về những thay đổi, cải tiến của ngành kinh doanh trực tuyến và chuyển phát nhanh trong thời bình thường mới…